24/10/2014 06:05 GMT+7

​Cảm hóa trò bằng nghị lực và âm nhạc

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)

TT - Nghe đứa cháu đi học nhạc với bạn bè về ca tụng một thầy giáo khuyết tật nhưng giỏi giang, tận tình, tôi ngấm ngầm ngưỡng mộ và tìm đến thăm.

Thầy Nguyễn Tư dạy đàn cho một học sinh - Ảnh: Bích Nhàn
Thầy Nguyễn Tư dạy đàn cho một học sinh - Ảnh: Bích Nhàn

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với người thầy không đứng trên bục giảng đã giúp tôi - một cô giáo - có thêm nghị lực để vượt khó và thêm yêu nghề giáo.

Giáo dục nhân cách con người

Dạy nhạc để mưu sinh đã đành, nhưng với thầy Nguyễn Tư, vấn đề không đơn thuần chỉ là tiền bạc. Có những em hoàn cảnh khó khăn, đang học nửa chừng thì xin nghỉ vì chuyện tiền nong, thầy sẵn sàng giữ em lại và chỉ bảo tận tình. Học trò nào học tập hiệu quả, ra đời “thành nghề” thầy Nguyễn Tư đều mừng.

Thầy bảo mừng nhất là sự “thành nghề” của những em thuộc đối tượng cá biệt, bị gia đình và xã hội xem như “có vấn đề”.

Theo thầy Nguyễn Tư, âm nhạc có khả năng tốt trong việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách con người. Thầy nói: “Tôi tin âm nhạc đích thực có khả năng “làm hiền” con người. Bằng chứng là rất nhiều học trò thuộc nhóm “nguy cơ cao” theo học nhạc chỗ tôi một thời gian đều “hiền” đi”.

Bị tật hai chân, phải ngồi xe lăn từ nhỏ nhưng niềm đam mê và ý chí kiên cường đã biến một chàng trai khuyết tật - những tưởng sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội - thành một nhạc công; biến một người chưa từng biết đến trường lớp được nhiều thế hệ tôn kính gọi là thầy...

Người thầy đặc biệt đó là thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Tư, nhà ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, Đông Hòa, Phú Yên.

Sinh ra với đôi chân tật nguyền, nhưng may thay trời lại phú cho Nguyễn Tư một "đôi tay vàng”. Đôi tay vừa khỏe mạnh vừa linh hoạt, giúp xử lý nhanh nhẹn, gọn gàng mọi việc. Bằng nghị lực và niềm đam mê, thầy Nguyễn Tư đã chiến thắng số phận. Thầy không là gánh nặng mà ngược lại đã sống thật hữu ích.

Thật sự được cầm đến cây guitar năm 14 tuổi, thầy Nguyễn Tư “khởi nghiệp” bằng việc theo học một nhạc công chuyên chơi nhạc cho các phòng trà. Rồi sau đó thầy mày mò tự rèn luyện, tự nâng cao “tay nghề” bằng cách nghe băng đĩa và lăn mình tham gia các show diễn quần chúng bất cứ khi nào có thể.

Để đọc được các tài liệu âm nhạc, thầy Nguyễn Tư phải tự học đọc, học viết. Và đến bây giờ, không ai biết bằng cách nào mà thầy Nguyễn Tư đã xoay xở đọc được, viết được dù chưa một ngày đến trường! 

Rồi cây đàn organ điện tử xuất hiện. Nhận ra tiềm năng tương lai của loại nhạc cụ này, thầy Nguyễn Tư đã “liều mình”... mua cây đàn organ Yamaha 330 về tự học.

Bằng năng khiếu bẩm sinh, bằng niềm đam mê âm nhạc, sau một thời gian thầy Nguyễn Tư đã làm chủ được các phím nhạc trên cây đàn organ.

Mười mấy năm lăn lộn với nghề, từ vài môn sinh mến mộ tài năng xin theo thọ giáo ban đầu, đến giờ lớp học nhạc của thầy Nguyễn Tư đã hoạt động ổn định, thường xuyên với số lượng học trò không lúc nào dưới 20.

Hết lớp này ra đến lớp khác vào, công việc chính của thầy Nguyễn Tư bây giờ là dạy nhạc. Học trò tìm đến thầy học nhạc không chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực Đông Hòa mà còn vượt ra ngoài huyện, thậm chí ngoài tỉnh và cả... người Việt ở nước ngoài (thầy dạy online, sử dụng chức năng video chat trong chương trình Yahoo! Messenger).

Học viên có cả người lớn tuổi nhưng phần lớn là giới trẻ: từ sinh viên, học sinh đến những thanh niên - nông dân bỏ học ra đời sớm... Các học viên chủ yếu học đàn organ hoặc guitar, nhưng thầy Nguyễn Tư cũng nhận luyện tiết tấu, xướng âm và thậm chí cả thanh nhạc cho bất cứ ai có nhu cầu.

Đến thăm lớp nhạc, nhìn cảnh thầy Tư hướng dẫn, giảng giải chuyên môn cho học viên là sinh viên, học sinh chuẩn bị thi bộ môn năng khiếu vào các trường nhạc hoặc thoăn thoắt gõ, chỉnh sửa, in ấn các tài liệu trên máy tính không ai dám nghĩ rằng ông thầy ấy chưa từng có một ngày đến trường, đến lớp.

Chưa nói đến kỹ năng chuyên môn, ngay nghị lực, niềm đam mê và thái độ nghiêm túc đối với nghệ thuật của thầy Nguyễn Tư cũng đã cho học sinh một bài học lớn, buộc các em phải cố gắng hết mình - tôi đã nghĩ như vậy sau lần “dự giờ” đột xuất ở nhà thầy.

Mời bạn đọc tham gia viết về chủ đề 20-11

Chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” kính mời quý bạn đọc tham gia viết bài cho chuyên mục nhân Ngày nhà giáo VN 20-11 với chủ đề “Mái trường dấu yêu”.

Bài viết có thể là những câu chuyện có thật về tình thầy trò, tấm gương đạo đức của thầy cô giáo không quản khó khăn trong sự nghiệp trồng người, câu chuyện về học trò vươn lên trong học tập... cũng như những kỷ niệm không quên dưới mái trường tiểu học, THCS, THPT và giảng đường ĐH.

Bài vở vui lòng gửi về địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư, tiêu đề mail xin ghi rõ “Bài viết tham dự 20-11” cùng họ tên tác giả, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng.

Mời bạn đọc tham dự.

TUỔI TRẺ

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên