21/07/2021 17:20 GMT+7

'Cần hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, không vì thủ tục mà bỏ qua chăm sóc sức khỏe'

N.AN
N.AN

TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần đưa thêm các dự án luật liên quan đến khám, chữa bệnh, quản lý y tế để phục vụ chống dịch COVID-19 đang cấp bách, không để các quy định bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch.

Cần hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, không vì thủ tục mà bỏ qua chăm sóc sức khỏe - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần đưa vào chương trình luật các quy định liên quan ngành y tế để đảm bảo chống dịch tốt hơn - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 21-7, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 với nhiều ý kiến cho rằng công tác làm luật phải gắn với thực tiễn, yêu cầu cấp bách hiện nay là phòng chống dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng diễn biến dịch phức tạp, khó lường, nhưng đến nay Quốc hội chưa có văn bản chính thức, độc lập nào về phòng chống dịch. Ông cho rằng Quốc hội cần có nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống dịch COVID-19.

"Nhân dân cần có nghị quyết để đồng lòng hơn, quyết tâm hơn, Chính phủ cần có nghị quyết của Quốc hội để gắn kết hơn, vững vàng, tự tin để chống dịch hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn. Tôi tin rằng đây sẽ là quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm chống dịch của Việt Nam", đại biểu Trí nhấn mạnh.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng rất cần hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, không phải lo thủ tục rườm rà mà đôi khi vì khẩn cấp, đặt sức khỏe con người lên trên hết vẫn phải "tặc lưỡi bỏ qua" do lo ngại vi phạm quy định.

Ngoài ra, ông cho rằng Luật khám chữa bệnh hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, trong bối cảnh dịch COVID-19 thì việc khám chữa bệnh từ xa là cần thiết, nhưng do chưa có luật khung hướng dẫn nên chưa thể triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến việc chữa bệnh, kê đơn từ xa của bác sĩ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đồng tình sớm có văn bản của Quốc hội về công tác phòng chống dịch, cũng bởi rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ như mua sắm vật tư, máy móc thiết bị, hay các vấn đề xử phạt, cần mạnh dạn tăng hình phạt khi vi phạm quy định trong phòng chống COVID-19; các quy định liên quan đến nhân lực, tài chính, chính sách nhân lực, đội ngũ tham gia vào cuộc chiến phòng chống dịch…

Tuy vậy, tranh luận với các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng hiện Chính phủ đang gồng mình cả ngày lẫn đêm đưa ra những quyết sách chống dịch phức tạp. Trong khi nghị quyết phải đảm bảo tính ổn định tương đối cao, nên ông lo ngại việc đưa ra nghị quyết có thể ảnh hưởng hành động của Chính phủ, Thủ tướng sẽ khó kịp thời.

"Cần tin tưởng vào Chính phủ và ủy quyền toàn bộ vào Chính phủ để quyết việc này thì hành động mới kịp thời được", ông Thân nhấn mạnh.

Sốt ruột chậm sửa đổi Luật đất đai

Bày tỏ sự sốt ruột khi Luật đất đai bị nhiều lần lùi thời gian sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng việc đưa dự luật này vào chương trình kỳ họp năm 2022 vẫn là chậm, có thể kéo dài tới cả nhiệm kỳ mới có hiệu lực thi hành.

Nhận định đây là dự luật cần thiết sửa đổi để khắc phục bất cập trong quản lý đất đai, bảo vệ quyền tài sản đất đai của người dân, việc điều chỉnh dự luật có tác động đến nhiều quy định pháp luật khác, đại biểu Bé cho rằng cần đưa dự án này vào kỳ họp cuối năm 2021 để tiến độ sửa đổi sớm hơn.

Giải trình về sự chậm trễ này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay việc đưa dự án sửa đổi Luật đất đai vào chương trình là cố gắng lớn, bởi việc xây dựng dự thảo luật này phải chờ nhiều quyết sách của cơ quan có thẩm quyền, không đơn thuần chỉ pháp lý mà còn là vấn đề chính trị có liên quan.

Về phòng chống COVID-19, ông Long khẳng định Chính phủ đang làm rất kịp thời và nỗ lực, trong trường hợp cần thiết thì sẽ trình một số dự án luật. Tuy vậy, một số luật hiện nay liên quan đến các luật về y tế như Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật dược… và những vướng mắc khó khăn lại nằm ở khâu tổ chức thực hiện.

Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch

TTO - Ngày 21-7-2021, Thường trực Ban Bí thư đã có điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên