Phóng to |
Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý GDĐH...
Chưa giải quyết thỏa đáng các vấn đề GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết Luật GDĐH hết sức cần thiết. Nhưng đến thời điểm này dự thảo luật vẫn chưa giải quyết thỏa đáng những vấn đề cấp bách mang tính chiến lược lâu dài, thậm chí còn né tránh những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, đây còn trong quá trình chuẩn bị, Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội, rồi Chính phủ điều chỉnh và trình trong kỳ họp thứ nhất (Quốc hội khóa tới). Sau đó tiếp tục tiếp thu, giải trình và hoàn thiện để tiếp tục trình vào kỳ họp thứ hai, khi đó Quốc hội mới đặt vấn đề có thông qua luật này hay không. |
Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trình bày lại bản dự thảo Luật GDĐH lần thứ tư (cập nhật ngày 27-4), liền có nhiều ý kiến khá gai góc, thẳng thắn khiến không khí của hội nghị trở nên nóng.
Hầu hết đại biểu đều cho rằng trong bối cảnh đất nước hiện nay rất cần có Luật GDĐH. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng việc ban hành Luật GDĐH là cần thiết và đã được chờ đợi từ hơn mười năm nay. Điều này càng cấp thiết hơn khi chất lượng GDĐH có dấu hiệu ngày càng sa sút, các bất cập và yếu kém gây ra cho xã hội nhiều bức xúc.
Tuy nhiên ông thất vọng sau khi nghiên cứu tìm hiểu kỹ dự thảo Luật GDĐH. GS Trân thẳng thắn: “Tôi cảm nhận dự thảo luật này là kết quả của một sự trích xuất, sắp xếp lại, có sử dụng nội dung trong Điều lệ trường ĐH. Dự thảo dẫn về Luật GD năm 2005 ở nhiều điều khiến người đọc nghĩ đó là những nội dung khó mà bộ còn lúng túng, chưa có giải pháp”.
GS Phạm Phụ cho rằng một văn bản luật phải thể hiện một số đường lối, chính sách, nhưng hiện nay chưa có chiến lược GD. GS Phụ đã dẫn ra một loạt sự im lặng của Bộ GD-ĐT sau rất nhiều năm về việc cho ra đời chiến lược GD như Bộ Chính trị có thông báo kết luận yêu cầu Bộ GD-ĐT chuẩn bị chiến lược GD.
Thủ tướng cũng đã xác định cải cách GDĐH là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng sau đó Bộ GD-ĐT vẫn im lặng. GS Phạm Phụ nhận định: “Rõ ràng hiện vẫn chưa có chiến lược mà lại nhảy vào làm Luật GDĐH là quy trình ngược. Vì vậy dẫn đến kết quả gần như tất cả những vấn đề gay cấn, then chốt hiện nay trong luật đều tránh né hết”.
Theo ông, dự thảo lại viết những điều rất chung chung và có những chỗ viết chi tiết quá đáng. “Tôi cảm giác luật này đưa ra không có tác dụng và có lẽ nó xuất hiện không đúng lúc. Nó rất cần thiết nhưng xuất hiện trong khi chưa có chiến lược, chính sách mà đã làm luật trước là quy trình ngược và không đúng lúc” - GS Phụ nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho rằng VN đang gặp khủng hoảng kép về chất lượng và số lượng của hệ thống GD ở mọi cấp, nghiêm trọng nhất là ở bậc ĐH. Nếu không giải quyết đúng đắn và kịp thời VN sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và hội nhập.
“Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng kép chủ yếu ở khâu tổ chức quản lý GDĐH” - PGS Tống đánh giá. Ông Huỳnh Thành Đạt, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay các quy định về GDĐH nằm trong nhiều văn bản khác nhau, nhiều quy định đã không còn phù hợp, do đó rất cần có Luật GDĐH.
Đánh giá tổng thể dự thảo Luật GDĐH, GS.TS Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu lập pháp, cũng cho rằng các quy định còn chung chung, phần nhiều mang tính nguyên tắc, các chế tài quy định trong dự thảo chưa cụ thể, rõ ràng và đủ mạnh. “Nhìn tổng thể nội dung dự thảo luật chưa tìm thấy được các điều luật thể hiện sâu đậm các quan điểm chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật GDĐH, đặc biệt là các quan điểm nâng cao chất lượng đào tạo”.
Ban hành khi đủ "chín"
Nội dung về kiểm định chất lượng cũng được khá nhiều đại biểu quan tâm. TS Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu GD Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng Luật GDĐH cần làm rõ việc này vì đây là vấn đề hết sức quan trọng nhưng các trường lại đang thờ ơ. Tương tự, TS Phan Thị Tươi (Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) đề xuất việc kiểm định chất lượng GDĐH được thực hiện bởi tổ chức kiểm định độc lập của nước ngoài hoặc trong nước được Nhà nước (Bộ GD-ĐT) công nhận.
Về vấn đề tự chủ ĐH, GS Phụ thẳng thắn cho rằng dự thảo này không mạnh bằng nghị quyết 05/2005. Để có tự chủ ĐH, phải giao quyền cho hội đồng trường chứ không phải giao cho hiệu trưởng. Và quy chế về hội đồng trường cũng đã nói rõ trong Luật giáo dục 2005 nhưng trong dự thảo này không có câu nào đề cập việc này. TS Phạm Thị Ly, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực ĐHQG TP.HCM, cũng cho rằng đang có nhiều vướng mắc trong vấn đề hội đồng trường. Đây là thiết chế vô cùng quan trọng mà Luật GDĐH cần phải có.
“Như vậy dự thảo luật này là một bước thụt lùi so với chính chúng ta mấy năm trước. Tôi mong rằng Luật GD ĐH phải được soạn lại một cách bài bản để trình Quốc hội chứ không phải là sự liệt kê những vấn đề lặt vặt” - GS Phụ nói.
Bên cạnh đó, GS Trân cũng đưa ra một kiến nghị được nhiều người đồng tình. Theo ông, Luật GDĐH chỉ nên ban hành khi nó đạt nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết các yếu kém và bất cập hiện nay của GDĐH, và thể hiện sự đổi mới thật sự về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực GD này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận