22/01/2006 03:13 GMT+7

Cảm nghĩ cuối năm về "Thời cơ vàng"

DƯƠNG TRUNG QUỐC
DƯƠNG TRUNG QUỐC

TTCN - Đêm cuối cùng của chuyến sang thăm và làm việc tại VN của đoàn nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ là một bữa tiệc chia tay. Ngồi cạnh tôi là hạ nghị sĩ Jerry Costelli.

(Nhân đọc bài của Nguyễn Trung trên Tuổi Trẻ số ra ngày 12 và 13-1-2006)

rIhuaeYl.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển tiếp trợ lý đại diện thương mại Mỹ Dorothy Dwoskin sau khi kết thúc đàm phán ngày 18-1-2006
TTCN - Đêm cuối cùng của chuyến sang thăm và làm việc tại VN của đoàn nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ là một bữa tiệc chia tay. Ngồi cạnh tôi là hạ nghị sĩ Jerry Costelli.

Sau những lời xã giao, hạ nghị sĩ nói với tôi ấn tượng sâu sắc nhất của hai vợ chồng ông chính là sự cởi mở và thân thiện của người VN.

Ông còn cho tôi biết rằng năm 2005 có tới 300.000 người Mỹ qua thăm VN (tôi không rõ con số này có gồm cả những người VN nay đã thành công dân Mỹ?) được coi là một hiện tượng đột biến. Tuy chỉ xếp sau Trung Quốc, nhưng con số này lại không ngừng tăng trong khi số lượng người Mỹ qua Trung Quốc (chừng 800.000) lại đang chững lại. Ông nói rằng ấn tượng của ông chắc chắn cũng là của số đông trong số những người Mỹ đã qua VN. Do vậy những bước tiến trong mối quan hệ giữa hai quốc gia là một đương nhiên có thể nhìn thấy trước.

Câu chuyện của ông Costelli gợi cho tôi nhớ đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh 60 năm trước. Ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, vị Chủ tịch Nhà nước VN đã gửi ra thế giới một thông điệp rất mạch lạc bằng một cách nói rất gần với tiếng nói của nhân dân: “Nước VN mong làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên thế giới. Nước VN không muốn gây sự với ai cả”.

Vậy mà chỉ hơn một năm sau đó, cả nước VN phải dấn thân vào một cuộc chiến tranh mà hẳn hồi đó không ai ngờ rằng nó kéo dài tới 30 năm (1946-1975). Rồi tiếp đó lại phải làm một cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và chủ quyền dân tộc dây dưa đến 15 năm sau (1989) mới thật sự có hòa bình để đổi mới và xây dựng. Ngẫm lại mới thấy rợn người.

Năm 2005, tôi có may mắn chứng kiến trực tiếp hai chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội tại châu Âu và của Thủ tướng Chính phủ tại Bắc Mỹ. Tôi còn nhớ vị quan chức đầu tiên đoàn gặp gỡ là ông phó thị trưởng thành phố Venice (Ý) và câu nói đầu tiên khi ông tự giới thiệu: “Tôi là lớp người thuộc thế hệ VN”. Một vị chủ nhà khác là chủ tịch Hội Hữu nghị Ý của địa phương cũng tự giới thiệu như vậy.

Và trong suốt chuyến đi qua các nước như Bỉ, Thụy Sĩ hay Anh... nhiều lần chúng tôi được nghe những lời tương tự. Quả thật, những ai ở tầm tuổi mà cách đây 30-40 năm là thanh niên thì nay đang ở tuổi chín nhất đối với các chính khách, đó là thế hệ từng sống trong thời kỳ mà cuộc chiến tranh VN đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Còn trong chuyến thăm Bắc Mỹ, thành phố đầu tiên Thủ tướng dừng chân ở Hoa Kỳ là Seattle. Ngoài những quan chức thì người dân đầu tiên đến chào Thủ tướng là cụ Mac Shin năm nay đã ngoài 80 tuổi. Đó là một cựu nhân viên tình báo người Mỹ gốc Hoa, 60 năm trước đã được tướng Chelnault cử đi theo Bác Hồ từ Côn Minh về chiến khu Việt Bắc hợp tác đánh Nhật trong những ngày tiền khởi nghĩa 1945.

Và tại thành phố cuối cùng trước khi kết thúc chuyến thăm Mỹ là Boston, nơi ghi dấu Hồ Chí Minh đã từng sống hơn bảy thập kỷ trước, một trong những người phát biểu cuối cùng là cựu thượng nghị sĩ Mc Govern từng tranh cử tổng thống với Nixon (1972) đã nói rằng cử tri bang Massachusetts rất tự hào và xứng đáng là những công dân ưu tú nhất, vì ngay từ thời kỳ chiến tranh VN đang diễn ra đã ủng hộ ông vì những quan điểm chống chiến tranh của ông ở VN. Tiếp lời ông là nhà doanh nghiệp chủ Tập đoàn IDG cùng họ là Mc Govern (Patrick) thì hô hào “VN là nơi đáng đầu tư nhất trên hành tinh này!”...

Ở châu Âu, qua tiếp xúc tôi được nghe nhận xét rằng VN là quốc gia duy nhất có “trải nghiệm lịch sử” với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nhân tố đang đóng vai nổi trội trong đời sống thế giới ở thế kỷ này. Còn ở Hoa Kỳ thì người ta lại quan tâm đến “trải nghiệm lịch sử” của VN đối với đại diện của “châu Âu cổ điển” (nước Pháp) và với Trung Quốc. “Trải nghiệm lịch sử” được hiểu không chỉ là biết cách thắng trong cuộc chiến mà còn biết ứng xử để biến đối thủ một thời thành đối tác lâu dài. Đúng là trên thế giới khó tìm một trường hợp thứ hai.

Rồi trong suốt năm 2005 vừa rồi, chúng ta chứng kiến rất nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao với hầu như tất cả các cường quốc và các khu vực có ảnh hưởng tới tiền đồ phát triển của VN. Dù còn một số trắc trở nhưng chúng ta đang đi những bước cuối cùng trên đường gia nhập WTO... Và nếu ai tinh ý thì còn nhận thấy rằng đang có một sự “ganh đua một cách tế nhị” của các nước lớn trong quan hệ với VN. Hình như tổng giá trị các hợp đồng đầu tư vào VN được ký kết ở Trung Quốc trong chuyến đi của Chủ tịch nước sau đó lại cao hơn một chút so với những ký kết ở Hoa Kỳ của Thủ tướng trước đó (?).

Nhìn lại thế kỷ vừa đi qua, tôi hay nhắc đến một nhận xét vui nhưng rất nghiêm túc: trong thế kỷ 20 đầy máu lửa, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có năm thành viên thường trực thì VN đã “trót” đụng đầu với ba vị. Mà cho đến nay sự thật đều sáng tỏ VN là một nạn nhân của những cuộc chiến tranh từ nơi khác mang lại.

Từ bốn thập kỷ trước, không phải chỉ các nhà sử học mà tổng thống Pháp khi đó (tướng De Gaulle, 1966) đã nói đến sai lầm của nước Pháp khi dùng chiến tranh can thiệp vào VN như lời khuyên người Hoa Kỳ hãy rút ra khỏi cuộc chiến tranh ở xứ sở này.

Và mới đây thôi, “sự kiện vịnh Bắc bộ” (1964) lại được dư luận Mỹ khơi lại để chứng minh rằng chính những diều hâu trong chính giới Mỹ đã gây ra sự kiện này để lấy cớ can thiệp chứ hoàn toàn không phải vì “Việt cộng gây sự với hạm đội Hoa Kỳ” như một thời họ đã dựng lên... Cũng như với “vấn đề Campuchia” mà cách đây hai thập kỷ được một số nước đem ra làm bằng chứng kết án VN, thì nay lịch sử đã ghi nhận như một đóng góp quyết định tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot...

Những suy nghĩ này tôi đã nói với những người tham dự bữa tối chia tay đó. Giải thích ấn tượng của vợ chồng hạ nghị sĩ J.Costelli về sự thân thiện của người VN, tôi nói rằng trong hoàn cảnh phải đương đầu liên miên với chiến tranh xâm lược, người VN tạo được cho mình một bản lĩnh đặc thù. Nếu đánh mất năng lực biết thân thiện và hòa giải thì VN sẽ tự cô lập mình trong những mặc cảm của quá khứ và không thể có tương lai...

Cảm nghĩ trước thềm năm Bính Tuất này khiến ta lại nhớ đến thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh 60 năm trước để nhắc lại ước vọng muôn đời của dân tộc VN ta là muốn làm bạn với thiên hạ và không muốn gây sự với ai cả. Và quan trọng hơn là đến nay có thể nói rằng lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc VN đứng trước một “thời cơ vàng” là thiên hạ đều đang đưa tay ra với chúng ta, chứ không phải như trước đây, người này chìa ra thì người kia thụt lại, thậm chí còn đưa ra những quả thụi răn đe.

Cũng có thể nói rằng lần đầu tiên VN không có các quốc gia thù địch mà chỉ có những bàn tay đưa ra sẵn sàng hợp tác trong sự đua tranh. Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có đủ bản lĩnh để tận dụng được cơ hội này hay không!

DƯƠNG TRUNG QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên