Cận cảnh tâm lũ xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế - Video: TẤN LỰC
Ngày 11-10, mực nước trên sông Hương vượt báo động 3 và tiếp tục dâng cao khi lượng xả từ các hồ thủy điện đầu nguồn không giảm. Do đó, nước lũ tiếp tục tràn vào gây ngập sâu nhiều tuyến đường tại TP Huế.
Tại các khu vực thấp trũng hạ nguồn sông Hương thuộc huyện Phú Vang, tình hình ngập lụt còn trầm trọng hơn.
Trưa cùng ngày, PV Tuổi Trẻ Online đã tiếp cận được xã Phú Mậu và các xã lân cận của huyện Phú Vang. Đây là khu vực đồng bằng hạ nguồn và cũng là nơi sông Hương và sông Bồ hợp lưu tại ngã ba Sình nên tiếp nhận lượng nước đổ về rất lớn.
Chống thuyền đi giữa những con đường liên thôn xã Phú Mậu, dễ dàng nhận thấy hầu hết nhà cửa người dân đều bị ngập, nhiều nhà ngập sâu dưới cả mét nước. Với những nhà cấp 4 không có gác lửng, người dân khóa cửa đến ở nhờ những nhà hàng xóm có tầng cao để tránh lũ.
Trên đường làng nối ra bờ sông, nước lũ tiếp tục tràn vào cuồn cuộn chưa có dấu hiệu rút ra. Cánh đồng rộng lớn dọc đường 2 bắt đầu từ UBND xã Phú Mậu đến lối ra ngã ba Sình là biển nước mênh mông.
Rất may, đoán trước mùa mưa lũ năm nay khắc nghiệt nên ruộng lúa và hoa màu đã được người dân thu hoạch từ trước.
Người dân huyện Phú Vang chỉ còn cách di chuyển bằng thuyền khi bốn bề nước ngập - Ảnh: TẤN LỰC
Nhiều người dân xã Phú Thượng lội bộ trong nước lũ khi muốn lên hướng TP Huế - Ảnh: TẤN LỰC
Một số nhà ngư dân Phú Mậu có thuyền nên sử dụng làm phương tiện di chuyển trong phố - Ảnh: TẤN LỰC
Khu vực chợ Bao Vinh và nhà dân trở nên thấp bé trước dòng nước sông Hương đổ về - Ảnh: TẤN LỰC
Ông Kim Đình Phước (70 tuổi, trú thôn Thanh Tiên, xã Phú Mậu) cho biết hiếm khi chứng kiến cơn lũ lớn như đợt này. Vốn quen nghề sông nước, người dân Phú Mậu đã chuẩn bị chu đáo từ trước nhưng vẫn ngạc nhiên khi thấy lũ lên nhanh như vậy.
"Không có thiệt hại về người nhưng heo, gà của người dân không có chỗ tránh trú đều bị chết sạch. Đến nay đã 4 ngày cả khu vực bị mất điện, giao thông chia cắt, không có nguồn tiếp tế thực phẩm, nước uống nên người dân rất khó khăn. Nếu ngập lụt cứ tiếp tục kéo dài sẽ rất căng thẳng" - ông Phước cho biết.
Dong thuyền ra ngã ba Sình đi ngược về sông Hương, nơi dòng nước hợp lưu ngã ba sông chảy như thác cuộn. Lòng sông mở rộng ra thêm vài cây số so với ngày thường. Cồn Phấn giữa dòng sông bị dòng nước nuốt chửng khiến lòng sông càng thêm rộng ra.
Bên kia sông, khu phố cổ và chợ Bao Vinh nhà cửa chen chúc cũng mênh mông nước ngập.
Ông Trần Thanh Long - phó chủ tịch UBND huyện Phú Vang - cho biết do địa bàn thấp trũng nên hầu như toàn huyện Phú Vang đều bị ngập lụt. Trong đó, xã Phú Mậu nằm trong diện ngập sâu nhất.
Trường tiểu học xã Phú Mậu trước biển nước mênh mông - Ảnh: TẤN LỰC
Cánh đồng Phú Mậu ngập tràn nước lũ từ sông Bồ và sông Hương đổ về - Ảnh: TẤN LỰC
Một ngôi nhà bị ngập gần một nửa tại xã Phú Mậu - Ảnh: TẤN LỰC
Con thuyền đuôi tôm mỏng manh giữa dòng nước lũ cuồn cuộn của sông Hương - Ảnh: TẤN LỰC
Một ngôi nhà tại xã Phú Mậu gần sông Hương bị ngập nặng - Ảnh: TẤN LỰC
Hiện UBND huyện đã dự trữ mì gói tại UBND các xã và trong chiều nay (11-10) sẽ điều phối hàng về hỗ trợ người dân xã Phú Mậu và các khu vực ngập sâu.
Với các khu cách ly, trung tâm y tế không có điều kiện nấu nướng, huyện sẽ ưu tiên cung cấp các suất ăn chế biến sẵn cho người dân.
Ông Long đánh giá đợt lũ lần này không thua lũ lịch sử năm 1999.
Mưa vẫn nặng hạt tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 11-10 - Ảnh: TẤN LỰC
Một nhà dân ở xã Phú Mậu bị ngập, các thành viên trong nhà đã chạy lũ sang nơi khác - Ảnh: TẤN LỰC
Người dân xã Phú Mậu lội nước lũ trong đường liên thôn - Ảnh: TẤN LỰC
Bị cô lập không tiếp tế được thực phẩm, người dân xã Phú Mậu rửa thịt gà nhà nuôi bằng nước lũ để nấu bữa trưa - Ảnh: TẤN LỰC
Nước ngập lênh láng toàn xã Phú Mậu - Ảnh: TẤN LỰC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận