21 tỉnh thành có tỉ lệ sinh thấp nhất cả nước gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang. Vậy cần có chính sách gì để khuyến khích các gia đình trẻ ở những tỉnh thành này sinh nhiều con?
Miền Tây sinh ít vì lo khó trang trải chi phí nuôi con
Chị Kiều Hân, ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), cho biết cả hai vợ chồng đều làm cán bộ công nhân viên nhà nước. Mức lương cơ bản chỉ đủ trang trải chi phí thuê nhà, ăn uống và học hành cơ bản. Vì vậy chị không dám sinh thêm con thứ hai, dù con đầu đã hơn 10 tuổi và được hai bên gia đình khuyến khích sinh thêm.
"Chi phí lúc sinh thì chưa đáng kể, còn lâu dài để nuôi được một đứa con mỗi tháng ngoài chi phí học ở trường và còn rất nhiều thứ phải lo khi lớn như chuyện đi học thêm, học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hai vợ chồng đi làm nên việc đưa đón con cái đi học cũng làm đau đầu cho cả hai. Có một đứa đã lo không xong rồi nên không dám sinh thêm", chị Hân bộc bạch.
Đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều gia đình trẻ ngày nay, đặc biệt các gia đình trẻ ở thành thị của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bận rộn, không đủ thời gian chăm con, lo lắng về chi phí nuôi con... Tại TP Cần Thơ, trong mấy năm gần đây, thành phố đối mặt với vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, cho biết tỉ lệ sinh ở Cần Thơ hiện nay ở mức 1,68 con/mẹ là rất thấp (năm 2016 là 2,01 con/mẹ), trong khi chủ trương hiện nay là khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Chia sẻ thêm, bà Đảnh cho rằng trên thực tế, ngày nay nhiều người trẻ chọn lối sống độc thân hoặc chậm kết hôn. Khi kết hôn thì tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn cũng tăng. Kể cả khi đã kết hôn nhiều gia đình cũng ngại sinh con, chỉ sinh một con do lo ngại chi phí nuôi dưỡng... "Đây là những thách thức với những cán bộ làm công tác dân số như chúng tôi trong thời kỳ hiện nay", bà Đảnh nói.
Còn theo bà Võ Thị Hoàng Loan - chi cục trưởng Chi cục Dân số Hậu Giang, năm 2017 tỉ lệ sinh bình quân trong tỉnh đạt 1,59 con/mẹ, nhưng năm 2022 giảm xuống chỉ còn 1,44 con/mẹ, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đến năm 2030 phải đạt mức sinh thay thế 2,1 con/mẹ.
Tương tự, bà Nguyễn Thanh Thủy, phó chi cục phụ trách Chi cục Dân số tỉnh Sóc Trăng, cho hay theo điều tra chung thì mức sinh của tỉnh là 1,8 con/mẹ. Tại Tiền Giang, mức sinh thay thế trung bình cũng chỉ đạt khoảng 1,88 con/mẹ.
Chị em TP.HCM cũng ngại sinh
Hiện nay, tỉ lệ sinh của chị em phụ nữ tại TP.HCM cũng ở mức rất thấp. Cụ thể, năm 2022 tổng tỉ suất sinh của TP.HCM là 1,39 con/mẹ, đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên cả nước. Ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, thừa nhận mức sinh của TP.HCM ở mức rất thấp.
Theo ông Trung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ ở TP.HCM ngại sinh con, nhất là sinh con thứ hai. Trước hết, xu hướng sinh một con của các cặp vợ chồng hiện nay trở nên rất phổ biến tại TP.HCM. Bởi họ bị những áp lực về kinh tế, sự cạnh tranh trong nghề nghiệp, các cặp vợ chồng và các gia đình đều mong muốn đầu tư, chăm sóc con cái một cách tốt nhất.
Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng (quận Gò Vấp) có một con trai năm nay đang học lớp 3. Thế nhưng khi được hỏi, cả hai vợ chồng anh đều cho biết không dám sinh thêm con thứ hai. Bởi hiện nay cả hai vợ chồng anh Hoàng đều đi làm công ty nước ngoài, dù lương khá cao nhưng áp lực công việc rất lớn. Nhiều hôm đến khuya hai vợ chồng mới về đến nhà.
"Do đó cả hai vợ chồng tôi đã thống nhất không sinh thêm con. Thay vào đó, hai vợ chồng cố gắng làm, mua nhà, chăm sóc thật tốt cho đứa con duy nhất trong việc học hành, kể cả chuyện đi du học sau này", anh Hoàng chia sẻ.
Trước thực trạng trên, ông Chánh Trung cho rằng hiện nay có một nhóm các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con và một nhóm muốn sinh nhưng không dám. Điểm chung của hai nhóm này chính là sự lo lắng cho tương lai của gia đình với những áp lực của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với nhóm không dám sinh con thì áp lực lớn nhất chính là về kinh tế.
Còn đối với nhóm không muốn sinh thêm thì có nhiều nỗi lo lắng về gánh nặng việc nhà và gia đình. Bên cạnh đó, họ còn lo lắng về công việc, lo ngại về chất lượng môi trường sống, các điều kiện về y tế, giáo dục và đặc biệt là các cơ hội phát triển, thăng tiến của bản thân cũng như chất lượng cuộc sống của gia đình.
Do đó theo ông Trung, để thực hiện khuyến sinh không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số trẻ được sinh ra mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con.
Từ đó làm thế nào để họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất vì đây chính là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai cũng như phù hợp mục tiêu quan trọng nhất của chính sách dân số chính là nâng cao chất lượng dân số.
Nâng mức sống, sinh hoạt cho công nhân để họ yên tâm sinh con
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉ suất sinh trung bình của mỗi người phụ nữ năm 2022 chỉ ở mức 1,91 con - thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con. Ông Nguyễn Phương Nam, phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiện nay các cơ quan chức năng chưa thể tham mưu cho HĐND hay UBND các chính sách cụ thể để khuyến khích phụ nữ sinh đủ hai con.
Lý do là phải chờ Luật Dân số dự kiến được Quốc hội thông qua vào năm 2024. "Phải chờ luật ban hành thì mới đủ căn cứ pháp lý để tham mưu, xây dựng các chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con", vị này cho biết.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, để khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con thì cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng. Đó là ngành xây dựng phải có nhà ở xã hội cho công nhân, ngành lao động tạo nhiều công ăn việc làm... "Phải nâng mức sống, mức sinh hoạt của người trẻ, nhất là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, các đô thị lên thì họ mới yên tâm sinh con", ông Nam nói.
Tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi các cặp vợ chồng sinh đủ hai con
Theo thống kê của Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Nai, tổng tỉ suất sinh ở Đồng Nai trong những năm qua có xu hướng giảm và luôn thấp hơn mức sinh thay thế.
Cụ thể, số con trung bình trên một phụ nữ ở Đồng Nai giảm từ 2,07 con/ bà mẹ (năm 2009) xuống còn còn 1,87 con/ bà mẹ (năm 2022), thấp hơn mức sinh thay thế 2,1 con/ bà mẹ.
Trong khi đó, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của Đồng Nai hàng năm đều dưới 1% (năm 2023 khoảng 0,7%). Số trẻ sinh ra cũng liên tục giảm trong những năm qua, từ 40.558 trẻ (năm 2019) giảm còn khoảng 33.359 trẻ trong năm 2022. Điều này đã đưa Đồng Nai trở thành một trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp.
Theo đại diện Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Nai, năm 2021, ngành y tế tham mưu xây dựng nghị quyết quy định chính sách khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Trong đó có chính sách khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con nhằm nâng mức sinh. Hàng loạt ưu đãi được đưa vào dự thảo như ưu tiên mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu đãi học phí…
Tuy nhiên, sau khi xem xét nhiều khía cạnh và đặc biệt là chờ Luật Dân số ban hành để kiện toàn chính sách pháp luật, ngành y tế Đồng Nai đã xin tạm dừng tham mưu xây dựng chính sách khen thưởng trên.
"Thực tế tỉ lệ sinh giảm đang là xu thế ở nhiều nước. Hầu hết các nước phát triển đã thi hành rất nhiều chính sách khuyến sinh. Song việc giảm sinh dễ nhưng tăng mức sinh rất khó, hầu như chưa nước nào thành công trong tăng mức sinh", vị này phân tích thêm.
Để nâng mức sinh lên bằng mức sinh thay thế, ngoài việc tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, ngành y tế Đồng Nai dự kiến sẽ xin trình lại chính sách khuyến khích, khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác dân số. Trong đó quy định nhiều chính sách vừa khuyến khích, vừa khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
ĐÔNG HÀ - A LỘC
GS.TS Nguyễn Đình Cử (nguyên viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân):
Khuyến khích để mỗi gia đình sinh đủ 2 con
Giải pháp trọng tâm số một hiện nay, theo tôi, là truyền thông thay đổi tư duy chính sách dân số. Bởi chính sách dân số từ 1956 đến nay đều truyền thông giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng hai con.
Lúc này, chính sách dân số VN cần một bước ngoặt để duy trì mức sinh thay thế 2 con/phụ nữ bằng cách sửa chính sách giảm sinh như trước đây sao cho phù hợp với thực tại hiện nay, đồng thời đề nghị bãi bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ ba.
Thứ hai là phát triển các dịch vụ để hỗ trợ các gia đình trẻ. Bởi hiện nay bố mẹ đều đi làm trong khi nhà trẻ 16h30 tan học, cha mẹ 17h mới tan làm thì ai đón con.
Ngoài ra, hệ thống nhà trẻ mẫu giáo còn yếu và thiếu cũng khó hỗ trợ được cho các gia đình trẻ. Bên cạnh đó cần một số hỗ trợ, khuyến khích tại vùng mức sinh thấp, như chương trình 588 của Thủ tướng quy định hỗ trợ phụ nữ nuôi con, quay trở lại làm việc sau khi sinh con, hỗ trợ gia đình trẻ mua nhà ở xã hội hay thuê nhà ở, hỗ trợ chi phí giáo dục.
Nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống
Bộ Y tế đã có hướng dẫn chính sách khen thưởng cho các địa phương và cá nhân trong công tác dân số.
Tuy nhiên, hiện nay mới có rất ít tỉnh thành đưa vào thực hiện do khó khăn về kinh phí.
HĐND vào cuộc "khuyến sinh"
Tại Tiền Giang, nhằm thực hiện khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, tăng tỉ lệ sinh cơ học, nâng cao chất lượng dân số... nên cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành nghị quyết quy định các chế độ khen thưởng về chính sách dân số.
Theo đó, mỗi phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi được khen thưởng ở mức 1 triệu đồng (kèm theo một số tiêu chí khác). Ngoài ra còn có các chính sách khác như khen thưởng xã, phường, thị trấn (từ 30 - 50 triệu đồng) có 3-5 năm liên tục đạt và vượt tỉ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con sinh đủ hai con. Và theo Chi cục Dân số Tiền Giang, chính sách này thực hiện từ năm 2022, mỗi năm số phụ nữ được khen thưởng theo chính sách này khoảng 2.000 người.
Còn tại Hậu Giang, trong kỳ họp HĐND tháng 7-2022 cũng đã thông qua nghị quyết về thực hiện chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Trong đó có mục khen thưởng giấy khen cá nhân cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi, tặng giấy khen cho cặp vợ chồng sinh đủ hai con một bề là gái...
Đồng thời còn có hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế hiện hành tại các cơ sở y tế công lập cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi; hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.
Ngoài ra còn có khen thưởng cho các tập thể, địa phương đạt các tiêu chí tỉ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con kèm tiền thưởng 15 triệu đồng; tặng bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh, thưởng kèm 25 triệu đồng/xã, phường, thị trấn thực hiện 5 năm liên tục đạt và vượt tỉ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con.
Tương tự, tỉnh Bến Tre cũng đã thông qua chính sách hỗ trợ và khen thưởng cá nhân, tập thể trong thực hiện chính sách dân số. Trong đó có chính sách khen thưởng tập thể cá nhân sinh đủ hai con trước 35 tuổi, vợ chồng sinh đủ hai con một bề là gái và chính sách hỗ trợ viện phí khi sinh và tầm soát trước sinh ở bệnh viện công lập đối với phụ nữ sinh nở thuộc hộ nghèo, cận nghèo...
Bãi bỏ chính sách không phù hợp
Trao đổi thêm xung quanh vấn đề trên, ông Mai Trung Sơn, phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - kế hoạch hóa gia đình (Cục Dân số), cho biết mục tiêu trong chiến lược dân số đến năm 2030 của Việt Nam là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số đạt 104 triệu dân.
Hiện nay theo chương trình 588 của Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến nội dung sinh con thứ ba, cho đến lúc này các quy định của Đảng đối với đảng viên vẫn còn giá trị hiện hữu. Theo đó, việc kỷ luật khiển trách với đảng viên sinh con thứ ba đến nay vẫn còn hiệu lực. Vì vậy, ông Sơn cho rằng đối với những khu vực sinh thấp cần có rà soát, bãi bỏ các chính sách, biện pháp hỗ trợ khuyến khích sinh ít con.
"Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Dân số cũng đề xuất nhiều chính sách nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh thành có mức sinh thấp như hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
Đồng thời xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp để các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Quy trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ", ông Sơn kiến nghị thêm.
Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) - cũng cho rằng chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nhiều năm qua đã đạt được mục tiêu đảm bảo mức sinh thay thế. Tuy nhiên, những năm trở lại đây tình trạng sinh con giảm đi, đặc biệt ở những đô thị lớn như TP.HCM.
"Nếu những địa phương này không duy trì đủ mức sinh thay thế, hệ lụy trong 15 năm, 20 năm tới những vùng kinh tế đòi hỏi nguồn lao động sẽ bị thiếu hụt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai", ông Lợi nhấn mạnh.
Theo ông Lợi, hiện nay chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình thay đổi bằng dân số phát triển. Tức là mức sinh phải đáp ứng được nhu cầu phát triển dân số để đáp ứng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức của người dân, phấn đấu không vượt quá mức sinh thay thế nhưng phải cân đối giữa các vùng miền. Tránh tình trạng đô thị giảm sinh trong khi vùng nông thôn sinh tăng, tương lai sẽ dẫn đến dòng di dân di chuyển từ nông thôn vào đô thị tạo ra hệ lụy xã hội.
Về việc các gia đình không muốn sinh thêm con do không đảm bảo cuộc sống hoặc nam nữ thanh niên sinh con muộn, theo ông Lợi, cần giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Các vùng có mức sinh thấp cần thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội, trường, trạm để chăm lo cho sức khỏe trẻ. Thậm chí, khuyến khích những cặp vợ chồng khó khăn sinh con sẽ được hỗ trợ, như vay vốn, hỗ trợ sinh kế. Trong đó, có thể tranh thủ vốn ngân sách từ ngân hàng chính sách cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi để các cặp vợ chồng có thể sinh đủ hai con.
Ông Phạm Chánh Trung (chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM):
Gia đình sinh đủ 2 con được hỗ trợ mua nhà ở xã hội
Chúng tôi đã có những đề xuất tham mưu đối với Sở Y tế trong dự thảo về chính sách dân số tại TP.HCM đến năm 2030 để trình Hội đồng nhân dân TP trong kỳ họp gần nhất, có thể vào cuối năm 2023.
Cụ thể, các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ về mua nhà ở xã hội đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn...
Hàn, Nhật gấp gáp nâng tỉ suất sinh
Tỉ suất sinh giảm đang là vấn đề báo động của các quốc gia phát triển tại châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản, đe dọa để lại hệ quả kinh tế nặng nề và buộc các chính phủ phải vào cuộc.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã chủ trì cuộc họp Ủy ban của tổng thống về chính sách dân số và xã hội lão hóa (PCASPP) vào tháng 3 năm nay. Theo Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ (KEIA), đây là lần đầu tiên một tổng thống tham dự cuộc họp của ủy ban này kể từ năm 2015, phản ánh mối lo ngại lớn dần sau khi tổng tỉ suất sinh của Hàn Quốc giảm xuống còn 0,78 trong năm 2022.
PCASPP đã chọn năm nhóm chính làm trọng tâm để thúc đẩy tỉ suất sinh, bao gồm: cân bằng giữa công việc và chăm sóc trẻ em, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hỗ trợ nhà ở, chi phí nuôi con, cùng sức khỏe và hạnh phúc. Ngân sách chính phủ năm 2024 của Hàn Quốc sẽ phân bổ khoảng 30 tỉ USD để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con nhiều hơn.
Đồng cảnh ngộ, dân số Nhật Bản đã giảm dần trong hơn một thập niên. Tuy nhiên, một số vùng của Nhật Bản lại đang có dấu hiệu tăng dân số trẻ. Điển hình như thành phố Akashi phía tây đang có dân số ngày càng tăng do số trẻ ra đời tăng lên và người dân di cư đến ngày một nhiều. Akashi được xem là hình mẫu cho việc phát triển dân số trẻ tại Nhật Bản.
Giải thích cho hiện tượng trên, Đài NPR lý giải: trẻ em ở Akashi được chăm sóc y tế miễn phí cho đến 18 tuổi và bữa trưa ở trường miễn phí cho tới 15 tuổi. Các gia đình có hai con trở lên được đi mẫu giáo miễn phí. Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi được nhận tã lót miễn phí do các nữ hộ sinh giao đến tận nhà, không phân biệt thu nhập của cha mẹ. Ngoài ra, sự tư vấn nhiệt tình từ các chuyên gia chăm sóc trẻ em cũng được cộng đồng tại Akashi hoan nghênh.
Các chính sách này đã thu hút nhiều gia đình trẻ đến Akashi từ các thành phố khác. Dân số Akashi đã tăng liên tục trong 10 năm, lên hơn 300.000 người. Trung bình một phụ nữ tại Akashi có 1,65 con vào năm 2021, so với 1,3 trên toàn quốc.
Dân số Akashi càng đông, thành phố càng thu nhiều thuế và càng cung cấp nhiều dịch vụ, từ đó thu hút nhiều cư dân hơn và khuyến khích họ sinh nhiều con hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận