Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến cắt ngang đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Đồ họa: TTO
Nội dung đó thể hiện trong tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (hợp đồng BOT) vừa được Bộ GTVT gửi Thủ tướng.
Tờ trình dựa trên báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định liên ngành do Thủ tướng thành lập thẩm định, đánh giá.
Theo đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 53,7km, điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa; điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa.
Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô tuyến cao tốc 6 - 8 làn xe tùy theo từng đoạn tuyến.
Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Cụ thể, đoạn từ điểm đầu dự án (giao với tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa) đến nút giao Long Thành (giao đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) có quy mô 4 làn, từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp (giao cao tốc Bến Lức - Long Thành) 6 làn, từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án (giao quốc lộ 56) 4 làn.
Nhu cầu sử dụng đất được tính toán sơ bộ khoảng 519,64ha với khoảng 3.130 hộ bị ảnh hưởng, khoảng 2.589 hộ tái định cư.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 19.616 tỉ đồng gồm 6.720 tỉ vốn nhà nước và 12.987 tỉ đồng vốn do nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp. Thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư dự kiến 17 năm.
Thời gian chuẩn bị trong năm 2021 - 2022, lựa chọn nhà đầu tư 2022 - 2023, giải phóng mặt bằng, tái định cư 2022 - 2024, thi công xây dựng công trình 2024 - 2026.
Theo Bộ GTVT, quốc lộ 51 đã được đầu tư mở rộng với quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tuy nhiên, hiện lưu lượng xe trên quốc lộ 51 tại một số đoạn tuyến đang trong tình trạng quá tải (82.376 PCU (xe con quy đổi)/ngày đêm, đạt khoảng 94% công suất) và thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Dự báo đến năm 2026, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, sân bay Long Thành hoàn thành, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang TP.HCM - Vũng Tàu tại đoạn nối 2 cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành khoảng 136.285 PCU/ngày đêm, tạo áp lực rất lớn tới hệ thống giao thông trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận