05/11/2014 16:58 GMT+7

Cấm thi HS giỏi tiểu học: ra lệnh cấm thì dễ, nhưng...

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Với thăm dò trên TTO về việc tổ chức thi học sinh giỏi tiểu học, trong tổng số 1.990 lượt bầu chọn, có đến 1.183 lượt cho rằng: chọn lọc, giữ lại vài cuộc thi cần thiết.

Số liệu trên được tính đến 14g ngày 5-11 (mời bạn xem hình)

Số liệu được tính đến 14g ngày 5-11

Trong khi đó, chiếm đa số ý kiến gửi về Tuổi Trẻ Online cho rằng: cần bỏ các kỳ thi như thế để các em không bị áp lực học hành, không đánh mất tuổi thơ.

Cùng với đó là một số ý kiến cho rằng nếu biến những cuộc thi này thành sân chơi cho các em rèn luyện, không đặt nặng chuyện thành tích thì cũng là điều nên làm.

* Bỏ thi là trả lại tuổi thơ cho con em

Bạn đọc Gà con (meoconcuameoden@...) viết: "Con tôi đang học tiểu học, đầu năm đến giờ cô giáo cứ gợi ý đi học thêm nâng cao để thi học sinh giỏi, như vậy cuối năm mới được xét lĩnh thưởng. Tôi phải đấu tranh tư tưởng lắm mới dám mạnh dạn trả lời cô là không tham gia học thêm. Nhờ vậy gần tháng nay con tôi kết thúc mỗi ngày học mới có thời gian chơi các trò nhảy dây, cầu lông... với các bạn, nhưng trong lòng tôi vẫn còn lo lắng lắm vì sợ con bị phân biệt đối xử".

"Nay có chỉ thị về việc cấm học thêm, không thi học sinh giỏi này nếu được thực hiện nghiêm thì con tôi không còn là thành phần cá biệt. Thành thật cảm ơn quyết định sáng suốt của bộ" - bạn đọc Gà con bày tỏ.

Bạn đọc Đoàn Anh Trà (meohoang83@...) kể: "Ở địa phương chúng tôi, giáo viên còn phải gồng lưng rèn chữ để học sinh tham gia thi viết đúng viết đẹp. Dù biết là Bộ GD-ĐT không khuyến khích việc này nhưng lãnh đạo của phòng GD-ĐT lại đưa vào chỉ tiêu thi đua. Mệt lắm!". 

+ Với thực tế chạy đua vì thành tích, quyết định mới này của bộ trưởng thật sự là một quyết định đúng đắn để phụ huynh và các bé tiểu học được thở phào nhẹ nhõm.

quanhongnhung@...

Bạn đọc Anh Trà đề nghị: "Mong Bộ GD-ĐT ra hẳn quyết định cấm tổ chức thi viết đúng viết đẹp luôn cho thầy trò chúng tôi bớt khổ. Thời bây giờ mọi văn bản đều phải đánh máy, luyện chữ đẹp có tác dụng là bao, học sinh không khả năng, không ham muốn viết chữ đẹp cũng bị giáo viên o ép. Bởi vậy khi lên THCS nhiều em "phá banh" chữ viết của mình như một cách tìm kiếm tự do trong viết chữ.

 

Bạn đọc Trường Trung (thtruongtrung@...) cũng chia sẻ: "Hiện nay con tôi đang học tiểu học và được vào rèn luyện trong đội tuyển giao lưu HSG, hằng ngày thấy cháu vật lộn với những bài toán khó mà tôi thấy xót xa, đêm nằm ngủ cháu cũng mơ và thét lên: "Con chưa làm được bài sợ cô giáo lắm". Tôi thấy các cô giáo tiểu học cũng vất vả vì thực tế muốn có HS đoạt giải thì cô phải dùng phương pháp nhối nhét!". 

Học sinh tham dự cuộc thi  vô địch TOEFL Primary 2014 - ảnh tư liệu

Bạn đọc Lam Trà (lamtra72@...) đánh giá: Không tổ chức thi học sinh giỏi, không chấm điểm, cấm dạy thêm, cấm luyện thi vở sạch chữ đẹp... thật sự là một quyết định đúng của Bộ GDĐT nhằm tạo ra một môi trường giáo dục đúng nghĩa mang đầy tính nhân văn. 

Bạn Lam Trà viết: "Các em vui khi đến trường, tăng cường sức khỏe, phát triển giao tiếp và hình thành nhân cách tốt. Học để biết. Học để làm. Học để tự khẳng định mình và học để cùng chung sống".

Bạn đọc milu (dhtanpl@...) nhận xét: "Theo tôi, việc bỏ thi học sinh giỏi cấp tiểu học là hợp lý, vì đa số cuộc thi này đã tạo nên những áp lực không cần thiệt cho học sinh. Phần lớn những em tham gia thi học sinh giỏi bị gò bó, nhồi nhét một cách quá mức cần thiết với lứa tuổi, các em hầu như không có thời gian tham gia các hoạt động nhằm rèn luyện và phát triển kỹ năng sống. Đây cũng là một sự đầu tư phát triển lệch lạc không phù hợp với xã hội hiện tại và tương lai". 

Bạn đọc Nguyễn Thị Mai (thtanphu@...) viết: "Tôi rất đồng tình với việc bỏ hẳn các cuộc thi đối với bậc Tiểu học. Như vậy mới giảm được áp lực cho học sinh. Đổi mới mô hình dạy học là làm cho việc học nhẹ nhàng nhưng không kém phần chất lượng như Bộ GD-ĐT đang làm.

"Dù là cuộc thi nào cũng vậy, đã đưa ra thì phải dự thi mà dự thi đều có sự cạnh tranh, nếu không thì bị thua hoặc giáo viên không có thành tích, nhà trường không có thành tích, phòng giáo dục, sở giáo dục không có thành tích". 

"Rồi lại có cả tiêu cực trong thi cử nữa nhiều là đằng khác... Đã thi ai cũng muốn có thành tích những mặt trái của xã hội lúc nào cũng len lỏi và bằng mọi giá để... có thành tích ảo. Hãy để học sinh ở lứa tuổi tiểu học được nghỉ ngơi, vui chơi, và sáng tạo nhiều hơn!". 

"Bỏ các cuộc thi mới giảm được việc dạy thêm học thêm tràn lan ở bậc tiểu học như hiện nay".

* Thi cử là rèn luyện, miễn đừng máu ăn thua

Ở góc nhìn khác, bạn đọc Thành Hiển (hienthanh@...) cho rằng: Học sinh mà tham gia thi cử này kia cũng là một cách rèn luyện. Miễn là người lớn đừng nhồi nhét cho con em tính ăn thua. Thử hỏi các em học sinh là các em có thích tham gia những cuộc thi này không? 

Cùng góc nhìn, bạn đọc V.D. (vanduyen1966@...) viết: Thật ra, các cuộc thi không phải là vô bổ, nhưng quan trọng là bội thực thi cử và người lớn vì cái tôi của mình đã bóp méo mục đích các kỳ thi.

Bạn đọc Nga (jupiternga@...) dẫn chứng: "Học sinh của tôi thi Violympic với khát khao vượt qua bản thân. Các em tự giải các vòng thi, dù chỉ 260-280 điểm nhưng đó là do các em tự làm. Các em rất thích. Tại sao phải dẹp bỏ. Cách người lớn chúng ta nhìn nhận vấn đề cứ phức tạp hóa làm con trẻ hẹp bớt sân chơi". 

+ Đã thi cử là thành tích. Tuổi nhỏ mà phải chạy theo thành tích là không nên. Vậy tốt nhất nên bỏ thi cử.

Hoàng Khuyên (hoangkhuyen230@...)

Bạn đọc Phạm Văn Hùng (phamvanh89@...) bày tỏ sự e ngại: Nếu bỏ thi như vậy thì học sinh học gần như không có mục đích, các em học sinh giỏi sẽ không cố gắng phấn đấu vượt lên chính mình

"Việc giữ lại một số kỳ thi cần thiết, tổ chức đàng hoàng, tạo thành sân chơi cho các em cũng là điều nên tính đến. Chứ dẹp một cái rầm thì cũng là một cách nói quá dễ, mà vấn đề chưa chắc cấm là được" - bạn đọc Năm Thông (namthong@...) viết.

Cùng ý tưởng, bạn đọc Văn Hoàng (hoangvan@...) viết: Biến thi cử thành những sân chơi giao lưu chia sẻ, thành nơi ôn luyện kiến thức, mở mang sự tìm tòi cũng là điều cần làm. Ví dụ những cuộc thi đố vui để học trước đây tôi từng được tham gia trong nhà trường rất thú vị, có đáng phải bỏ đâu. Trẻ em khao khát hiểu biết, tò mò với thế giới xung quanh, tìm ra được những cuộc thi dạng như vậy để trổ tài, nạp kiến thức... há là điều nên suy nghĩ lắm chứ. 

Bạn đọc Phuong Thuy (kk@...) phân tích: Số lượng học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi chỉ là con số rất nhỏ trong tổng số. Đó là một sân chơi, một sự rèn luyện cho các em, nhờ đó mà các bạn học hành có động lực hơn. Áp lực hay không là do bố mẹ và do thầy cô thôi.

Bạn đọc Phùng Thị Yến (thpthoaan@...) gợi ý: Ở tiểu học nên bỏ hẳn các cuộc thi mang tính trí tuệ. Có chăng thì chỉ là thi vẽ tranh, viết chữ đẹp, múa hát mới giảm được áp lực cho học sinh và phụ huynh hiện nay cả ngày con học ở trường, tối lại chở đến nhà cô học thêm đến 9, 10 giờ khuya. Còn đâu tuổi thơ nữa? Không có thời gian nghỉ ngơi, suốt ngày chỉ vùi đầu vào sách vở và như cái máy. Tôi là giáo viên tiểu học nên rất hiểu học sinh hiện nay chịu áp lực nặng nề về các cuộc thi như: học sinh giỏi toán, tiếng Anh qua mạng và một số cuộc thi khác. 

 

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên