Cán bộ không được đi nước ngoài vì... không cần thiết
Phóng to |
Ông Lê Quang Vĩnh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương nhất quán và lâu dài của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về vấn đề này, song tình trạng lãng phí vẫn còn khá phổ biến, nghiêm trọng và trở nên nghiêm trọng hơn trong hoàn cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn.
Chỉ thị 21 là một phần việc thực hiện các giải pháp của nghị quyết trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Chống lãng phí cũng là chống suy thoái đạo đức, chống lối sống xa hoa, xa rời quần chúng. Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp đánh giá về tình hình thực hiện nghị quyết trung ương 4 từ sau Hội nghị trung ương 6 đến nay và kết luận phải ban hành chỉ thị này nhằm kiên quyết chấn chỉnh cho bằng được tình trạng lãng phí đang gây bức xúc, bất bình trong nhân dân. Đây không chỉ là một chỉ thị trong nội bộ Đảng mà còn kêu gọi toàn thể nhân dân hưởng ứng, không chỉ thực hiện tại thời điểm trước mắt mà thực hiện lâu dài.
Tình trạng lãng phí hiện nay diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Ví dụ như việc đi công tác nước ngoài. Chúng ta hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế thì cán bộ có nhu cầu phải ra nước ngoài công tác, học tập kinh nghiệm quốc tế, nhưng thực tế có những cá nhân, đơn vị đi nước ngoài quá nhiều, nội dung nghiên cứu trùng lặp, không thiết thực, gây tốn kém tiền của, lãng phí thời gian. Hoặc là tình trạng lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, động thổ, khánh thành... được tổ chức tràn lan, phô trương, tốn kém, gây bức xúc trong dư luận.
Nhắm vào cán bộ có chức, có quyền
"Cán bộ lãnh đạo các cấp không được đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp. Đây là điểm mới rất đáng quan tâm, bởi việc cán bộ lãnh đạo đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp dễ gây phản cảm và có thể bị hiểu lầm hoặc bị lợi dụng để lobby không lành mạnh" Ông Lê Quang Vĩnh (phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng) |
- Chỉ thị nêu rõ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày của đảng viên và là một nội dung sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, cơ quan, đơn vị. Như vậy, chỉ thị xác định rất rõ địa chỉ, yêu cầu mỗi chi bộ trong sinh hoạt hằng tháng phải đánh giá đảng viên về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ trong công tác, trong chi tiêu công, mà phải cả đời sống cá nhân, gia đình hằng ngày.
Chỉ thị nêu ra yêu cầu phải mở một cuộc vận động sâu rộng trong Đảng và nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội... Trong đó nêu rõ việc cấm lợi dụng việc cưới, việc tang để vụ lợi. Đây là quy định nhắm vào đối tượng cán bộ có chức, có quyền, bởi chỉ có chức, có quyền mới có thể lợi dụng việc đó để vụ lợi.
Chỉ thị yêu cầu tiếp tục tiết giảm quy mô, thời gian tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm. Chấn chỉnh tình trạng ở không ít bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị... là tổ chức ngày lễ kỷ niệm quá dày, quy mô hoành tráng, tốn kém. Lãnh đạo các cấp không tham dự các hoạt động cắt băng khánh thành, động thổ, khai trương... nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Chấm dứt tình trạng cán bộ lãnh đạo tham dự quá nhiều các hoạt động này hoặc cùng một buổi lễ mà có nhiều cán bộ lãnh đạo cùng tham dự.
Đối với việc đi công tác nước ngoài, chỉ thị nêu rõ cán bộ mỗi năm không được đi quá hai lần, trừ những trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của công việc. Cấm sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức các đoàn đi tham quan, du lịch nước ngoài. Cán bộ lãnh đạo các cấp không được đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp. Đây là điểm mới rất đáng quan tâm, bởi việc cán bộ lãnh đạo đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp dễ gây phản cảm và có thể bị hiểu lầm hoặc bị lợi dụng để lobby không lành mạnh.
Chỉ thị cũng yêu cầu hạn chế tối đa việc tổ chức các hội nghị toàn quốc, tăng cường việc sử dụng công nghệ thông tin trong hội họp, không mời những thành phần không cần thiết. Trong hội nghị, đại biểu không được nói dài, sáo rỗng, nội dung không phù hợp, gây lãng phí thời gian mà xét đến cùng cũng là lãng phí tiền của nhân dân, đất nước...
Phải làm thường xuyên như rửa mặt hằng ngày
* Chỉ thị đề cập rõ những vấn đề cụ thể như việc “kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng là năm lẻ, không tổ chức đón, tiếp khách tại trụ sở các cơ quan Đảng”, như vậy nếu có các tổ chức, đoàn thể đến chúc mừng thì các cơ quan của Đảng có từ chối đón tiếp không?
- Tôi nghĩ rằng sau khi chỉ thị được ban hành, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin thì tất cả cơ quan trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội đều nắm được nội dung này. Vì vậy, tôi tin rằng các cơ quan, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đều đồng tình, hưởng ứng và sẽ không ai tự ý làm những việc trái với chỉ thị cả.
* Đảng từng có nhiều văn bản về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng tình trạng lãng phí vẫn trầm trọng. Điều mà dư luận quan tâm nhất là làm sao thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của chỉ thị 21?
- Với tinh thần của nghị quyết trung ương 4, nói đi đôi với làm và với những điểm mới rất cụ thể, thiết thực, khả thi, tôi tin tưởng rằng các nội dung của chỉ thị có cơ sở để đi vào cuộc sống và được thực hiện nghiêm túc. Tinh thần của chỉ thị phản ánh quan điểm như Bác Hồ từng nói và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc lại là việc này phải làm thường xuyên như rửa mặt hằng ngày. Chỉ thị cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Tất nhiên, cũng như nhiều chỉ thị, chủ trương khác của Đảng, chỉ thị 21 chỉ có thể thực hiện thành công khi cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện và giám sát, trong đó có vai trò giám sát rất lớn của các đoàn thể xã hội và các cơ quan báo chí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận