20/11/2013 07:53 GMT+7

Cần 3.000 tỉ đồng để xử lý an toàn hồ đập

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Chiều 19-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề an toàn hồ đập, quy hoạch trồng rừng, chất lượng nông sản.

Thủy điện xả lũ

1onLT8AS.jpg
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: V.Dũng

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chất vấn: “Mất an toàn hồ đập đang là nguy cơ lớn. Tôi muốn hỏi bộ trưởng đánh giá thế nào về an toàn hồ đập hiện nay. Giải pháp nào để ngăn ngừa thảm họa do hồ đập gây ra?”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với đại biểu Nam và đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cần trả lời căn cơ vấn đề này.

Cả nước còn 1.200 hồ đập “có vấn đề”

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay cả nước có 6.800 hồ. Trong những năm qua Chính phủ đầu tư nâng cấp được 500 hồ. Đến giờ này còn khoảng 1.200 hồ có vấn đề cần tu bổ, sửa chữa. Năm nay có 317 hồ hư. Vừa qua Chính phủ lại bỏ ra 500 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương sửa được hơn 90 hồ.

“Trận bão nào chúng tôi cũng thông báo rất cụ thể cho từng địa phương là cái hồ nào nguy hiểm, đề nghị cử người đến đó gác, khi có nguy hiểm là phải có biện pháp xử lý ngay” - ông Phát nói.

Bộ trưởng thừa nhận về lâu dài phải tăng cường các biện pháp quản lý. “Hiện Thủ tướng Chính phủ giao chúng tôi cùng với các bộ sửa đổi nghị định về xử lý an toàn hồ đập để giải quyết chặt chẽ hơn vấn đề này. Đề nghị Quốc hội quan tâm hơn về mặt kinh phí vì chúng tôi đang cần khoảng 3.000 tỉ đồng để xử lý các hồ đập” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý: “Chỗ 1.200 cái hồ đó bộ trưởng phải suy nghĩ thêm. Phải khẳng định là liệu nó có vỡ không? Tuy ta chưa đủ tiền để hiện đại nó lên nhưng phải không được vỡ. Nếu vỡ thì gay đó. Mấy ông chưa có tiền thì phải tìm cách báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để tính chứ nếu để như vậy là rất nguy hiểm!”.

“Chúng tôi chịu trách nhiệm về vượt quy hoạch 100.000ha cao su”

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) hai lần đứng lên truy trách nhiệm về việc phá rừng trồng cao su: “Tôi đề nghị bộ trưởng phải nói rõ tình trạng sử dụng đất rừng vượt quy hoạch được duyệt phải chấn chỉnh thế nào? Xác định rõ có chấm dứt được hay không? Trách nhiệm để 100.000ha cao su trồng vượt quy hoạch được duyệt là của bộ trưởng hay của địa phương?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát xác nhận theo quy hoạch phát triển cao su thì đến năm 2015 dự kiến nước ta có 800.000ha cao su, nhưng nay đã có 910.000ha. Như vậy có hơn 100.000ha trồng vượt quy hoạch. Tuy nhiên, ông Phát cho hay diện tích này không hoàn toàn trồng trên đất rừng hay trên diện tích phá rừng mà có nhiều diện tích trồng trên đất lâm nghiệp và các loại đất khác.

“Tới đây tất cả sẽ dừng, không khai thác rừng tự nhiên để trồng cao su nữa, trừ một số dự án đã được duyệt theo đúng quy hoạch và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, nhưng con số đó cũng không nhiều” - bộ trưởng khẳng định.

Về trách nhiệm để vượt quy hoạch hơn 100.000ha, bộ trưởng nhìn nhận: “Đương nhiên trách nhiệm quản lý toàn ngành thì thuộc về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm. Tuy nhiên các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương phải liên đới. Tôi không thể lặn lội đến từng cánh rừng để kiểm tra xem khu vực này có trong quy hoạch hay không... Việc buông lỏng để nhân dân tự trồng thì trách nhiệm thuộc chính quyền các cấp”.

Có thể cạnh tranh nông nghiệp với Thái Lan

Tham gia “chia lửa” với Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc hỗ trợ của khoa học công nghệ cho nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân cho biết: “Hiện một số lĩnh vực ta nằm ở vị trí dẫn đầu trong khu vực như sản xuất lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản cá da trơn, công nghiệp cơ khí siêu trường, siêu trọng, công nghiệp phần mềm... Với định hướng đầu tư, chiến lược phát triển khoa học công nghệ mà Thủ tướng phê duyệt thì có thể yên tâm là đến năm 2020 ta sẽ vượt hơn so với vị trí hiện nay. Nhưng để nằm trong tốp 3, tốp 4 khu vực là bài toán không đơn giản nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: “Với tất cả biện pháp như vậy thì năm năm nữa ta có sánh được, thậm chí có vượt Thái Lan không?”. Ông Quân trả lời: “Nông nghiệp ta đang thua kém Thái Lan. Nhưng có nhiều yếu tố tiềm ẩn mà ta có thể vượt Thái Lan. Riêng về khâu giống như giống lúa, giống cây, giống con thì nhà khoa học ta không thua kém Thái Lan. Ta thua kém nhiều nhất là ở khâu chế biến, bảo quản, thu hoạch”.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên