Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nhắc lại quy định trên của Chính phủ trong hội nghị Tổng kết 5 năm (2010 -2015) công tác xây dựng quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phương hướng nhiệm vụ năm 2015 do Bộ GTVT tổ chức ngày 6-7.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ ngành cần tính toán kỹ để bố trí nguồn vốn cho các mục tiêu trong thời gian tới vì nhu cầu vốn về GTNT, xây dựng nông thôn mới còn rất lớn. Nếu mỗi xã cần 1 tỉ đồng/năm thì cần 9.000 tỉ/ năm trong khi Quốc hội chỉ phê duyệt 5.000 tỉ đồng/năm. Đồng thời chú ý đặc thù từng vùng, đặc biệt miền núi còn nhiều khó khăn để phân bổ vốn.
“Vừa rồi phân bổ vốn 15.000 tỉ đồng cho chương trình mục tiêu Quốc gia đã ưu tiên các xã miền núi gấp đôi so với đồng bằng nhưng chưa ăn thua, nhu cầu vẫn vô cùng lớn”- Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu huy động dân đóng góp xây dựng GTNT cần vừa sức với dân, không nên huy động quá sức dân. Ông nói: “Tôi đã đề nghị Bộ Tài chính với vùng nghèo thì vốn ngân sách phải là chủ yếu, thậm chí 90 %, có nơi phải 100%. Vì vùng nghèo, dân nghèo không thể huy động. Vừa rồi có nơi huy động cả người nghèo, thậm chí trừ vào các khoản mà người nghèo được thụ hưởng. Vô cùng phản cảm. Báo chí đã nêu vấn đề này lên, tôi đã yêu cầu một số nơi kiểm điểm và cũng có kỷ luật mấy chủ tịch UBND xã. Chính phủ đã nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp, thậm chí đã có văn bản yêu cầu các địa phương nếu huy động người nghèo dùng sức để xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có giao thông thì còn tạo điều kiện để người nghèo có thêm thu nhập. Nghèo thì lấy đâu ra mà đóng góp?".
Theo Phó Thủ tướng, việc phân bổ vốn hỗ trợ từ trung ương đến tỉnh, tỉnh xuống huyện, xã phải hết sức rõ ràng, vùng nghèo phải được nhiều hơn. “Bởi vì nếu đưa cho vùng nghèo 50 tấn xi măng tương đương 50% giá trị làm đường thì một nửa còn lại họ không huy động dân thì lấy đâu ra mà làm? Không làm thì tiếc rẻ một nửa đã được phân bổ nên buộc người ta phải huy động từ dân. Cho nên tỉnh, huyện ở vùng nghèo mà đưa về 90 % thậm chí 100% nguồn lực thì người ta không huy động dân nữa”.
Về việc xây dựng đường GTNT, Phó Thủ tướng cũng đề nghị việc gì dân làm được thì giao cho dân làm. “Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc này nhưng có địa phương quên thì kiểm điểm lại. Công trình dự án vừa sức dân thì giao cho dân làm, tỉnh sẽ hướng dẫn chi tiết và đưa ra danh mục giao cho dân...Vì dân người ta làm rẻ bằng 2/3 so với nhà nước làm (có nơi nói một nửa). Dân làm rẻ hơn, chất lượng hơn, bảo quản tốt hơn thì đề nghị các địa phương giao cho dân làm”- ông Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo xuống tỉnh hỗ trợ cho địa phương về kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật để đường tốt hơn khi người dân tự làm.
Báo cáo tại hội nghị, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay cả nước có 492.892 hệ thống đường GTNT (đường từ huyện trở xuống), tăng 217.433km so với năm 2010. Tổng vốn huy động cho GTNT đạt 186.194 tỉ đồng (vốn đóng góp của dân chiếm 15,4%). Qua thực tế nhiều địa phương, nhiều khu dân cư đã có những sáng kiến, cách làm được người dân đồng thuận tham gia, tự nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công cùng với sự hỗ trợ của địa phương để triểu khai xây dựng đường GTNT...
Theo ông Thể đến nay cả nước còn có 65 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm (giảm 86 xã so với thời kỳ 2001-2009). Mục tiêu đến năm 2020 ngoài việc hoàn thành các chỉ tiêu về nhựa hóa, bê tông xi măng hóa 100% đường xã sẽ xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã còn lại, trừ các nơi vượt sông lớn hoặc nằm ở địa hình phức tạp, chi phí đầu tư lớn, không khả thi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận