18/03/2015 13:30 GMT+7

Nhà tôi không cấm con xài Internet hay xem tivi

ĐÀM HÀ PHÚ
ĐÀM HÀ PHÚ

TTO - Có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề "khi con cắm mặt vào màn hình", cá nhân tôi thì không chọn phương án cấm đoán.

Trẻ nhỏ thường bị hấp dẫn bởi nhiều trò chơi trên iPad - Ảnh: Châu Anh

Cấm trẻ con tiếp xúc với game, máy tính, Internet, truyền hình cáp như thế nào, khi ngày nay đó là những phương tiện giải trí chủ yếu của mọi người, đặc biệt là cư dân đô thị? Và nếu cấm thì phương án nào đưa ra để thay thế?

Có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này, cá nhân tôi thì không chọn phương án cấm đoán.

Nhà tôi có hai bé, bé gái lớn 14 tuổi và bé trai 6 tuổi, cả hai đều rất rành và dành nhiều thời gian rảnh cho máy tính hoặc truyền hình cáp.

Bé lớn đã có máy tính riêng kết nối Internet và máy in từ mấy năm nay, bé sử dụng thành thạo để chơi game, lên mạng hoặc chuẩn bị bài vở.

Bé trai nhỏ cũng sử dụng iPad kết nối mạng để chơi game, coi hoạt hình mỗi khi rảnh rỗi.

Nhưng cả hai bé nhà tôi đều không quá nghiện hoặc lệ thuộc vào các thiết bị này, không đến mức như mọi người cảnh báo.

Chúng tôi không hạn chế các bé, thậm chí còn hướng dẫn con cách sử dụng, kết nối, download, cài đặt…, gợi ý cho bọn trẻ những thứ nên xem, thậm chí cùng xem, cùng chơi với chúng.

Dù có tất cả những thiết bị đó trong nhà nhưng vợ chồng tôi luôn tạo ra không gian để cả nhà cùng vui chung như đi bơi, đi công viên, đi chơi cuối tuần.

Hai bé nhà tôi đều bơi giỏi, biết bơi từ rất sớm và đặc biệt thích bơi, thích chơi trong công viên, thích đi nhà sách và bãi biển hơn ngồi trước tivi hay máy tính.

Đó là điều chúng tôi nhận thấy ở con mình và chiều bọn trẻ thật đơn giản, cứ đưa ra nhà sách, ra công viên, cùng chơi, cùng đọc sách hoặc cùng bơi với chúng.

Vừa giúp chúng có thời gian vận động, giao tiếp, vừa có thời gian để cha mẹ con cái cùng chơi, cùng chia sẻ mọi thứ với nhau. Lễ tết có thể đưa chúng về quê, đi chơi xa, cùng đi câu… để có thời gian tìm hiểu cuộc sống thực tế xung quanh và tích lũy kinh nghiệm sống.

Như bé gái lớn của chúng tôi đã tự hào vì chỉ mới 14 tuổi nhưng bé đi gần trọn nước Việt Nam và bốn quốc gia láng giềng.

Việc không cấm các bé tiếp xúc với Internet còn có cái lợi là mỗi ngày, khi cùng con lên mạng hay xem truyền hình, chúng tôi có điều kiện giải thích với bé điều gì đúng, điều gì sai, cái gì lợi, cái gì hại, dần dà bé có thói quen chọn lọc thông tin trên mạng một cách hợp lý. Như bé lớn trình độ coi phim tiếng Anh rất cao, coi bản gốc và nghiện các phim chất lượng, có hàm lượng nghệ thuật sáng tạo cao.

Ngoài ra, đối với việc học tập của mình, bé đã khai thác được tài nguyên kiến thức vô tận của Internet, dùng đó làm phương tiện giải trí hiệu quả như đọc sách, nghe nhạc.

Dĩ nhiên chưa thể nói hết việc cấm hay không cấm trẻ tiếp xúc nhiều với máy tính, Internet và truyền hình cáp thì cái nào lợi, cái nào hại, nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng chủ yếu vẫn là cha mẹ.

Nếu chúng ta không dành thời gian cho trẻ, không chơi cùng, không tìm hiểu và chia sẻ cuộc sống với các con, thì dù có cấm cái gì, cấm bao nhiêu cũng không thể làm trẻ tốt hơn được.

Con trai của Phú

Như mọi bé trai khác, con trai của Phú mê hoạt hình trên truyền hình cáp, ghiền game bạo lực trên iPad, thích ăn gà ở KFC, không thích đi học và cũng hay quấy.

Nhưng con trai của Phú mê những bãi biển hơn, biển càng đẹp nó càng thích, biển càng hoang vắng nó càng thích, biển càng nhiều sóng nó càng thích.

Nó thích chạy theo con sóng hoặc lao đầu vào để cho sóng đánh lăn cuồn cuộn rồi cười, nhưng con trai của Phú mê rừng núi, đi qua đèo qua núi là nó thích, dừng xe dẫn nó băng rừng, leo núi vào thác nó càng thích.

Con trai của Phú thích leo vào chân thác để đưa tay vào dòng nước đổ, nó thích leo lên đỉnh núi để đứng hét vào vực thẳm, cười ha hả khi nghe tiếng hét của nó vọng về từ rừng sâu, nhưng con trai của Phú thích những câu chuyện, những chuyện của Phú, những câu chuyện hồi xưa, câu chuyện những chuyến đi, câu chuyện về lòng tốt và tình yêu.

Nó sẽ nghe, tưởng nghe chơi rồi bỏ, nhưng nó nhớ và nó sẽ kể lại cho bất cứ ai mà nó gặp, thêm thắt và thần thoại tí...

(Trích Facebook của Đàm Hà Phú)

ĐÀM HÀ PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên