Ông Nguyễn Văn Tấn và quán cà phê Xin Chào - Ảnh: Gia Minh |
Những “biệt phủ”, biệt thự, khu du lịch, nhà cao tầng xây trái phép trong rừng phòng hộ, trong khu bảo tồn và ngay giữa thủ đô kề bên lăng Bác, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm: không ai bị khởi tố.
Nhiều vụ mua bán thực phẩm bẩn, sử dụng hóa chất độc hại, cung cấp bữa ăn trưa ôi thiu cho hàng trăm công nhân: không ai bị khởi tố. Hàng ngàn tiệm quán chiếm lề và lòng đường trái phép nhiều năm liền, nhộn nhịp, ầm ĩ, sát trụ sở chính quyền, đồn công an: không ai bị khởi tố.
Người dân cả nước có thể liệt kê một danh sách rất dài những vụ phạm pháp nhãn tiền, gây thiệt hại không nhỏ cho dân, cho xã hội, cho Nhà nước, nhưng không ai bị khởi tố, dù có đơn tố cáo.
Hỏi những cơ quan có trách nhiệm thì sẽ được nghe nhiều lý do, ví dụ: chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa đủ chứng cứ, đề phòng oan sai...
Trong khi đó, công dân Nguyễn Văn Tấn mở quán bán cà phê, đồ ăn sáng nhưng không đăng ký kinh doanh, chỉ sau 5 ngày, chưa gây ngộ độc cho ai, cũng không vi phạm gì khác, bị công an phạt hành chính 17 triệu đồng.
35 ngày sau khi đã có giấy phép, ông Tấn lại bị công an kiểm tra và khởi tố hình sự.
Nhớ lại vài năm trước đây, dư luận rất bất bình về vụ ba thanh niên bắt trộm 2 con vịt để “nhậu”, sau đó đã bồi thường cho nạn nhân 2 triệu đồng và được bãi nại, nhưng vẫn bị xử tổng cộng 13 năm tù về tội cướp tài sản.
Hãy lấy một ví dụ khác để so sánh. Theo điều 21, Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
Để bảo vệ quyền hiến định này, Bộ luật hình sự 2015 quy định tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác như sau:
Người nào “chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác”, “cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác”, “nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật”... chỉ bị khởi tố hình sự sau khi đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính mà vẫn tái phạm.
Nếu tòa xử có tội thì “bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Nếu có tình tiết tăng nặng, như “làm nạn nhân tự sát” có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm.
Bộ luật hình sự của Việt Nam (điều 8), cũng như của nhiều nước khác, đều có nguyên tắc này: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
Theo nguyên tắc này, vi phạm của công dân Nguyễn Văn Tấn, qua phản ánh của báo chí và luật sư của ông, chắc chắn không đến mức phải xử lý hình sự.
Chưa đi sâu vào tính hợp lý và đúng sai của những biện pháp khác của Công an Bình Chánh, việc cần làm là hủy bỏ quyết định khởi tố càng sớm càng có lợi cho tất cả các bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận