22/06/2013 11:47 GMT+7

Cần mạnh tay hơn!

hue-audio
hue-audio

TT - Cả nước hiện có cả ngàn trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Do không có đội ngũ làm nội dung, nhiều trang tin đã "cóp" tin bài từ các báo để lôi kéo người đọc, từ đó vô tư thu lợi "khủng", bất chấp những quy định của pháp luật.

Sẽ triệu tập các bên làm rõ chuyện ăn cắp bản quyềnĐã đến lúc thực hiện nghiêm quy định về bản quyềnBaomoi.com thừa nhận sai luật

Aw4KkWiV.jpgPhóng to
Bài báo “Nhà nước bỏ quên cổ tức ngàn tỉ” đăng trên Tuổi Trẻ sáng 11-6 đã bị một loạt trang mạng “lấy cắp” - Ảnh: Tự Trung

Nhiều cơ quan báo chí hiện rất đau đầu trước việc bị những trang thông tin điện tử (trang web) thường xuyên "đạo" tin bài của mình. Vấn đề ăn cắp bản quyền báo chí từng được nhiều báo lên tiếng nhưng thời gian qua tình trạng này vẫn không giảm.

"Kêu cứu" và "nhắc nhở"

Theo nghị định 97/2008, trang thông tin điện tử là trang web cung cấp thông tin tổng hợp, không phải là báo điện tử, không có quyền sản xuất thông tin, chỉ đăng lại thông tin từ các báo khác (khi đăng lại phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm báo chí). Theo thông tư 14 hướng dẫn nghị định 97/2008, để được cấp phép hoạt động thì trong hồ sơ xin cấp phép, các trang tin điện tử này phải gửi kèm hợp đồng khai thác thông tin hoặc hợp tác kinh doanh với cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, do quy định không bắt buộc phải có tối thiểu bao nhiêu hợp đồng, văn bản của cơ quan báo chí đồng ý cho khai thác thông tin nên các trang tin (hầu hết của doanh nghiệp) chỉ cần ký thỏa thuận với một hoặc vài báo để đảm bảo điều kiện cấp phép. Sau khi có giấy phép, các trang tin điện tử này bắt đầu tự tung tự tác, không chỉ lấy tin từ báo có hợp đồng mà "đạo" tin bài từ nhiều báo.

Trước việc bị xâm phạm bản quyền một cách vô tội vạ trên, nhiều báo đã gửi văn bản nhắc nhở các trang tin điện tử chấm dứt hành vi vi phạm, đồng thời gửi đơn kêu cứu đến Bộ Thông tin - truyền thông. Ngày 27-3-2013, Bộ Thông tin - truyền thông đã có văn bản số 897 yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi khai thác, sử dụng thông tin của các cơ quan báo chí để đăng tải trên trang thông tin điện tử cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ, nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, dù đã có văn bản nhắc nhở trên nhưng tình trạng vi phạm bản quyền báo chí hiện vẫn tái diễn trên nhiều trang tin điện tử.

"Hô biến" nhân viên trang tin thành phóng viên

Dù nghị định 97 đã quy định rõ trang tin điện tử tổng hợp chỉ đăng lại thông tin từ các báo (khi đăng có trích dẫn nguồn đầy đủ và được sự cho phép của báo đó), nhưng hiện nay nhiều trang tin đang "lấn sân" sang hoạt động như một cơ quan báo chí. Vừa qua, tại TAND TP.HCM và tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xuất hiện nhiều "phóng viên" tự xưng là người của một số trang tin điện tử đến dự các phiên tòa để chụp hình, viết tin. Một số cuộc họp, hội thảo của các ban ngành cũng thấy có người của các trang tin điện tử tham dự, tác nghiệp quay phim, chụp ảnh với tư cách phóng viên.

Trước tình trạng này, Bộ Thông tin - truyền thông một lần nữa có văn bản chấn chỉnh hoạt động của các trang tin trên. Trong văn bản số 1432 gửi các cơ quan chức năng, Bộ Thông tin - truyền thông nêu đích danh các trang tin vi phạm và nhấn mạnh: các trang thông tin điện tử của tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan Ðảng và Nhà nước phù hợp với quy định pháp luật về báo chí, về bản quyền; không được bình luận. Việc nhân viên của những trang tin này tham gia các cuộc họp báo, hội nghị, hội thảo do các bộ ngành tổ chức để đưa tin như cơ quan báo chí là không đúng. Theo Bộ Thông tin - truyền thông, việc gửi văn bản trên là để thông báo các cơ quan biết nhằm hạn chế hoạt động không đúng pháp luật của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp.

Cần xử phạt nặng, tước giấy phép

Bà Nguyễn Thị Khánh Tâm, tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM, cho biết báo Phụ Nữ thường xuyên bị những trang tin điện tử vi phạm bản quyền. Vừa qua có một số trang tin gửi văn bản đề nghị được lấy thông tin của báo Phụ Nữ nhưng quan điểm của báo là không thể cho phép. Bà Tâm nhấn mạnh: "Các trang tin đó chỉ là những trang tin do doanh nghiệp, cá nhân thành lập, không phải là cơ quan báo chí nên không thể tự sản xuất thông tin. Vì thế, việc cho phép các trang tin góp nhặt thông tin từ báo này báo nọ để đăng trên trang tin của mình nhằm thu hút bạn đọc, từ đó quảng bá cho thương hiệu, sản phẩm hay tên tuổi của doanh nghiệp, cá nhân này là điều không thể được, chẳng khác nào cho phép họ lấy chất xám của cơ quan báo chí để PR cho thương hiệu của họ. Các cơ quan chức năng cần áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm của các trang tin trên".

Theo bà Ðoàn Nguyễn Thùy Trang - phó tổng biên tập báo Khoa Học Phổ Thông, đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, xử phạt các trang thông tin điện tử tổng hợp vi phạm về tác quyền báo chí theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các nghị định liên quan. Nên làm quyết liệt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cần thiết có thể rút giấy phép hoạt động. Các cơ quan báo chí bị vi phạm bản quyền cũng cần có văn bản gửi đến Bộ Thông tin - truyền thông để yêu cầu xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Xét về khía cạnh pháp luật, luật sư Nguyễn Sa Linh (Ðoàn luật sư TP.HCM) cho hay hành vi đưa tác phẩm báo chí lên trang thông tin điện tử mà không xin phép chủ sở hữu tác phẩm báo chí có thể bị xử phạt theo nghị định 47/2009, mức xử phạt từ 1-500 triệu đồng, ngoài ra còn bị buộc gỡ tác phẩm sao chép khỏi mạng Internet. Việc các trang tin điện tử cử người tham gia tác nghiệp báo chí, tự sản xuất tin bài trong khi giấy phép chỉ là trang tin điện tử có thể xem là hành vi tự xuất bản báo điện tử không giấy phép, có thể bị xử phạt theo khoản 6, điều 6, nghị định 28/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet với mức phạt từ 50-70 triệu đồng. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất vi phạm, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét tước giấy phép có thời hạn hoặc không thời hạn đối với các trang tin vi phạm, điều đó mới ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền báo chí tràn lan như hiện nay.

CHI MAI

Tuổi Trẻ triển khai chống vi phạm bản quyền báo chí

Ngay sau khi Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài "Ăn cắp bản quyền báo chí: xử lý ra sao?" vào tháng 3-2013, đến nay Tuổi Trẻ và một số cơ quan báo đài khác đã triển khai quyết liệt việc chống vi phạm bản quyền và đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, Tuổi Trẻ đã nhận được khoảng 100 công văn của các cơ quan báo chí, trang tin điện tử gửi đến đề nghị được sử dụng hoặc hợp tác khai thác thông tin của Tuổi Trẻ.

Tuổi Trẻ đã có văn bản đồng ý cho nhiều cơ quan, đơn vị được sử dụng miễn phí thông tin của Tuổi Trẻ nhằm phục vụ công tác chính trị, tuyên truyền như: Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính..., một số trang điện tử của các báo trực thuộc Ðảng bộ tỉnh thành như: báo Lào Cai, Ninh Thuận, Ðồng Tháp... Tuổi Trẻ cũng đồng ý cho một số đơn vị, cá nhân khác sử dụng thông tin vào các mục đích phi thương mại như nghiên cứu, giảng dạy với điều kiện các cơ quan, đơn vị trên khi sử dụng thông tin phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, tôn trọng quyền sở hữu tác phẩm báo chí của Tuổi Trẻ.

Ðối với các báo điện tử, trang tin điện tử còn lại do việc sử dụng thông tin mang tính chất kinh doanh, phục vụ lợi ích kinh tế của đơn vị đó nên sau khi nhận được công văn đề nghị được hợp tác, khai thác hoặc khi phát hiện bản quyền của báo bị vi phạm, báo đã có công văn đề nghị các đơn vị này liên hệ với báo để thỏa thuận về việc trả phí bản quyền tác phẩm báo chí theo quy định của pháp luật.

Tuổi Trẻ cũng đã gửi văn bản đề nghị các báo điện tử, trang tin điện tử chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền, tự ý khai thác sử dụng thông tin khi chưa được sự đồng ý của Tuổi Trẻ. Trường hợp các đơn vị trên vẫn tiếp tục vi phạm, báo sẽ gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước xử lý, đồng thời sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

“Chuyện bình thường” đáng sợ

Tình trạng vi phạm bản quyền báo chí của các trang mạng diễn ra như cơm bữa thời gian qua làm nhiều nhà báo bức xúc. Sau đây là câu chuyện của một người trong cuộc.

Báo Tiền Phong ngày 14-7-2012 đăng bài phỏng vấn của tôi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhan đề "Không thể lấy tiền của dân để giải quyết nợ xấu". Chiều hôm đó, bài báo được đưa lên Tiền Phong điện tử (www.tienphong.vn). Hôm sau 15-7, một tờ báo điện tử đăng lại bài báo này, giữ nguyên tít và toàn bộ nội dung trong bài, nhưng phần sapô được sửa lại. Dưới bài viết ghi: Theo Ðại Dương (TPO).

Sau đó, trang mạng www.tinmoi.vn đăng lại bài báo nói trên của tôi, lấy theo bản mà tờ báo điện tử đó đã sửa sapô, và cuối bài ghi nguồn là của tờ báo điện tử đó! Ðến lúc này, bài báo không còn chút dấu tích nào của tác giả là tôi, cũng như cơ quan chủ sở hữu bản quyền bài báo, tức báo Tiền Phong. Tôi đã "biến mất", tờ báo của tôi cũng đã "biến mất".

Chưa hết, sau đó một trang mạng là www.tinngan.vn đã cắt gọt, nhào nặn và biến bài của tôi thành một bài khác lạ hoàn toàn. Từ một bài phỏng vấn thành bài viết và được đưa lên mạng chiều 15-7 mà không hề dẫn nguồn nào cả. Mặc dù đã bị "chặt khúc", xào xáo "dã man" nhưng tôi vẫn nhận ra đứa con tinh thần của mình bởi những ý tứ, ngôn từ, văn phong... không lẫn vào đâu được. Nhiều đoạn còn trích dẫn nguyên trong bài viết (gốc) của tôi. Ðến lúc này, không còn ai nhận ra bài báo của tôi nữa, chỉ có tôi biết rõ và ngậm ngùi với đứa con tinh thần của mình đã bị "nhào nặn" nát tan.

Không chỉ bài viết này, nhiều bài viết, tin tức khác của tôi cũng bị các trang mạng lấy lại và "xào xáo" tương tự. Mặc dù khác nhau về mức độ "nhào nặn", nhưng điểm giống nhau cơ bản của các trang mạng này là đều không xin phép hoặc hỏi ý kiến tác giả cũng như cơ quan báo với tư cách chủ sở hữu bản quyền bài viết, thậm chí không dẫn nguồn và bỏ cả tên tác giả. Khỏi phải nói thì mọi người cũng có thể hình dung được sự phẫn nộ của những người làm báo như tôi đối với các hành vi phi pháp đó. Nhưng bị "chặt khúc" nhiều lần, không thấy ai lên tiếng nên mọi việc cứ như là "chuyện bình thường", một sự bình thường đáng sợ.

ÐẠI DƯƠNG

____________

Tin bài liên quan:

Làm mới mình trước người đọcTrang tin 24h bị tố vi phạm bản quyềnĂn cắp bản quyền báo chí: Không thể nộp đơn kiện mỗi ngàyBáo Năng Lượng Mới dọa kiện baomoi.comNỗi ấm ức bị “đạo” bài“Đạo tin”, “đạo báo” là vi phạm đạo đức nghề nghiệp5 hình thức “ăn cắp” trên báo mạng

hue-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />