GS Nguyễn Hữu Tú (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội):
Chỉ nên có một kỳ thi quốc gia đúng nghĩa, tin cậy
Tôi ủng hộ việc giao tổ chức kỳ thi THPT quốc gia về cho địa phương, trong điều kiện phải đảm bảo điểm thi nào cũng có sự tham gia giám sát của các trường ĐH.
Điều lo lắng nhất khi giao kỳ thi THPT quốc gia về cho địa phương tự lo liệu là việc chấm thi của chính giáo viên địa phương cho học sinh mình liệu có khách quan?
Việc Bộ GD-ĐT tăng các bài thi trắc nghiệm phần nào giải quyết được lo lắng này, vì chấm thi được thực hiện bằng máy tính (trừ môn ngữ văn thi tự luận).
Theo tôi, Bộ GD-ĐT phải làm sao tổ chức được một kỳ thi quốc gia mà các trường có thể tin tưởng sử dụng kết quả đó luôn để xét tuyển ĐH, đảm bảo chỉ còn đúng một kỳ thi quốc gia đúng nghĩa, tin cậy.
Riêng với việc thay đổi cách thức ra đề thi, dạng thức bài thi, tôi nghĩ không phải là trở ngại lớn với thí sinh. Bởi lẽ, thực chất đây chỉ là thay đổi về hình thức đề thi, còn nội dung kiến thức vẫn trong chương trình phổ thông, vẫn là những gì các em đã được học.
GS Nguyễn Quang Dong (nguyên trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân):
Tránh những cú sốc không đáng có
Đổi mới tuyển sinh ĐH hay đổi mới trong thi, đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp THPT đều cần thông báo sớm cho thí sinh, để các em kịp chuẩn bị mà không rơi vào bị động.
Nếu có những thay đổi không nhiều về hình thức thi, đến tổ chức thi, thì tháng 9 công bố cho năm sau là rất tốt.
Nếu có thay đổi mạnh mẽ của một kỳ thi quốc gia, cần phải được công bố năm 2017 làm những gì, năm 2018 làm những gì...
Tức là cần có lộ trình thích hợp công bố đổi mới, để thí sinh chuẩn bị, tránh những cú sốc không đáng có.
Thi, xét tốt nghiệp THPT giao cho sở GD-ĐT nghĩa là các sở phải làm từ A đến Z, từ khâu ra đề, chấm thi, đánh giá kết quả, xét công nhận tốt nghiệp. Nên tin tưởng hơn vào các sở GD-ĐT, các thầy cô dạy ở bậc phổ thông, để tiến tới xét tốt nghiệp mà không cần tới kỳ thi cấp tỉnh/thành phố.
Bộ nên tính tới hỗ trợ một đơn vị giáo dục độc lập tổ chức các đợt thi, cung cấp các đề thi (kể cả đề thi cho các sở GD-ĐT), và dần chuyển nội dung thi sao cho thật sự là đánh giá năng lực.
Quá trình chuyển đổi này cũng phải mất nhiều năm, không thể vội vàng. Công việc này nên bắt đầu từ năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận