02/09/2023 16:50 GMT+7

Cận cảnh rừng vẫn ngang nhiên bị phá, san ủi sau khi Đắk Lắk lập chuyên án trọng điểm

Trước tình trạng rừng bị lấn chiếm, mua bán ngang nhiên, Công an tỉnh Đắk Lắk đã lập chuyên án trọng điểm về phá rừng từ năm 2022, tuy nhiên rừng vẫn bị lấn chiếm.

Rừng tại Đắk Lắk bị phá nghiêm trọng để lấn chiếm đất - Ảnh: TÂM AN

Rừng tại Đắk Lắk bị phá nghiêm trọng để lấn chiếm đất - Ảnh: TÂM AN

Ngày 2-9, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết đã tổ chức sơ kết công tác bảo vệ rừng năm 2022, phương hướng năm 2023 và nhìn nhận rừng vẫn bị lấn chiếm, xâm canh ở nhiều nơi.

Bị lãnh án, kỷ luật vì để rừng vẫn bị lấn chiếm

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra thực địa hơn 3.000ha, khám nghiệm hiện trường trên diện tích hơn 300ha rừng.

Trong số này, vụ hủy hoại gần 400ha rừng tại tiểu khu 205 xã Ya Tờ Mốt (Ea Súp) đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 28 người về hành vi hủy hoại rừng, 1 người về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hiện đang đề xuất khởi tố 2 người có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Rừng tại huyện Ea Súp bị phá để lấy đất làm hoa màu, trồng cây - Ảnh: TÂM AN

Rừng tại huyện Ea Súp bị phá để lấy đất làm hoa màu, trồng cây - Ảnh: TÂM AN

Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã tuyên phạt 28 bị cáo về hành vi “hủy hoại rừng”. Trong đó có 20 bị cáo bị phạt từ 2 - 6 năm tù, 8 bị cáo khác được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.

Đối với các sai phạm tại Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka, công an đã làm việc với 364 người là lãnh đạo, nhân viên tuần tra, tổ xung kích bảo vệ rừng.

Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka để tiếp tục điều tra. Theo điều tra ban đầu, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka đã lập khống hồ sơ, sử dụng sai mục đích tiền tuần tra, tiền hỗ trợ tổ xung kích bảo vệ rừng.

Nhiều đối tượng ngang nhiên san ủi rừng ở xã Ia Lốp (Ea Súp, Đắk Lắk) để cho người khác thuê - Ảnh: TÂM AN

Nhiều đối tượng ngang nhiên san ủi rừng ở xã Ia Lốp (Ea Súp, Đắk Lắk) để cho người khác thuê - Ảnh: TÂM AN

Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiến hành điều tra về tội phạm thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, để mất rừng trong thời gian dài tại Công ty TNHH lâm nghiệp Thuần Mẫn (Ea H'leo) nhưng lãnh đạo công ty không biết. Hiện đang trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản để có căn cứ khởi tố theo quy định.

Từ năm 2015 trở lại đây, ngành chức năng xử lý, kiểm điểm nhiều tổ chức, 63 cá nhân có vi phạm trong thi hành công vụ về quản lý, sử dụng đất đai, phát triển rừng. Đối với lực lượng Kiểm lâm, từ năm 2019 đến nay, đã nghiêm túc xử lý kỷ luật 20 trường hợp, phê bình 26 tập thể và 77 cá nhân...

Các đối tượng sau khi phá rừng ở xã Ia Lốp, Ea Súp cho những người dân từ Bình Định, Phú Yên thuê trồng dưa hấu với giá 15-20 triệu đồng/mùa (3 tháng) - Ảnh: TÂM AN

Các đối tượng sau khi phá rừng ở xã Ia Lốp, Ea Súp cho những người dân từ Bình Định, Phú Yên thuê trồng dưa hấu với giá 15-20 triệu đồng/mùa (3 tháng) - Ảnh: TÂM AN

Rừng vẫn mất, do đâu?

Tuy đã xử lý rất mạnh các hành vi phá rừng, nhưng theo lãnh đạo UBND tỉnh, việc phá rừng lấn chiếm đất vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các huyện Krông Bông, Cư M'gar, Ea Súp… Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, ngành chức năng vẫn phát hiện 141 vụ vi phạm lấn, chiếm đất lâm nghiệp, với diện tích gần 705ha.

Hiện mới xử lý 8 vụ vi phạm về hành vi lấn, chiếm đất rừng trái phép với tổng diện tích 1,29ha, tổng số tiền phạt là 80 triệu đồng.

Rừng tại tiểu khu 205 xã Ya Tờ Mốt  bị phá, hiện đã có 28 người bị khởi tố, lãnh án - Ảnh: TÂM AN

Rừng tại tiểu khu 205 xã Ya Tờ Mốt bị phá, hiện đã có 28 người bị khởi tố, lãnh án - Ảnh: TÂM AN

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, rừng mất, lấn chiếm chủ yếu là do người dân phá rừng, xâm canh làm nương rẫy và do sự buông lỏng của các chủ rừng. Phần lớn rừng bị mất chưa thể thu hồi do đối tượng phá rừng đều là người nghèo.

Để giảm nạn phá rừng, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết tiếp tục nắm, xử lý nghiêm các vụ hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán sang nhượng trái phép, nhất là ở các địa bàn “nóng” như Ea Súp, Krông Bông, Ea H'leo...

“Tỉnh sẽ thành lập Đoàn kiểm tra, truy quét tại các khu rừng trọng điểm có nguy cơ phá rừng, cương quyết không để xảy ra điểm nóng. Qua kiểm tra sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ rừng, các ngành, cá nhân liên quan”, vị này nói.

Hơn 170.000ha rừng bị mất, lấn chiếm

Trong cuộc đối thoại với cán bộ, công chức ngày 19-8, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk công bố từ năm 2015 đến nay diện tích rừng tự nhiên địa phương giảm hơn 44.000ha.

Trong số này giai đoạn từ 2017-2020 giảm 27.460ha đã được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, thông báo tại Kết luận Thanh tra ngày 18-10-2022.

Trong khi đó, theo báo cáo giữa kỳ về thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 thì hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 128.000ha rừng có nguồn gốc nông lâm trường bị lấn chiếm, xâm canh.

Lâm tặc "gặm nhấm" đất rừng Tây Nguyên, có chủ rừng... bán luôn rừngLâm tặc 'gặm nhấm' đất rừng Tây Nguyên, có chủ rừng... bán luôn rừng

Bất chấp mọi nỗ lực bảo vệ, những năm qua hàng trăm ngàn héc ta đất rừng ở Tây Nguyên tiếp tục bị triệt hạ. Lâm tặc thời nay không chỉ có dân đen mà còn có cả cán bộ, doanh nghiệp và mục đích phá rừng cũng không phải lấy gỗ, mà là để chiếm đất.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên