06/08/2016 06:02 GMT+7

Cấm trong trường sao còn cho dạy thêm bên ngoài?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG

TTO - Đó là thắc mắc của nhiều người trước thông tin TP.HCM ra quy định sẽ chấm dứt dạy thêm trong trường nhưng các giáo viên vẫn được phép dạy bên ngoài, ở các trung tâm do người khác đứng ra tổ chức.

Các lớp học thêm chật kín - Ảnh: Vân Trường.

Các lớp học thêm chật kín - Ảnh: Vân Trường

Nhiều bạn đọc cho rằng việc cấm của Sở GD-ĐT TP.HCM chẳng khác nào… chuyển chỗ dạy thêm từ nơi này sang nơi khác.

Xem lại năng lực dạy ở lớp?

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - phó trưởng khoa quản lý Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng Bộ GD-ĐT hiện nay đang rất lúng túng trong cách quản lý vấn đề dạy thêm, học thêm.

“Việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường nhưng vẫn cho hoạt động ở ngoài theo tôi không phải là cách quản lý tốt, chỉ là cách đẩy trách nhiệm ra ngoài xã hội”, bà Tuyết Hạnh thẳng thắn. 

Theo bà Tuyết Hạnh, để quản lý được vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ GD-ĐT cũng như các sở cần nghiên cứu kỹ tình hình giáo dục hiện tại và có chiến lược cụ thể và nghiêm túc hơn, chứ không thể chỉ thay thế từ hình thức này bằng hình thức khác như vậy.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Thành Vinh - trưởng khoa quản lý Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng thực hiện cấm chỗ này nhưng lại để thả chỗ kia là rất khó, nếu đã cấm là phải cấm tất cả.

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, việc có đến hơn nửa lớp có nhu cầu học thêm đồng nghĩa với việc năng lực dạy của giáo viên trên lớp chưa đạt yêu cầu.

Ông Thành Vinh nêu ví dụ nhiều học sinh ở các tỉnh chẳng học thêm ngày nào nhưng vẫn đậu ĐH điểm cao, chứng tỏ thầy cô dạy trên trường có trách nhiệm.

Chia sẻ quan điểm này, ThS Lê Hoàng Giang - giảng viên Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) - cho rằng nếu học sinh hiểu bài ngay tại lớp thì chắc chắn không có chuyện phải xách cặp đến nhà thầy cô giáo vào thời gian trái buổi.

Cấm trong trường, cơ sở bên ngoài tràn lan

Theo ThS Lê Hoàng Giang, việc cấm dạy thêm trong trường nhưng vẫn cho các trung tâm bên ngoài hoạt động sẽ khiến các trung tâm này không còn đầu tư vào chất lượng giáo dục nữa, vì học sinh đằng nào cũng tới, không còn phải tìm cách thu hút bằng việc nâng cao chất lượng giáo dục. 

Do đó, Sở GD-ĐT khi đã cấp giấy phép cho từng trung tâm hoạt động thì cũng phải có trách nhiệm giám sát hoạt động giáo dục, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng như việc thu học phí của những trung tâm ấy, tránh tình trạng các trung tâm bên ngoài đưa ra mức học phí không phù hợp.

Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, việc cấm dạy thêm trong trường nhưng vẫn cho dạy thêm bên ngoài thực chất sẽ khiến vấn đề này khó quản lý hơn.  

Nhiều cơ sở dạy thêm bên ngoài không phải là trung tâm độc lập mà chỉ là hình thức trá hình của các trường, giáo viên vẫn là của các trường đưa ra dạy, đứng đằng sau vẫn là các trường quản lý, thậm chí còn dùng cả giáo viên đã nghỉ hưu để đứng ra thành lập trung tâm xem như dưới dạng tư nhân, nhiều trường còn dùng sổ liên lạc điện tử của nhà trường để thông báo thu tiền học của các trung tâm - bà Tuyết Hạnh cho biết.

Một lớp học thêm được cấp phép luôn có đông học sinh. Các em vừa học xong buổi chiều ở trường rồi đến lớp học thêm ngay nên vẫn còn mặc đồng phục thể dục - Ảnh: Vân Trường.

Một lớp học thêm được cấp phép luôn có đông học sinh. Các em vừa học xong buổi chiều ở trường rồi đến lớp học thêm ngay nên vẫn còn mặc đồng phục thể dục - Ảnh: Vân Trường

Bên cạnh đó, theo TS Tuyết Hạnh, việc cấm dạy thêm trong trường nhưng vẫn cho các trung tâm bên ngoài hoạt động sẽ không kiểm soát được vấn đề liệu giáo viên có dạy thêm chính những học sinh đang học chính khóa của mình hay không.

Nếu tổ chức dạy thêm ngay trong chính trường học nơi các giáo viên đang giảng dạy thì sẽ sắp xếp được việc các giáo viên dạy các học sinh khác lớp mình đang dạy chính khóa.

Còn khi giáo viên dạy ở các trung tâm bên ngoài, rất khó kiểm soát được việc họ có thái độ, có định kiến với các học sinh không đi học thêm hay không, có ưu ái những học sinh học thêm hay không, có cắt nội dung trên lớp chính khóa mà chỉ giảng dạy cho lớp học thêm hay không…

Tuy những tiêu cực trên không phải là đa số, nhưng cũng không phải là không có trong thực tế hiện nay.

Do vậy, việc cấm dạy thêm trong trường nhưng vẫn cho các cơ sở bên ngoài hoạt động nếu thực hiện không khéo sẽ dễ xảy ra nhiều hiện tượng biến tướng.

Có cấm được dạy thêm, học thêm? 

Theo các chuyên gia về giáo dục, khó có thể cấm hoàn toàn được việc dạy thêm, học thêm vì đó là nhu cầu chính đáng của xã hội.

Theo ông Lê Hoàng Giang, thực tế hiện nay cả giáo viên, phụ huynh lẫn các học sinh đều có nhu cầu dạy thêm, học thêm.

Học sinh giỏi có nhu cầu nâng cao trình độ, học sinh yếu kém có nhu cầu củng cố kiến thức, giáo viên có nhu cầu tăng thu nhập… - ông Hoàng Giang nói.

Cần học thêm vì chương trình phổ thông quá nặng?

Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, không phải học sinh nào cũng cần đi học thêm.

Nhiều phụ huynh hay lo lắng cho rằng chương trình phổ thông quá nặng, con em mình nếu không học thêm thì sẽ không theo kịp bài dạy của thầy cô trên lớp. 

Tuy nhiên theo bà Tuyết Hạnh, đây không phải là lý do chính đáng để các em phải đi học thêm trong thời gian nghỉ.

“Các học sinh chỉ nên học thêm đối với những nội dung nặng, khó hiểu chứ cũng không cần thiết phải học trái buổi ròng rã cả năm trời” - bà Tuyết Hạnh khuyên.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> ThS Lê Hoàng Giang: 

>> PGS.TS Nguyễn Thành Vinh:

>> TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục