17/08/2015 09:43 GMT+7

Cần bứt phá cho cả vùng TP.HCM

XUÂN TOÀN - TRẦN MẠNH thực hiện, xuantoan@tuoitre.com.vn
XUÂN TOÀN - TRẦN MẠNH thực hiện, xuantoan@tuoitre.com.vn

TT - TP.HCM đang đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá, nếu không tăng tốc sẽ lỡ mất thời cơ.

Ảnh: N.TRƯỜNG
Ảnh: N.TRƯỜNG

Là người nghiên cứu về lợi thế cạnh tranh của TP.HCM với các đô thị khác trên thế giới, ông Huỳnh Thế Du - giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - góp thêm ý kiến cho dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM.

- Sức cạnh tranh của một địa phương hay một vùng được đo lường bởi sự sôi động của các hoạt động kinh tế. Có thể hiểu một cách đơn giản, một khu vực có sự cạnh tranh tức là nơi các doanh nghiệp đến tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, người giỏi đến làm việc và người giàu đến ở.

Vùng TP.HCM (bao gồm cả Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, có thể cả Long An và Tây Ninh) đang là một cục nam châm rất mạnh hút ba đối tượng này. Ở Việt Nam, lợi thế tích tụ đang được phát huy tốt nhất ở vùng TP.HCM. Chỉ tính riêng bốn tỉnh thành trọng điểm, với 15% dân số nhưng vùng TP.HCM đang tạo ra hơn 1/3 GDP và 60% nguồn thu ngân sách của cả nước.

Trong hầu hết các xếp hạng quốc tế, khi Hà Nội có thì TP.HCM cũng có, nhưng nhiều danh sách chỉ có TP.HCM như xếp hạng 100 thành phố cạnh tranh nhất thế giới chẳng hạn.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng so với 11 thành phố được xem là đối thủ cạnh tranh hay hướng đến trong khu vực châu Á - xếp theo thứ tự năng lực cạnh tranh tăng dần gồm Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Mumbai (Ấn Độ), Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), Đài Bắc (Đài Loan), Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong và Singapore thì TP.HCM ở vị trí thấp nhất. Đây là điều đáng quan tâm.

Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu viết: “Vào năm 1975, TP.HCM có thể ganh đua với Bangkok, giờ đây (1992), thành phố này tụt lại về sau hơn 20 năm”. Sau hơn hai thập kỷ, vấn đề này vẫn mang tính thời sự.

Ông Huỳnh Thế Du - Ảnh: T.TÙNG
Ông Huỳnh Thế Du - Ảnh: T.TÙNG

“Tôi không đồng tình với các địa phương xin những chính sách đặc thù cho mình để phát triển kinh tế. Địa phương nào cũng có đặc thù cả, nên nếu để các địa phương tự ý phát triển thì Việt Nam sẽ có chiến lược phát triển tổng thể hình quả mít như cố nhà báo Hữu Thọ đã nói, đó là địa phương nào cũng là mũi nhọn cả mà không có đột phá

* Như vậy, theo ông, đâu là điểm đầu tiên cần thay đổi để tạo sức bật cho khu vực này?

- Nên bắt đầu từ tầm nhìn. Cần xác định rõ TP.HCM sẽ cạnh tranh với ai và cạnh tranh cái gì một cách cụ thể. Cơ chế của Việt Nam hiện nay làm các địa phương cạnh tranh với nhau nhiều hơn hợp tác. Việc này làm chính chúng ta yếu đi rất nhiều.

Vùng TP.HCM cần xác định là cạnh tranh với thế giới, cụ thể là với 11 thành phố nêu trên. Cơ chế của Nhà nước phải thay đổi để chuyển việc các địa phương trong nước đang ở vị trí đối mặt cạnh tranh nhau chuyển thành vị thế chung lưng, hướng mặt ra biển cạnh tranh với thế giới. Đó là việc tạo ra các cơ chế để liên kết vùng.

Bước tiếp theo là cần xác định cạnh tranh tập trung vào năm lĩnh vực hay cụm ngành mà các thành phố trên thế giới đang hướng đến gồm: i) Nơi đặt các trụ sở quốc tế và phối hợp hoạt động của các công ty toàn cầu; ii) Trung tâm dịch vụ tài chính; iii) Trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm; iv) Trung tâm nghiên cứu về khoa học đời sống kết hợp với nghiên cứu thử nghiệm và v) Trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp dịch vụ cho các công ty toàn cầu.

* Thật ra ý tưởng liên kết vùng đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng cát cứ, cạnh tranh lẫn nhau, tỉnh nào cũng đòi xây cảng, sân bay...

- Cái khó của liên kết vùng chính là ở động cơ của bộ máy nhân sự. Trong cơ cấu nhân sự của Việt Nam hiện nay, mọi đề bạt hay thăng tiến đều căn cứ vào thành tích của địa phương nên dễ tạo ra tình trạng cát cứ, không muốn hợp tác với nhau nên cả vùng không thể tốt lên được.

Một vấn đề trục trặc của chúng ta nữa là không có chính quyền vùng để giải quyết các vấn đề liên kết vùng, trong khi trung ương quá xa. Mục tiêu của bất cứ chính quyền địa phương nào cũng tạo việc làm cho cư dân địa phương và tạo ngân sách cho địa phương. Do đó, không có sự liên kết vùng với các mục tiêu trên sẽ làm các địa phương cạnh tranh nhau thay vì liên kết cho mục tiêu lớn hơn.

: Tổng chi ngân sách địa phương so với tổng sản phẩm địa phương ở Việt Nam (%)
Tổng chi ngân sách địa phương so với tổng sản phẩm địa phương ở Việt Nam (%)
Tổng chi ngân sách địa phương so với tổng sản phầm địa phương ở Trung Quốc (%)
Tổng chi ngân sách địa phương so với tổng sản phầm địa phương ở Trung Quốc (%)

* Ông từng đề xuất để tạo sức bật cho vùng TP.HCM nên tăng ngân sách gấp đôi cho TP.HCM, tức từ 7% GDP lên 15%. Nếu điều này trở thành hiện thực nguồn vốn sẽ ưu tiên rót vào đâu, thưa ông?

- Thách thức lớn nhất dẫn đến việc TP.HCM không phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng chính là nguồn thu được giữ lại để xây dựng cơ sở hạ tầng rất thấp. Hiện TP.HCM được giữ lại rất ít nguồn thu ngân sách so với quy mô của cả nền kinh tế (khoảng 3-4 tỉ USD).

Nếu bao gồm cả, cộng thêm ngân sách tự thu tự chi tối đa mới bằng 10% GDP của thành phố. Nếu tính theo ngân sách ròng chỉ khoảng 7% GDP và đây là một con số rất nhỏ so với nhu cầu phát triển của thành phố.

Nói chung là cơ chế phân bổ ngân sách hiện tại rất bất cập. Lấy điển hình năm 2012, tổng chi ngân sách so với GDP của Việt Nam gần 23% GDP, nhưng TP.HCM chỉ có 9,5% (bao gồm các đơn vị sự nghiệp tự thu tự chi).

Đây là một con số rất nhỏ so với nhu cầu phát triển của vùng và rất thấp so với các thành phố trong khu vực như Singapore 15%, Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong dao động 21%.

Như vậy, giả sử TP.HCM được tăng gấp đôi ngân sách tức từ 7% lên 15%, mỗi năm TP.HCM có thêm 3 tỉ USD thì trong 10 năm tới TP.HCM sẽ dành một nửa để xây dựng hoàn thiện hệ thống vận tải công cộng, nửa còn lại có thể làm được rất nhiều việc khác.

* Ngoài xây dựng hạ tầng giao thông, theo ông, khu vực TP.HCM nên tập trung ưu tiên đầu tư vào đâu nữa để tạo sức bật cho khu vực?

- Để tạo thành một khu vực có sức cạnh tranh mạnh mẽ ở năm lĩnh vực mà tôi nói ở trên thì TP.HCM phải có một khu trung tâm rất phát triển, lượng văn phòng cho thuê, đặc biệt văn phòng hạng A, nhiều hơn nữa. Chúng ta phải tập trung nguồn lực xây dựng khu Thủ Thiêm (quận 2) thành trung tâm thứ hai, tạo ra không gian tạo dịch vụ phát triển cho thành phố.

Với cơ chế hiện tại, TP.HCM đang bị bó quá nhiều thứ. Do đó, ưu tiên về cơ chế để giải quyết vấn đề động lực tạo nên một bức tranh tổng thể hơn. Giao TP.HCM những cơ chế đặc biệt, tùy chọn nhân sự trong các dự án phát triển trọng điểm như đường sắt đô thị, khu vực Thủ Thiêm.

XUÂN TOÀN - TRẦN MẠNH thực hiện, xuantoan@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên