Phụ huynh chọn mua sách lớp 2 cho con - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Ông Kiểm nhận xét: Việc Nhà xuất bản Giáo Dục được độc quyền về sách giáo khoa (SGK) nhiều năm qua, xét đến cùng, không phải lỗi của Bộ GD-ĐT hay lỗi của nhà xuất bản (NXB).
Đó là vì Luật giáo dục quy định thẩm quyền của Bộ GD-ĐT về tổ chức biên soạn, xuất bản, in và phát hành SGK khi cả nước lại thống nhất dùng chung một bộ sách.
Cơ chế này có cơ hội thay đổi khi triển khai một chương trình, nhiều SGK sắp tới. Thực tế, sau Luật xuất bản 2012, đã có thêm 4-5 NXB được cấp phép để có quyền in SGK, không còn độc quyền nữa.
Nhưng với cơ chế mới, ngay từ bây giờ cần tính toán để xác định ai sẽ mời thầu SGK, Bộ GD-ĐT, NXB hay một hội đồng nào đó?
Với SGK 2000 hiện có, NXB Giáo Dục đứng tên xuất bản nên họ đứng ra mời thầu. Đương nhiên một vài năm trước đây, họ phải ưu tiên dành ra một phần việc cho công ty in của ngành giáo dục và cũng dành một phần công việc để giao in gia công cho một số xí nghiệp in còn nhiều khó khăn.
Mức độ hợp lý trong phân chia đó rất khó kiểm soát được.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao NXB kêu lỗ 40 tỉ vì SGK nhưng lại chi chiết khấu đến 250 tỉ, đó là việc NXB Giáo Dục có hệ thống "chân rết" 63 tỉnh, thành là các công ty sách, thiết bị trường học thì họ phải đưa về hệ thống ấy phát hành.
Trong bối cảnh mới, mọi chuyện sẽ khác. Ví dụ có một NXB trúng thầu một hay vài loại SGK mà NXB này không có hệ thống "chân rết", họ sẽ kêu gọi và chọn lựa đơn vị phát hành có chiết khấu thấp hơn.
Vấn đề cần quan tâm là khi đổi mới cơ chế phải làm sao đảm bảo đến ngày khai giảng học sinh có đủ sách và giá không tăng lên, không xảy ra tình trạng không in kịp, hoặc "găm hàng", rồi ép đơn vị phát hành chiết khấu thấp, hoặc chính đơn vị phát hành lại dựa vào tình hình đó tự động nâng giá lên.
Về lâu dài, các cơ quan quản lý nên tính toán, khảo sát để có thể đưa ra mức trần chiết khấu phù hợp với SGK, không để các NXB muốn chi chiết khấu bao nhiêu thì chi, nhưng cũng phải đảm bảo ở mức để họ sản xuất kinh doanh được.
Đây là giải pháp mà ông Nguyễn Kiểm (nguyên cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin - truyền thông) nêu về việc phát hành sách giáo khoa trong thời gian sắp tới.
Cần rà soát soạn chương trình, viết sách…
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, để giải quyết những bất cập hiện nay, không nên chỉ tách khâu in, phát hành ra để đánh giá.
Soạn chương trình, viết sách, in, phát hành SGK luôn nằm trong một quy trình "làm sách". Nếu phát hiện ra "vấn đề" ở in, phát hành thì cũng cần nghiêm túc xem lại toàn diện việc soạn chương trình, viết sách.
Ở đây, tôi đặc biệt lo lắng việc in, phát hành bộ sách VNEN theo quy trình độc quyền khép kín đặc biệt, sách không bán ngoài thị trường, chỉ phát hành trong nội bộ theo hệ thống quản lý của ngành giáo dục nhưng chiết khấu vẫn cao, giá bán cao hơn hẳn SGK thông thường, với doanh thu lớn không ngừng tăng mạnh.
Vì vậy, đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải xem lại các dự án đầu tư cho giáo dục, từ khâu đầu tiên xây dựng chương trình, soạn sách, chứ không chỉ dừng lại ở việc in, phát hành SGK.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận