09/04/2020 11:12 GMT+7

Cân nhắc hơn trong mỗi hành vi

NGUYỄN THỤY ANH - GIÁP VĂN DƯƠNG
NGUYỄN THỤY ANH - GIÁP VĂN DƯƠNG

TTO - Bàn tròn 'Tập sống chậm từ mùa COVID-19' (Tuổi Trẻ ngày 6, 7 và 8-4) kỳ này khép lại với chia sẻ của hai chuyên gia giáo dục - TS Giáp Văn Dương và TS Nguyễn Thụy Anh.

Cân nhắc hơn trong mỗi hành vi - Ảnh 1.

Gia đình cuối cùng vẫn là “cái kén” an toàn nhất - Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Những ngày khác lạ với nhịp sống thường nhật, soi chiếu từ bức tranh của gia đình mình, mỗi người cùng nghĩ về, thực hành việc “sống chậm”, sống có chất lượng.

Gia đình là "cái kén" an toàn

Một cuộc sống không rượu không bia sau giờ làm, gia đình đọc sách, trò chuyện, chăm cây, cắm hoa và nấu ăn với nhau nhiều hơn, cả nhà thực hiện giữ vệ sinh cá nhân tốt hơn - trên thực tế chưa thể trở thành lối sống bền vững của người Việt. Nó chỉ là giải pháp nhất thời trong thời kỳ dịch bệnh.

Tuy nhiên, tôi không muốn gọi những khía cạnh tích cực mà việc giãn cách xã hội đem lại cho mỗi gia đình là "lối sống thời Covid" bởi dịch bệnh chỉ là một "cái phanh" giữ chúng ta khựng lại đột ngột, và ta vì bị đứng tại chỗ mà nghĩ được lâu hơn, sâu hơn về những vấn đề của bản thân, của gia đình, của con người nói chung trước thế giới.

Chúng ta lo lắng cho những gì đang xảy ra. Chúng ta cũng vui mừng vì có cơ hội bắt đầu những việc mà ta vốn thấy cần nhưng do quán tính hoạt động mà cứ để đó hoặc lướt qua. Ai đó cần đọc. Ai đó cần nghe. Ai đó cần vun vén lại gia đình, kết nối lại với các thành viên...

Thì đây, phần nào bị "ép" ở trong nhà với nhau, "quấn túm" nhau trong bốn bức tường, ta càng thấy phải tổ chức lại cuộc sống để tránh mọi va chạm, mâu thuẫn, để sống dễ chịu hơn.

Ngoài ra, chúng ta có được bài học về giá trị. Tiền bạc chẳng là gì so với sức khỏe. Gia đình cuối cùng vẫn là "cái kén" an toàn nhất.

Thế nhưng, dịch bệnh rồi qua đi, nỗi sợ qua đi, liệu cuộc sống có trở lại ồn ào vội vã, vô tổ chức, mất vệ sinh như cũ? Có thể lắm, nếu chúng ta không nhắc đi nhắc lại với nhau, lưu lại để nhớ những bài học đã trải nghiệm.

Câu chuyện lối sống cần được đưa vào các bài giảng của thầy cô, hướng dẫn học sinh quy tắc ứng xử với thiên nhiên, môi trường, với mọi người và ý thức về trách nhiệm cộng đồng của mỗi con người, mỗi công dân.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, trước khi kết thúc việc cách ly xã hội, gia đình tôi sẽ ngồi lại thảo luận về những thói quen được hình thành trong những ngày qua. 21 ngày là có thể có một thói quen rồi.

Đó là thói quen... nhìn thấy nhau, cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau xem phim, thói quen tôn trọng thời gian và không gian tự do của nhau khi luôn ở bên cạnh...

Những thói quen nào, giờ giấc nào mình muốn giữ lại thì nên lấy ý kiến từng người và quyết tâm không phá bỏ. Việc gì đã giảm thiểu được mà có lợi là cố gắng thực hiện tiếp.

Ví dụ, thỏa thuận bố sẽ chỉ "đi nhậu" với bạn bè vào một ngày trong tuần; hay thống nhất cứ đến 6h chiều là cả nhà gặp nhau ngoài bếp chuẩn bị bày biện cơm nước và trò chuyện. Một "thời gian biểu gia đình" thậm chí có thể được lập bằng... văn bản để mỗi người tiếp tục làm theo.

Bên cạnh đó, việc siết lại các tiêu chí kiểm tra và tổ chức tuyên truyền cộng đồng về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ cần được thực hiện thường xuyên. Điều đó khiến người dân không quên những gì đã xảy ra, cân nhắc hơn trong mỗi hành vi của mình.

Được giáo dục ở nhà trường, điều chỉnh trong gia đình, định hướng ngoài xã hội - đó là những điều kiện cần và đủ để chúng ta xây dựng một lối sống lành mạnh, tích cực, "chậm mà không chậm", và bền vững.

NGUYỄN THỤY ANH

Bỗng nhiên được ở nhà mình

Những ngày này, tránh dịch COVID-19, trẻ con không đến trường, người lớn làm việc tại nhà, cũng có khi là giảm tải công việc bất đắc dĩ. Nhưng ở nhà sao cho hiệu quả lại là câu chuyện khác.

Ngày thường sống nhanh quen rồi. Nghe về lợi ích của sống chậm cũng nhiều rồi. Nhân sự cố này, sao không thử sống chậm một phen? Sao không thử sống thiền một buổi? Không ở đây thì ở đâu? Không bây giờ thì bao giờ? Nhưng sống chậm quả thật là không dễ...

Ở nhà, mà hóa ra tâm không ở nhà. Ở nhà, mà thời gian lang thang ra khỏi nhà nhiều hơn thời gian ở nhà gấp bội.

Thời đại di động và Internet càng làm cho ta dễ lang thang hơn nhiều. Lên mạng, lên "phây"... có thể kéo dài từ sáng đến tối. Người lớn theo kiểu của người lớn. Trẻ con theo kiểu của trẻ con. Vượt thoát được cám dỗ lang thang này, quả thực không dễ.

Với gia đình tôi, những ngày này trẻ con được nghỉ học, thành ra cơ hội để được ở cùng nhau nhiều hơn. Đọc sách, tập đàn, nấu ăn, uống trà, chăm cây và chơi với kiến...

Tất cả đều thú vị và sống động. Nếu không được nghỉ, chắc ít có cơ hội để trẻ nhỏ thực hành những việc này. Chúng tôi coi đây như cơ hội để học khác đi, làm việc khác đi, chơi khác đi, kỳ vọng khác đi, và sống khác đi... một chút.

Để nhiều năm sau nhìn lại, các con tôi còn có gì đọng lại trong ký ức về những ngày nghỉ học tránh dịch này, và để thấy có những câu chuyện lớn hơn câu chuyện ăn - học - chơi - ngủ hằng ngày.

Để thấy, sự mong manh và yếu đuối của ta trước tự nhiên, và sự bối rối của chúng ta trước những tình huống bất ngờ ta phải đối mặt.

Chợt nhận ra, những gì mình thực sự cần có thể khác xa hơn nhiều những gì mình đã muốn. Và những sự thật được bộc lộ ra trong hoàn cảnh đặc biệt này có thể khác xa những gì đã được hiện ra trước đó.

Để thấy, ta có cơ hội hiểu hơn về bản thân và cuộc đời này.

Để biết, ta bỗng nhiên được ở nhà mình.

GIÁP VĂN DƯƠNG

Đại dịch nhắc nhở chúng ta phải chậm lại vì sức khỏe, an toàn Đại dịch nhắc nhở chúng ta phải chậm lại vì sức khỏe, an toàn

TTO - Tiếp nối bàn tròn Tập sống chậm từ mùa COVID-19 (Tuổi Trẻ ngày 6 và 7-4), Tuổi Trẻ giới thiệu một góc nhìn về văn hóa xếp hàng của tác giả Văn Quý Ngọc Ái - đồng sáng lập Tổ chức 1648kilomet.

NGUYỄN THỤY ANH - GIÁP VĂN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên