Trạm cấp nước Thanh Hà được xây dựng tại khu đô thị Thanh Hà A, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Trong văn bản gửi cư dân khu đô thị Thanh Hà hôm 14-10, Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà cho biết đơn vị đã dừng khai thác nguồn nước ngầm tại trạm cấp nước này. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nước những ngày qua của hàng nghìn người.
Nguyên nhân của việc dừng cung cấp nguồn nước ngầm là từ đầu tháng 10, cư dân khu đô thị Thanh Hà phản ánh nước sinh hoạt của họ có màu sắc khác thường, mùi clo rất đậm và nồng. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ sau khi sử dụng phải đến các cơ sở y tế điều trị mẩn ngứa, bong tróc da.
Ngày 10-10, Viện Công nghệ môi trường thông báo kết quả xét nghiệm hàm lượng amoni trong nước gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.
Trước tình trạng thiếu nước, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết sẽ làm việc với đơn vị cấp nước về khả năng nâng sản lượng nước sạch về cho khu đô thị Thanh Hà. Nếu không làm được, UBND huyện Thanh Oai sẽ có văn bản cho khởi động lại trạm sản xuất nước ngầm trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đề xuất trên gặp phải phản ứng của cư dân khu đô thị Thanh Hà bởi họ cho rằng điều này sẽ lặp lại tình trạng nguồn nước ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
"Chúng tôi không thể yên tâm sau những gì đã xảy ra, đồng thời kiên quyết phản đối việc cấp nước lại từ nguồn nước ngầm của nhà máy" - ông Phan Minh Châu, tổ trưởng tổ dân phố số 4 khu đô thị Thanh Hà, nói.
Chiều 19-10, trạm bê tông và vật liệu xây dựng rộng hơn 4.000m2 này vẫn hoạt động với nhiều phương tiện thường xuyên ra vào - Ảnh: HỒNG QUANG
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, kênh nước này bốc mùi hôi thối, ngập rác thải - Ảnh: HỒNG QUANG
Ngày 19-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Điệp, chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết theo nghiên cứu, gần như toàn bộ nước ngầm khu vực các quận, huyện phía nam Hà Nội như quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Thanh Oai… bị ô nhiễm amoni.
Nguyên nhân được ông chỉ ra là do quá trình khai thác nước ngầm hàng trăm năm qua, người dân sau khi khai thác không áp dụng các quy trình chôn, lấp giếng dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Trong khi đó, địa hình Hà Nội thấp dần với vùng trũng là các địa phương phía nam, biến đây thành khu vực ô nhiễm nhất.
"Do vậy, định hướng của thành phố là xây dựng hàng loạt các nhà máy nước mặt lớn và tiến tới hoàn toàn loại bỏ việc khai thác nước ngầm. Phần vì ô nhiễm, phần vì gây sụt lún đất", ông nói.
Đối với trường hợp cụ thể tại trạm cấp nước Thanh Hà, một lãnh đạo khác của Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng theo quy định tại thông tư 01/2021 của Bộ Xây dựng, khoảng cách tối thiểu từ khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng tới điểm lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung là 1.500m.
Điều này áp dụng trong điều kiện lý tưởng, tức là khu vực chôn cất phải có hệ thống thu gom nước thấm huyệt mộ, nước mưa chảy tràn để xử lý, không được thấm trực tiếp vào nước ngầm hoặc chảy tràn vào hệ thống mặt nước bên ngoài nghĩa trang.
Về việc xử lý nguồn nước, vị này cho hay bất kỳ nguồn nước nào cũng có thể xử lý sạch. Tuy nhiên, cần nghiên cứu cụ thể mức độ ô nhiễm để có thể áp dụng những công nghệ phù hợp. "Nếu nước quá ô nhiễm mà công nghệ xử lý không đủ có thể dẫn đến nước không đảm bảo", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận