Hai tập sách mới của cố nhà văn Lê Văn Thảo và nhà văn Lê Giang - Ảnh: L.Điền
Chiến tranh Việt Nam quả tình còn nhiều điều chưa nói hết, nên mặc dù cuộc chiến đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những ám ảnh từ hồi ức người trong cuộc vẫn có sức cuốn hút người đọc hôm nay lần lại những năm tháng chiến tranh với nhiều góc khuất bất ngờ.
Một phần lịch sử "bỏ qua rất uổng"
Nhiều người biết đôi vợ chồng nhà văn, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang qua mấy chục năm miệt mài sưu tầm văn nghệ dân gian, nhưng hẳn không dễ nghe nhà văn Lê Giang kể về cái đêm "định mệnh" khiến từ thân phận tiểu thư con gái một điền chủ nổi tiếng ở Gành Hào, đã được hai người tá điền hỗ trợ làm một cuộc liều lĩnh bỏ nhà... theo cách mạng.
Cuộc đời lênh đênh khắc nghiệt cũng bắt đầu từ đó.
Bỏ qua rất uổng của Lê Giang được định danh là tản văn - bút ký, với cách viết ngắn gọn như một kiểu ngắt ngang dòng hồi ức hoặc tâm sự nhẩn nha chuyện đời, dẫn người đọc hôm nay về lại một quá khứ kỳ lạ của tác giả.
Đọc thiên bút ký tự thuật Cuộc chạy trốn cầu âu, thấy cuộc chiến tranh tràn qua phận người phụ nữ chân chất có nhiều trường đoạn thật lạ kỳ.
Tác giả có cách kể chuyện chân phương giọng Nam Bộ hiền từ, nhưng đằng sau những dáng hình câu chữ thản nhiên kia là cả nội lực của một người từng trải. Lịch sử cũng hiện ra tự nhiên chân thực bằng kiểu thức đó.
Đọc văn của bà, lúc đầu cảm tưởng như mình đang đọc một câu chuyện đời riêng, thế rồi bất ngờ lọt vào một không gian đa chiều, mang lại cho độc giả một cơn chấn động khi nhận ra câu chuyện đang được tác giả thản nhiên rủ rỉ rù rì kể lại kia là một phần lịch sử khốc liệt.
Thế rồi đến lúc hòa bình, chuyện đời hiện ra dưới mắt của một người nghệ sĩ đa cảm sâu sắc như Lê Giang lại khiến người đọc chạnh lòng trước những đổi thay.
Bà má mấy chục năm làm bạn với cái ô trầu, vậy mà "Sài Gòn giải phóng mới có mấy tháng, má dẹp mất tiêu cái ô trầu, để môi miệng nhợt nhạt.
Cái ô trầu hủ hỉ tâm sự buồn vui với má có hơn nửa thế kỷ qua. Hỏi sao vậy má? Má nói trầu cau mắc quá...". Những chuyện đời như thế, nếu không đọc thì "bỏ qua rất uổng".
Một thời thanh xuân khốc liệt
Ở R - chuyện kể sau 50 năm của cố nhà văn Lê Văn Thảo lại có một tầm vóc khác. Hồi ức về một thời thanh xuân khốc liệt từ thân phận học trò "thư sinh mặt trắng" thoắt cái đi vào chiến khu, trở thành người thông thạo ở R, rành rẽ các đường rừng từ Đồng Tháp Mười lên đến miền Đông Nam Bộ... được tác giả kể lại tỉ mẩn nhẹ nhàng như một cơn gió vô tình cuốn ông vào gầm trời khốc liệt của nước non. Khốc liệt vậy mà ông vẫn tỉnh khô.
Tự lao vào cuộc chiến chỉ vì muốn sống cùng người lính đánh trận, chứng kiến chiến tranh hiện ra bằng bộ mặt thật của nó, ông trở thành người lính dạn dày bom đạn từ lúc nào.
Đọc Lê Văn Thảo, thấy ông biết nhiều quá, mà lại viết kiệm lời quá, đọc xong gấp sách lại bắt gặp dòng chữ ở bìa cuối "dành khoảng trống cho người đọc" ông viết như một suy nghĩ về nghề văn, mới à lên vỡ lẽ. Khái niệm "người đọc" ở đây chắc ý ông muốn mở rộng đến nhiều thế hệ độc giả sau này, gồm luôn cả những nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam.
Bởi đọc ông, phát hiện nhiều đề tài còn chưa ai đụng tới, như chiến trường Nam Bộ có một vùng đất bên ta gọi là Ba Thu, bên kia gọi là Mỏ Vẹt; đề tài về giao liên với định lượng: một phần ba thời gian kháng chiến là đi trên đường; đề tài "móc gia đình" của chiến tranh Việt Nam: người tập kết trở về móc gia đình ra sao, người trong R móc gia đình ra gặp mặt thế nào...
Những chuyện như vậy rất nên được thâu thập tư liệu, nghiên cứu tiếp. Nếu được vậy, ở bên kia thế giới, hẳn ông cũng mỉm nụ cười quen thuộc mà bạn bè dù quen đến mấy cũng không biết ông hài lòng đến đâu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận