03/03/2016 17:42 GMT+7

Truyện Lê Văn Thảo: ly kỳ và lôi cuốn

T.N.T.
T.N.T.

TT - "Nhỏ con, có chịu thôi đi không?" là tập truyện mới nhất của nhà văn Lê Văn Thảo vừa được NXB Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành.

Ảnh: T.N.T.
Ảnh: T.N.T.

Tập truyện như một “thực đơn tự chọn” mà nhà văn muốn mời bạn đọc cùng thưởng thức.

Mảnh sót lại của chiến tranh, Đứa con bị bắt cóc, Khắp ngả đường rừng, Ai mua mật ong không?, Nhỏ con, có chịu thôi đi không?... là những truyện ngắn quen thuộc, đánh dấu tài năng và đậm phong cách Lê Văn Thảo.

Đó là lối viết kể xen kẽ tả, lúc thong thả, lúc dồn dập, khi bùi ngùi, khi hài hước... Mỗi truyện như một món ăn, dù không phải cao lương mỹ vị, nhưng vẫn ngon lành bởi bản vị tươi ròng, được chế biến bởi một đầu bếp tài hoa, giàu cảm xúc.

Trong tập truyện này có những truyện ngắn rất đặc sắc như truyện Bốn con đường đi xuống biển. Chuyện kể về một nhóm bạn gồm bốn chàng trai trẻ, hay cùng nhau rong ruổi trên những cung đường.

Có một con đường chính từ Đà Lạt xuống biển Phan Thiết, nhưng bốn lần đi họ ngẫu hứng rẽ trái theo những con đường nhỏ khác nhau.

Trong bốn lần rẽ, họ gặp bốn câu chuyện khác nhau. Ở lần rẽ thứ hai, họ muốn ghé qua chỗ dừng lần một, nhưng rồi bỏ qua.

Trong lần rẽ thứ ba, họ muốn ghé chỗ dừng lần hai, nhưng rồi bỏ qua. Lần rẽ thứ bốn, họ muốn ghé ngang chỗ đã dừng lần ba, nhưng rồi cũng bỏ qua.

Thế rồi, cho đến khi tuổi già, có cháu nội cháu ngoại, họ chợt muốn quay trở lại chỗ đã dừng lần thứ bốn để gặp một người.

Đó là một nữ tu trẻ tuổi, mà lần đó đã rời chùa đi nhờ xe họ trở về nhà. Cũng là một người gặp tình cờ, nhưng họ thấy cần gặp lại, vì không thể cứ “cho qua” mọi thứ như vậy. Nhưng rốt cuộc thì cuộc gặp đó diễn ra như thế nào?

Có một truyện của Lê Văn Thảo ít được nhắc đến, nhưng đó có lẽ là truyện hay nhất của ông: truyện dài Hòn Sơn Rái. Cái “hòn” nhỏ bé nằm giữa quần đảo Nam Du và đảo Hòn Tre (Kiên Giang), nơi vốn tương truyền Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn dồn đuổi đã trôi dạt đến đây (vào năm 1777), đã được Lê Văn Thảo “phục dựng” lại với những câu chuyện rất lạ lùng.

Như một người vừa viết huyền thoại vừa giải huyền thoại, Hòn Sơn Rái vừa có tính chất là một khảo cứu phong tục, vừa đậm hư cấu văn chương, vừa thấy đó như những thước phim tài liệu vừa ao ước được dựng thành một phim truyện.

Chuyện giếng vua, chuyện cột buồm “đon cà đôn”, chuyện “cúng cô hồn” kiểu thả bè trôi biển, chuyện những người Pháp đầu tiên... Toàn những chuyện ly kỳ, lôi người đọc đi một cách không cưỡng được.

T.N.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên