09/03/2013 06:48 GMT+7

Đã đến lúc thực hiện nghiêm quy định về bản quyền

THU HÀ ghi
THU HÀ ghi

TT - Tình trạng vi phạm bản quyền báo chí thời gian qua diễn ra tràn lan, xâm hại nghiêm trọng quyền lợi của nhiều tờ báo hoạt động đúng luật. Xử lý vấn đề này ra sao? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của phó cục trưởng phụ trách Cục Bản quyền tác giả Vũ Ngọc Hoan.

sF2P9l20.jpgPhóng to
Bên cạnh tin bài, các hồ sơ dài kỳ được Tuổi Trẻ đầu tư thực hiện công phu nhiều ngày cũng bị các trang mạng và báo điện tử “ăn cắp”. Trong ảnh: hồ sơ “Giáo hoàng được bầu chọn như thế nào?” của Tuổi Trẻ đã bị trang 24h.com.vn lấy nguyên xi vào sáng 5-3 - Ảnh: Thuận Thắng

Cục Bản quyền tác giả chưa nhận được bất kỳ thông tin hay văn bản chính thức nào từ báo Năng Lượng Mới với tư cách chủ sở hữu quyền bị xâm phạm nên chúng tôi chưa có đầy đủ thông tin để có thể phát biểu quan điểm một cách chính thức.

Tuy nhiên, theo các thông tin mà báo Tuổi Trẻ cung cấp và trực tiếp vào trang baomoi.com và petrotimes.vn tìm hiểu thông tin trong những ngày qua thì có thể nhận thấy hiện tượng baomoi.com đã đi quá giới hạn cho phép của một trang tìm kiếm trên mạng Internet.

Baomoi.com không phải là trang tìm kiếm thông tin như kiểu Google hay Yahoo! và các trang tìm kiếm thông tin đúng nghĩa khác, vì các trang này bao giờ cũng dẫn link trực tiếp đến các trang cần tìm và trích lời dẫn hợp lý.

Baomoi.com chưa thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản này của một trang tìm kiếm trên mạng Internet khi vượt quá giới hạn này mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Trong trường hợp này là chưa xin phép Petrotimes mà baomoi.com đã thực hiện hành động link gián tiếp, tức là ở phần địa chỉ trên giao diện vẫn là baomoi.com sau đó mới đến địa chỉ trang cần tìm, như vậy có thể hiểu lượt truy cập sẽ được tính cho baomoi.com thay vì cho trang được dẫn, và một điều nữa là baomoi.com đăng cả ảnh của bài báo cần dẫn. Cần lưu ý ảnh trong một tác phẩm báo chí cũng là một tác phẩm độc lập được bảo hộ quyền tác giả.

Tuy baomoi.com đã xin lỗi và cam kết sửa lỗi, nhưng qua vụ việc này tôi thấy đã đến lúc các trang thông tin điện tử và báo điện tử cần có nhận thức đúng và có ý thức thực hiện nghiêm túc hơn các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Luật sở hữu trí tuệ đã quy định rõ trong điều 20 về quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, trong đó có quyền sao chép tác phẩm (một điều cần lưu ý trong thời đại số là khái niệm sao chép tác phẩm được định nghĩa trong Luật sở hữu trí tuệ là việc lưu trữ tác phẩm dưới hình thức điện tử cũng là hành vi sao chép tác phẩm), quyền phân phối tác phẩm và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Điều đó có nghĩa là nếu người khác sử dụng các quyền này đều phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và phải trả tiền bản quyền (trừ các tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ; các trường hợp ngoại lệ được quy định tại điều 25 Luật sở hữu trí tuệ như việc trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả; sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu…; và các trường hợp đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả như tin tức thời sự thuần túy đưa tin hoặc các văn bản quy phạm pháp luật…).

Vì vậy, các báo và các trang thông tin điện tử cần nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trước khi sử dụng hoặc khai thác các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của các chủ thể quyền khác và cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo lợi ích của chủ thể quyền cũng như lợi ích công cộng.

_____________________

* Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có ghi nguồn nhưng không được phép cũng phạm luật

Theo quy định tại khoản 1 điều 25 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và được sửa đổi bổ sung tại khoản 6 điều 1 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 thì chỉ có một số trường hợp được quyền sử dụng tác phẩm báo chí đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao như dùng vào mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu...

Do vậy, trong trường hợp các báo điện tử, trang thông tin điện tử tự ý sử dụng các tác phẩm báo chí đã công bố không phải nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy... nêu trên thì bắt buộc phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm hoặc tác giả. Trường hợp không được phép của chủ sở hữu tác phẩm báo chí mà vẫn sao chép, sửa chữa, cắt xén tác phẩm dưới bất cứ hình thức nào là vi phạm quyền tác giả theo điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005. Việc sử dụng các tin, bài viết đã công bố của báo khác dù có ghi nguồn rõ ràng nhưng không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả thì cũng bị xem là vi phạm.

Các báo bị xâm phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, nếu bên vi phạm không hợp tác, các báo bị xâm phạm có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. Việc xử phạt vi phạm quyền tác giả được thực hiện theo quy định tại nghị định 47/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và nghị định 109/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định 47.

Còn nếu khởi kiện ra tòa, theo quy định của pháp luật thì thẩm quyền giải quyết vụ kiện về sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Luật sư Trương Xuân Tám(phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Có quyền kiện ra tòa

Theo điều 14, khoản 1, điểm c Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 thì tác phẩm báo chí là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, do đó các hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với tác phẩm báo chí phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp của baomoi.com tự ý khai thác và sử dụng thông tin của các báo khác để đăng trên trang web của mình mà không xin phép chủ sở hữu là hành vi xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí được quy định tại điều 28 của Luật sở hữu trí tuệ: “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật”.

Trong trường hợp này, các báo có bài bị sử dụng trái phép có quyền yêu cầu baomoi.com hoặc các trang sử dụng trái phép phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại hoặc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (theo điều 198 Luật sở hữu trí tuệ). Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại thì thiệt hại bao gồm về vật chất và tinh thần. Trong đó thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.

C.MAI ghi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Báo Năng Lượng Mới dọa kiện baomoi.comBaomoi.com thừa nhận sai luật5 hình thức “ăn cắp” trên báo mạngĂn cắp bản quyền báo chí: Không thể nộp đơn kiện mỗi ngày

THU HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên