19/04/2019 16:22 GMT+7

Cảm hứng yêu nước và đề tài chiến tranh ở giải thưởng VHNT TP.HCM

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Phim tài liệu Đội cận vệ A6 anh hùng, vở nhạc kịch Tiên Nga, phim Thiên mệnh anh hùng... đã được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ 2.

Cảm hứng yêu nước và đề tài chiến tranh ở giải thưởng VHNT TP.HCM - Ảnh 1.

Vở nhạc kịch Tiên Nga lấy cảm hứng từ tác phẩm yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu - giải nhất chuyên ngành Sân khấu - Ảnh: L.Điền

TP.HCM vừa tổ chức lễ trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ 2 (2012 - 2017) vào sáng 19-4 tại Nhà hát Thành phố với sự tham dự của đông đảo văn nghệ sĩ thuộc 9 hội chuyên ngành nghệ thuật.

Điểm nổi bật của các giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thành phố lần này là cảm hứng yêu nước và đề tài chiến tranh vẫn là nội dung nổi trội trong các tác phẩm. Đây có lẽ cũng là nguồn cảm hứng tại khắp các hội chuyên ngành, khi tác phẩm của mỗi nghệ sĩ được xem là tiêu biểu trong quá trình lao động nghệ thuật suốt thời gian qua.

[Trailer] Nhạc Kịch "TIÊN NGA"

Có thể kể đến Công trình kiến trúc Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa của KTS Nguyễn Ngọc Dũng (chuyên ngành Kiến trúc); là tượng đồng Chân dung nhà thơ (chuyên ngành Mỹ thuật) khắc họa chân dung nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân - tác giả bài Dáng đứng Việt Nam bất hủ.

Hay như vở nhạc kịch Tiên Nga (chuyên ngành Sân khấu) với thiết kế sân khấu hoành tráng và ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, lấy cảm hứng yêu nước từ các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu.

Đó còn là phim tài liệu Đội cận vệ A6 anh hùng (chuyên ngành Điện ảnh); là hai trường ca Giữa ngày và đêm của Phạm Sỹ Sáu, Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, là truyện ký Ở R - Chuyện kể sau 50 năm của Lê Văn Thảo (chuyên ngành Văn học)...

[Trailer HD] THIÊN MỆNH ANH HÙNG - Phim cổ trang Việt Nam chiếu Tết 2012

Và còn là tổ khúc múa Tổ quốc (chuyên ngành Múa) với sân khấu quy mô, ngôn ngữ hình thể độc đáo, tạo ấn tượng nghệ sĩ và công chúng tiếp cận ở cự ly gần; là ca khúc Guitar lính đảo của Nguyễn Quang Vinh và Lời Bác sáng Biển Đông của Trần Long Ẩn (chuyên ngành Âm nhạc)...

Cảm hứng yêu nước và đề tài chiến tranh ở giải thưởng VHNT TP.HCM - Ảnh 4.

Con trai cố nhà văn Lê Văn Thảo (thứ 2 từ trái) lên nhận giải thay cha - Ảnh: L.Điền

Theo quy trình giải thưởng 5 năm lần thứ hai, thời gian kết thúc vào năm 2017 nhưng vì một số khâu tổ chức cần hoàn thiện thêm, nên giải trao vào năm 2019. Giải Văn học Nghệ thuật TP.HCM có thâm niên từ năm 1995 với quy mô lúc bấy giờ trao 2 năm 1 lần. Đến năm 2005 thay đổi quy mô thành 5 năm 1 lần.

Phát biểu tại lệ trao giải, nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Chung khảo Giải thưởng VHNT TP.HCM 5 năm lần thứ 2 cho rằng đây là giải thưởng cao quý của thành phố, nhằm tôn vinh những sáng tạo của văn nghệ sĩ trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật.

"Các tác phẩm văn học nghệ thuật được trao giải hôm nay đã phản ánh khá toàn diện về sự phát triển của văn học nghệ thuật và nỗ lực sáng tạo không ngừng của văn nghệ sĩ thành phố"

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn

Cảm hứng yêu nước và đề tài chiến tranh ở giải thưởng VHNT TP.HCM - Ảnh 6.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong (thứ 2 từ trái) nhận giải nhất cho bộ ảnh Vượt qua bóng tối - tác phẩm tương đương một phóng sự về muôn mặt đời sống của người khiếm thị - Ảnh: L.Điền

Chia sẻ với nhận định này, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - nêu nhận xét: "Qua kết quả của nhiều lần xét giải (cả 2 năm và 5 năm), có thể thấy các tác phẩm được vinh danh tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM đều là những sáng tác có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh đa dạng các đề tài: lịch sử dân tộc, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, công cuộc đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; cũng như lịch sử hào hùng, truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, động viên tinh thần năng động, vượt khó trong lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thành phố".

Ông Liêm cũng chú trọng đến khâu quảng bá các tác phẩm đoạt giải, là phần công việc cần thiết để đưa tác phẩm VHNT đến với đông đông đảo công chúng.

Danh sách các tác giả và tác phẩm đoạt giải nhất VHNT TP.HCM 5 năm lần 2:

Chuyên ngành Kiến trúc: Công trình ngoại thất Quảng trường đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM (KTS Nguyễn Trường Lưu);

Chuyên ngành Mỹ thuật: không có giải nhất, hai giải nhì gồm: 1/ Tượng đồng Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Lê Lang Biên); 2/ Tranh sơn dầu Bình Lợi ngày mới (Nguyễn Trọng Hoàn);

Chuyên ngành Sân khấu: Nhạc kịch Tiên Nga (Đơn vị: Công ty TNHH Sân khấu nghệ thuật Thái Dương; tác giả hợp soạn: NSND Năm Châu, NSƯT Thành Lộc, Hồng Dung, Nguyễn Thị Minh Ngọc; Đạo diễn: NSƯT Thành Lộc; Âm nhạc: Đức Trí).

Chuyên ngành Điện ảnh: Phim truyện điện ảnh Thiên mệnh anh hùng (Đơn vị: Phương Nam phim, Saiga Films, Công ty TNHH BHD; Tác giả: Hồng Phúc, Đoàn Nhật Na, Victor Vũ; Đạo diễn: Victor Vũ - Đạo diễn hình ảnh: Nguyễn K’Linh).

Chuyên ngành Văn học - Lý luận phê bình: Ở R - Chuyện kể sau 50 năm (Văn học); 2 giải nhì ngành Lý luận phê bình gồm: 1/ Công trình sách điện ảnh Phương pháp phê bình điện ảnh (PGS. TS. Trần Luân Kim); 2/ Công trình sách mỹ thuật Mỹ thuật TP.HCM - Một thoáng hôm nay một chút xưa (họa sĩ Huỳnh Văn Mười).

Chuyên ngành Nhiếp ảnh: Bộ ảnh Vượt qua bóng tối (Trần Thế Phong).

Chuyên ngành Múa: Vở tổ khúc múa Tổ quốc (Đơn vị: Trường Múa TP.HCM; Tác giả: NSND Hà Thế Dũng; Biên đạo: NSND Hà Thế Dũng, NSƯT Tạ Thùy Chi, Nghệ sĩ Lương Xuân Thành).

Chuyên ngành Âm nhạc: Ca khúc Lời Bác sáng Biển Đông (Trần Long Ẩn).

​Hỗ trợ 90 tỉ mỗi năm cho văn học nghệ thuật ​Hỗ trợ 90 tỉ mỗi năm cho văn học nghệ thuật

TTO - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Theo đó sẽ có khoảng 200 căn hộ cho các nghệ sĩ khó khăn...

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên