Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như - Ảnh: Gia Minh |
Vụ án Phạm Sỹ Hoài Như - nguyên thượng úy CSGT Công an Q.Tân Bình, TP.HCM gọi giang hồ đánh người vi phạm giao thông vì cự cãi công an vừa bị TAND TP.HCM yêu cầu điều tra bổ sung, xác định lại tội danh cho phù hợp.
Nhiều người đặt câu hỏi các bị cáo bị xác định đánh người tới tử vong thì đó là tội cố ý gây thương tích hay giết người?
Người cự cãi công an chết vì bị đánh vỡ ruột non
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM, Hoài Như và 4 đồng phạm đã phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 3, điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.
Tuy nhiên, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa ngày 23-12, giám định viên pháp y khẳng định nguyên nhân gây ra cái chết cho ông Nguyễn Văn Chín là do ông bị đánh vào vùng bụng, gây vỡ ruột non, loại trừ khả năng ông chết vì bệnh lý hay yếu tố khác.
Phân tích về dấu hiệu tội phạm của hành vi đánh chết ông Chín, một luật sư có kinh nghiệm của Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: Xét về mặt khoa học pháp lý, trước hết cần xem xét ý thức chủ quan của các bị can là có ý thức tấn công nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân hay không?
Thứ hai là cách thức thực hiện hành vi như thế nào. Bị can có đánh vào các vùng xung yếu, quan trọng của cơ thể như vùng đầu, vùng ngực, vùng bụng… những vị trí mà một người bình thường, có khả năng nhận thức đều phải biết rằng đánh vào đó có thể dẫn tới chết người hay không?
Thứ ba, yếu tố quan trọng trong việc xác định tội danh là hậu quả thực tế.
Trong trường hợp này, ý thức chủ quan của nhóm bị can được CSGT Hoài Như nhờ là đánh để "dằn mặt" chứ không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của ông Chín. Vậy thì phải xét hai yếu tố còn lại.
Các bị can đã liên tục đấm, đá, đạp vào vùng xung yếu của nạn nhân là vùng bụng dẫn tới vỡ ruột non và tử vong. Và hậu quả thực tế là ông Chín đã tử vong do đòn đánh hội đồng của các bị can.
Loại trừ yếu tố chủ quan của các bị can do họ không có ý thức, bàn bạc với nhau là đánh để tước đoạt mạng sống của nạn nhân, mà chỉ bàn, tổ chức đánh dằn mặt.
Nhưng xét hai yếu tố còn lại, mà quan trọng nhất là hậu quả xảy ra là chết người, theo vị luật sư này thì hành vi của các bị can có thể bị xem xét là giết người với lỗi cố ý gián tiếp.
Theo luật sư, khi tòa nhận thấy hành vi của các bị cáo có dấu hiệu tội giết người (tội nặng hơn so với tội cố ý gây thương tích) nên theo quy định về giới hạn xét xử thì việc tòa hoàn trả hồ sơ cho VKS để xác định lại tội danh truy tố là phù hợp.
Luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM - cũng cho rằng hậu quả chết người đã xảy ra, hành vi đánh vào vùng nguy hiểm trên cơ thể người được cơ quan giám định pháp y xác định là nguyên nhân dẫn tới cái chết cho nạn nhân. Điều đó đã thể hiện bản chất của vụ án là gì.
Do đã xác định rõ bản chất vụ án và quy định pháp luật về hành vi này mà hội đồng xét xử hoàn hồ sơ đề nghị xác định lại tội danh.
Lời khai bất ngờ về kế hoạch dàn xếp nhận tội thay
Một nội dung khác được hội đồng xét xử yêu cầu điều tra làm rõ là tại tòa, cả Nguyễn Minh Chung (người trực tiếp nhận điện hoại của thượng úy Như nhờ đánh dằn mặt ông Chín) và các đồng phạm cùng tham gia đánh ông Chín là Trần Đức Vững, Ngô Thành Vương, Phạm Thanh Kim Hạnh đều khai Hoài Như hứa trả cho họ từ 100 triệu đồng/người cộng với một xe máy sau khi ra tù để nhận tội thay Như.
Phạm Sỹ Hoài Như (phải) và các đồng phạm tại tòa - Ảnh: Gia Minh |
Theo nhóm Chung khai, sau khi gọi điện cho Chung tới thì chính Như trực tiếp chỉ mặt ông Chín để nhóm Chung đánh. Lý do đánh ông Chín, theo Như nói là vì ông vi phạm giao thông khi có uống rượu, bị lập biên bản mà không chịu ký, còn cự cãi CSGT.
Tuy nhiên, thượng úy Hoài Như phủ nhận điều này, cho rằng các bị cáo khác đã cố ý đổ lỗi cho mình. Như khai đêm đó Như chỉ điện thoại nhờ Chung tới thuyết phục, đưa ông Chín về vì ông Chín đã xỉn, không hợp tác với lực lượng chức năng.
Bị can Phạm Thanh Kim Hạnh còn khai khi hứa cho nhóm của Chung, Hạnh tiền để ra đầu thú, Như có hẹn Hạnh ra quán cà phê Bằng Lăng Tím để giao tiền. Hạnh khai đã thấy cọc tiền Như đem theo. Hạnh nhìn thấy có nhiều tiền, nhưng không rõ bao nhiêu do Như đưa nhưng Hạnh không nhận.
Hoài Như cũng phủ nhận những nội dung Hạnh khai.
Theo luật sư Hà Hải, diễn biến phiên tòa trên cho thấy có quá nhiều điều bất thường trong vụ án này cần phải được làm rõ.
Bênh cạnh đó, trong vụ án này, dù các bị can khác đầu thú, thành khẩn khai báo và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra nhưng lại bị tạm giam.
Riêng Phạm Sỹ Hoài Như - người được cho là chủ mưu, cầm đầu vụ việc đánh chết người vi phạm giao thông cự cãi công an này, chưa kể có thông tin bỏ hàng trăm triệu “mua” các bị can khác nhận tội thay mình thì lại được tại ngoại.
"Các cơ quan tiến hành tố tụng cần điều tra làm rõ, đưa vụ án về đúng với bản chất của nó để xét xử một cách công bằng, đúng người, đúng tội" - luật sư Hải kiến nghị.
Gia đình nạn nhân đau đớn trước cái chết của ông Chín và thượng úy CSGT (trái) tại phiên tòa - Ảnh: Gia Minh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận