22/10/2016 00:12 GMT+7

Nhà văn Lê Văn Thảo đã thong thả 'lên núi thả mây'

BÍCH NGÂN
BÍCH NGÂN

TTO - Lên núi thả mây, Lê Văn Thảo có một tập truyện tên gọi như thế, như chính ông bây giờ, rồi sẽ thong thả đâu đó, lên núi thả mây, thả hết nhọc nhằn, vướng bận...

*** Error ***
Nhà văn Lê Văn Thảo


Gần đây, khi nhà văn Lê Văn Thảo lâm trọng bệnh, nhiều lần tôi cùng vài người bạn đến thăm ông, lần nào chúng tôi cũng được nghe ông kể chuyện.

Dù đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, ông vẫn ngồi thẳng thớm trên ghế salon, vẻ mặt tươi tỉnh và vẫn cái duyên kể chuyện trở nên quen thuộc đối với nhiều người.

Ông lôi cuốn người nghe không chỉ bằng cái cách kể, bằng câu chuyện được kể, mà có lẽ cái chính là cách nhìn, cách cảm, cách ưu tư của người kể chuyện. Những câu chuyện không chỉ về văn chương, về bè bạn thân quen trong giới văn chương nghệ thuật.

Những câu chuyện lớp lang dông dài rốt cùng cũng đi tới cốt lõi của cái thật. Cái thật của khoảnh khắc, cái thật của tình huống, cái thật của một con người trong vòng xoáy chiến tranh, vòng xoáy thời cuộc.

Trong vòng xoáy ấy, cũng như những nhà văn có tầm vóc lớn, hành trình sáng tạo của nhà văn Lê Văn Thảo cũng hết sức nhọc nhằn.

Tuy sớm gây dấu ấn trên văn đàn ở thể loại truyện ngắn, thành công với nhiều tiểu thuyết và góp phần làm bừng sáng gương mặt văn chương không chỉ của vùng đất Nam bộ, nhưng khi đọc Những năm tháng nhọc nhằn (quyển tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Lê Văn Thảo, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ, 2014) mới nhận rõ hơn tâm thế cũng như tâm trạng mà nhà văn Lê Văn Thảo cũng như bè bạn cùng thế hệ ông nếm trải.

Cũng trẻ như những người trẻ trong Những năm tháng nhọc nhằn, nhà văn lúc đó là một sinh viên Sài Gòn cuối những năm 1950.

Nhưng khác với nhân vật của mình, ông rời thành thị vào bưng biền theo con đường cách mạng. Còn bè bạn ông tiếp tục làm cách mạng ngay giữa lòng thành thị với những gian nguy không kém gì ông.

Quyển tiểu thuyết khá mỏng nhưng dày dạn tình tiết. Có tình tiết lồ lộ đường nét, hình khối, sắc màu, âm thanh. Có tình tiết lặn sâu vào tình cảm, chìm khuất trong tâm hồn, để lại trong lòng người đọc nỗi ám ảnh thân phận và ám ảnh về sự khốc liệt của cuộc chiến âm ỉ trong lòng thành thị.

Và năm rồi, đúng ngày sinh nhật của mình (ngày 1-10), nhà văn Lê Văn Thảo gửi cho NXB Văn Hóa - Văn Nghệ bản thảo tập truyện ngắn Nhỏ con, có chịu thôi đi không?.

Cũng như nhiều tác phẩm khác của ông, từng truyện ngắn trong tập truyện không dừng lại việc mô tả sự khốc liệt của chiến tranh và hậu quả cuộc chiến, với những mảnh bom và những phận người sau chiến tranh cùng những tàn dư sót lại khi cuộc chiến đã kết thúc.

Với tập truyện mới này, ông đi xa hơn và dường như ông riết róng hơn, quyết liệt hơn khi muốn khơi gợi, muốn mở rộng cuộc đối thoại vẫn chưa kết thúc. Một cuộc đối thoại lớn về số phận con người.

Khi đọc xong tập truyện ngắn, tôi nhớ, đêm cũng đã khuya nên tôi không gọi mà nhắn vào điện thoại của nhà văn: “Đây là tập truyện hay mà BN rất thích”.

Tôi liền nhận được tin trả lời: “Đó là điều khích lệ rất lớn đối với anh, trong lúc này!”.

Đọc dòng chữ trên điện thoại, nước mắt tôi ứa ra. Tôi biết, “trong lúc này” là lúc nhà văn đang vật lộn với cơn đau, lúc không thể viết được nữa, trong khi còn biết bao điều ấp ủ cần được viết.

Viết không chỉ vì niềm đam mê chữ nghĩa, mà viết còn vì, nói như nhà văn Trang Thế Hy, “vết thương thứ mười ba”, viết vì món nợ đối với biết bao máu xương của đồng đội, của đồng bào, của cả dân tộc này.

Lần tôi đến thăm nhà văn Lê Văn Thảo gần đây nhất, tôi hết sức bất ngờ khi nghe ông nói: “Ngoài Hà Nội sắp in quyển sách Ở R, chuyện kể sau năm mươi năm. Khi sách ra, em viết đính chính giùm anh”.

Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, nhà văn cho biết luôn đó là tác phẩm ông được Nhà nước đặt hàng viết và được in luôn. Ông bảo ông mới viết thô thôi nhưng giờ thì không thể còn sức để chỉnh sửa, trau chuốt nên sẽ còn nhiều lỗi, “phải có nói vài lời để người đọc biết”.

Ở R, chuyện kể sau năm mươi năm đã in thành sách chưa, tôi không rõ. Tôi được đọc tập ghi chép của nhà văn Lê Văn Thảo qua file bản thảo với hơn 60.000 chữ.

Giống như truyện kể về mình và bè bạn làm văn học nghệ thuật từng sống, chiến đấu và sáng tác ở chiến khu D, ở cánh rừng miền Đông Nam bộ, ông viết sinh động như chính cuộc sống đầy hào hùng mà cũng lắm ưu tư của người vừa cầm bút vừa cầm súng trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Sau lần gặp cuối cùng đó, ông còn gửi cho tôi một bản thảo dở dang, một bản thảo tiểu thuyết mà khi gửi qua email cho tôi, ông viết: “Tiểu thuyết này đã ấp ủ và viết hơn mười năm rồi, giờ đành bỏ dở”.

Đó là bản thảo tiểu thuyết Đồng Tháp Mười mà nhà văn Lê Văn Thảo đã viết được hơn 90.000 chữ. Một tiểu thuyết mang yếu tố tự truyện. Một quyển tiểu thuyết viết về một vùng đất nhưng đầy nỗi ưu tư về số phận con người.

Giờ ông đi rồi, cuốn tiểu thuyết 10 năm ông ấp ủ thành dang dở, mãi mãi...

*** Error ***
"Nhà văn Lê Văn Thảo ra đi, Nam bộ và cả nước mất một nhà văn đương đại..."


Nhà văn Lê Văn Thảo - cây bút văn xuôi Nam bộ nổi tiếng từ thời chiến tranh - trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng lúc 1g ngày 21-10 sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư.

Hồi tháng 4 năm nay, trước tình hình sức khỏe của ông diễn biến không tốt, những bạn văn, đồng nghiệp và Hội Nhà văn TP.HCM có tổ chức một tọa đàm để mọi người cùng nhắc lại những gì Lê Văn Thảo đã sống và đã viết.

Cuộc đời sáng tác và đặc biệt là cách sống chan hòa, cách gắn bó nhiệt tình với anh em văn nghệ sĩ đã khiến nhiều bạn văn yêu mến ông cả trong và ngoài trang viết.

Ông Trần Văn Tuấn - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - bày tỏ: "Nhà văn Lê Văn Thảo ra đi, Nam bộ và cả nước mất một nhà văn đương đại. Chỗ giao tình thân thiết thì tôi mất một người bạn văn thân mến.

Nhất thời nhớ đến anh, tôi lại nhớ đến kỷ niệm năm 2014 cùng nhau đi dự Giải thưởng văn học Mekong tại Siêm Riệp, Campuchia, tôi và anh có dịp ngồi lại với nhau, ôn lại những kỷ niệm quá khứ, nhiều câu chuyện xúc động.

Cả tôi và anh đều là những người lính từ chiến tranh đi ra, nên tôi coi anh như một đồng đội, hết sức chân tình. Và tôi với anh qua lần tâm sự ấy, đã đồng cảm với nhau, chia sẻ được với nhau rằng những nhà văn từ chiến tranh đi ra thì rất coi trọng câu chuyện ân nghĩa, tình người.

Bởi từ sống chết trở về với trang viết, nhà văn thường có điểm chung là luôn nhớ đến tình người, đấy cũng là một nội dung văn chương mà các thế hệ cây bút sau này sẽ còn tiếp tục".

Hiện linh cữu nhà văn Lê Văn Thảo quàn tại nhà riêng (162/5 đường Bình Lợi, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Lễ truy điệu lúc 6g ngày chủ nhật 23-10; đến 6g30 cùng ngày làm lễ động quan và đưa đi an táng tại nghĩa trang TP, Q.Thủ Đức (Lam Điền)

BÍCH NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên