25/04/2016 07:58 GMT+7

Cấm câu cá nhưng có xử phạt ai đâu

NHÓM KHẢO SÁT
NHÓM KHẢO SÁT

TTO - Cảm thấy khó chịu, bức xúc trước tình trạng câu cá trái phép tràn lan trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) nhưng đa số người dân đành phải làm ngơ, chỉ mong chính quyền sớm có biện pháp xử lý vi phạm này.

Mặc dù bị cấm nhưng nhiều người vẫn câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) - Ảnh: Lê Phan
Mặc dù bị cấm nhưng nhiều người vẫn câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) - Ảnh: Lê Phan

Khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 80 người dân sống gần dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì có đến 75% cho biết rất bức xúc trước tình trạng câu cá tràn lan nhưng không bày tỏ thái độ gì.

Còn 20 “tay câu” trả lời khảo sát thì đa số lý giải câu cá để giải trí hoặc để cải thiện bữa ăn nên “chẳng ảnh hưởng đến ai”.

Nhắc nhở là bị dọa “câu chung với cá”

Lý giải phản ứng “đành làm ngơ” khi thấy những người câu cá trái phép, ông Nguyễn Đắc Thọ (72 tuổi, ngụ Q.1) kể: “Trước tôi thường tập thể dục ở đoạn P.Tân Định, Q.1 thấy vài thanh niên đứng câu cá nên đến nhắc nhở. Một người trong số đó quay sang nói tôi lẩm cẩm rồi, về với vợ con đi, đừng xía vào làm gì. Anh ta còn dọa nếu thấy tôi lần nữa sẽ “câu ông chung với cá” luôn. Tôi sợ quá nên về sau không dám nhắc ai hết”.

Không bị hù dọa như ông Thọ, nhưng bà Nhị Cần (63 tuổi, ngụ Q.1) cũng chọn phương án im lặng vì nói không lại những “tay câu”. “Mỗi lần đến nhắc là một lần nghe hỏi ngược lại “bộ tôi câu cá nhà bà hay sao bà nói hoài vậy?”. Nghe xong tôi không biết nói gì thêm. Ý thức họ kém lắm, mình có phân tích họ chẳng buồn nghe” - bà Cần thở dài.

“Đâu chỉ là chuyện câu cá, nhiều người còn xả rác bừa bãi xuống kênh. Có người còn mang cả bàn ghế, nệm cũ... để vừa câu vừa ngồi nghỉ ngơi y như đi câu cá dịch vụ. Bảng cấm thì nhiều nhưng chẳng có tác dụng gì. Nhiều bảng cấm còn bị xé rách, lột bỏ” - anh Nguyễn Văn Khải (ngụ Q.3) ngao ngán.

Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết người dân đều đồng tình rằng việc câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và nguồn nước của dòng kênh (81,3% ý kiến). Bên cạnh đó, hơn một nửa ý kiến (58,8%) cho rằng hình ảnh hàng chục người vô tư đứng, ngồi vắt vẻo trên hàng rào thả câu rất phản cảm, gây ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị. Số khác (40% ý kiến) còn lo lắng những người chẳng may mua phải cá được đánh bắt từ dòng kênh này có khả năng sẽ bị ngộ độc thực phẩm.

Những ảnh hưởng kể trên ai cũng nhìn thấy, chỉ có người câu không thừa nhận, thậm chí dọa nạt luôn những người có ý nhắc nhở.

Ý kiến khảo sát 100 người - Đồ họa: Ngọc Thành
Ý kiến khảo sát 100 người - Đồ họa: Ngọc Thành

 

Cần phải kiểm tra, xử phạt

“Tôi đi câu có mang theo xô đựng cá đâu. Dắt con trai đi theo cho nó câu thử, biết cảm giác câu được cá thích thú cỡ nào. Câu được rồi cũng thả xuống lại chứ không có mang về” - người đàn ông tên Lê (ngụ Q.1) nói với người khảo sát. Cùng lý do như ông Lê, đa số người câu cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khi được hỏi vì sao có bảng cấm nhưng vẫn câu giải thích: câu cá để giải khuây, chứ ăn uống gì mấy con cá này.

Một người câu khác tên Dũng nói thẳng: “Cấm câu cá là vô lý! Sao không canh mấy ông chèo ghe đi chích điện mà bắt? Một ghe dùng điện như vậy bằng cả trăm người câu mà không thấy ai xử lý”.

Trước lý giải của những “tay câu”, gần 80% ý kiến của người dân tham gia khảo sát cho rằng đó là từ nhận thức chưa cao của những người này. Điều này cộng với việc chính quyền ít kiểm tra và chưa có quy định xử phạt đã khiến tình trạng câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không thể đẩy lùi.

“Họ đứng kế bên bảng cấm câu luôn thì mình nhắc thế nào được? Chỉ còn cách chính quyền địa phương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý. Lần đầu thu giữ cần câu, lần sau nếu vẫn tái phạm thì phạt hành chính” - chị Nguyễn Ngọc Anh (ngụ Q.Phú Nhuận) đề xuất.

Đồng tình với ý kiến này, 60% người tham gia khảo sát mong mỏi UBND TP.HCM nhanh chóng thông qua các đề xuất xử phạt người vi phạm để sớm khắc phục tình trạng này.

“Khi dòng kênh được hồi sinh, bà con ở quanh đây mừng lắm, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều người thiếu ý thức. Thiết nghĩ cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để những nỗ lực cải tạo dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của TP được trọn vẹn ý nghĩa” - ông Nguyễn Hoàng Ân (ngụ Q.Phú Nhuận) chia sẻ.

Bà Lê Thị Ngọc (ngụ Q.1): Nhiều người ý thức còn rất kém, chính quyền đã đặt bảng cấm rồi nhưng vẫn cố tình câu. Câu cho vui, giải trí cũng có, câu để bán cũng có. Họ chỉ nghĩ đến bản thân chứ không quan tâm đến mỹ quan đô thị hay môi trường xung quanh. Việc không thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở vi phạm cũng là nguyên nhân khiến những người này bất chấp.

quang lam

Ông Trương Quang Lâm (ngụ Q.3): “Mỗi lần tôi nhắc nhở người câu cá, một số thì im lặng, một số thì thách thức. Cũng nhiều lần công an khu vực ra nhắc nhở nhưng họ vẫn cứ câu. Tôi nghĩ chỉ nhắc nhở được đối với những người có ý thức, còn những người cố tình phải có quy định xử phạt.

ng nhan

Ông Nguyễn Nhàn (ngụ Q.3): “Bao nhiêu năm nay người dân sống hai bên đường dọc kênh Nhiêu Lộc đã quá khổ sở chịu mùi hôi thối rồi. Nay cá thả ra kênh để điều hòa hệ sinh thái và làm sạch nguồn nước. Nếu thấy treo bảng cấm không có tác dụng thì cơ quan chức năng cần hành động quyết liệt, triệt để hơn bằng việc nhắc nhở lần đầu, tiếp đó lập biên bản, tịch thu dụng cụ câu cá, phạt nặng nếu vẫn tái diễn”.

NHÓM KHẢO SÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên