02/01/2014 08:52 GMT+7

Cải tiến ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT

H.HƯƠNG ghi
H.HƯƠNG ghi

TT - GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

JbxwRwqZ.jpgPhóng to
Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

- Về lâu dài, khi các trường ĐH-CĐ tự chủ tuyển sinh thì kết quả thi tốt nghiệp THPT có thể là một căn cứ để các trường xét tuyển, kết hợp với các hình thức kiểm tra khác. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi nhiều trường vẫn muốn dựa vào “ba chung” và Bộ GD-ĐT vẫn phải đưa ra giải pháp thực hiện song song cả “chung” và “riêng” thì việc đổi mới ở kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa có tác động lớn lắm tới kỳ thi tuyển sinh. Tuy nhiên, theo định hướng của đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng và đổi mới việc đánh giá quá trình học tập của học sinh phổ thông nói chung cũng cần được thực hiện trên một lộ trình hợp lý. Dĩ nhiên cần tránh thay đổi đột ngột, gây xáo trộn, để học sinh có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh kế hoạch học tập, phương pháp học tập. Nhưng có những việc có thể thực hiện được ngay trong năm 2014.

* Theo GS, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 có thể thay đổi ngay thế nào?

iIvAQLMm.jpgPhóng to

"Nên giao việc tổ chức kỳ thi xét tốt nghiệp THPT cho các sở GD-ĐT. Các sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng kỳ thi. Giám đốc sở GD-ĐT chịu trách nhiệm khi có tiêu cực xảy ra"

GS Nguyễn Minh Thuyết

- Trước hết, về môn thi và công bố môn thi, tôi cho rằng không nên ấn định sáu môn thi bắt buộc, trong đó ba môn được công bố sau ngày 30-3 như hằng năm. Bộ GD-ĐT chỉ nên quy định học sinh bắt buộc thi một số môn công cụ như ngữ văn, toán, ngoại ngữ. Các môn học còn lại, học sinh lớp 12 có thể lần lượt làm bài kiểm tra hết môn trong năm học, hoặc cho phép học sinh chọn 2-3 môn trong số các môn học còn lại để thi. Nhưng cần quy định trong những môn tự chọn có cả khoa học tự nhiên và xã hội.

* Các năm trước, môn ngoại ngữ là một trong sáu môn thi bắt buộc được báo trước. Nhưng Bộ GD-ĐT vẫn cho phép học sinh ở những nơi không đủ điều kiện được thi môn thay thế môn ngoại ngữ. Vậy kỳ thi năm 2014, nếu quy định cứng môn ngoại ngữ là một trong ba môn thi bắt buộc thì có phù hợp khi chỉ còn năm tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra?

- Tôi nghĩ trong kỳ thi năm 2014, môn thi bắt buộc cũng có thể chỉ là ngữ văn và toán, còn ngoại ngữ là một trong số các môn tự chọn. Hoặc Bộ GD-ĐT cũng có thể cho phép học sinh các địa phương chưa đủ điều kiện thi môn thay thế như quy định cũ. Nhưng đối với các thế hệ học sinh đang học lớp 10, 11 bây giờ thì cần phải thông báo trước để các em chuẩn bị. Quan điểm của tôi vẫn là cần đưa môn ngoại ngữ vào số môn thi bắt buộc vì đó là môn công cụ cần thiết cho học sinh trong tương lai.

* Theo GS, đối với các môn thi tự chọn, việc tổ chức thi sẽ như thế nào? Liệu có khó khăn khi nhu cầu chọn môn của học sinh quá đa dạng?

- Có nhiều cách thực hiện. Có thể cho học sinh chọn 2-3 môn, trong đó có môn tự nhiên và môn xã hội như tôi nói ở trên và tổ chức thi cùng đợt với các môn bắt buộc (tạm gọi là phương án 1). Nhưng cũng có thể cho học sinh làm bài kiểm tra hết môn theo hình thức “cuốn chiếu”, kết quả kiểm tra chiếm một trọng số nhất định trong kết quả chung để xét tốt nghiệp (tạm gọi là phương án 2).

* TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Rất cần thiết

Cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT như các năm nay ta vẫn làm là không đạt yêu cầu như mình mong muốn vì không đánh giá được trình độ học sinh sau 12 năm học phổ thông. Tính trung thực của kỳ thi cũng không cao. Do đó, việc cải tiến kỳ thi này là rất cần thiết. Trước hết, kỳ thi phải được thực hiện nghiêm túc, cho ra kết quả trung thực.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng nên từng bước giao quyền tự chủ cho các địa phương. Hơn ai hết, Bộ GD-ĐT biết rõ nhất tỉnh, thành nào thi nghiêm túc, có kết quả chính xác. Và như thế, cứ địa phương nào đủ năng lực tự tổ chức thi, ra đề thi, có phương pháp thực hiện nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ thì sẽ được tổ chức thi riêng (trường hợp này Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra và hậu kiểm).

Tuy nhiên, trong năm 2014, đối với lớp 12, phương án 1 (thi một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn cùng đợt) tỏ ra hợp lý hơn vì chỉ còn một học kỳ nữa, việc kiểm tra hết môn theo lối “cuốn chiếu” khó thực hiện. Nếu thay đổi theo phương án 2 thì từ bây giờ phải thông báo rộng rãi và bắt đầu áp dụng thi “cuốn chiếu” ngay cho học sinh lớp 11 để đến lớp 12, các em chỉ tập trung học theo định hướng nghề nghiệp và thi tốt nghiệp những môn bắt buộc.

* Theo ý kiến nhiều chuyên gia, để kết quả tốt nghiệp THPT phản ánh được chính xác trình độ của học sinh, cần kết hợp giữa điểm thi và điểm đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Theo GS, nếu đổi mới theo hướng này thì liệu có thể thực hiện ngay trong năm 2014 hay phải có lộ trình nhiều năm tới?

- Tôi nghĩ việc kết hợp giữa điểm thi cuối cấp và kết quả học tập, rèn luyện cả quá trình học THPT là việc cần thiết. Việc này sẽ đánh giá thực chất hơn chất lượng giáo dục và cũng giảm căng thẳng khi dồn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT như các năm trước đây. Nhưng vì học sinh lớp 12 chỉ còn một học kỳ nữa là kết thúc chương trình nên việc lấy kết quả ba năm để xét tốt nghiệp ngay trong năm nay có thể thiệt cho các em khi các em chưa có động lực để cố gắng trong các năm trước. Vì vậy trong năm nay nếu áp dụng ngay hình thức kết hợp này thì chỉ nên lấy kết quả năm lớp 12 cộng với kết quả thi tốt nghiệp.

* Nhưng việc lấy kết quả học tập, rèn luyện để làm một căn cứ xét tốt nghiệp liệu có nảy sinh tiêu cực mới?

- Không có quy định này thì hiện tượng tiêu cực trong việc chạy điểm ở phổ thông vẫn có thể xảy ra nếu không kiểm soát chặt chẽ. Vì thế chỉ còn cách tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý GD-ĐT. Hơn nữa, kết quả quá trình học tập, rèn luyện chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong tổng kết quả tốt nghiệp nên không làm thay đổi nhiều kết quả tốt nghiệp. Trong khi đó, việc thay đổi cách xét tốt nghiệp như thế này lại tạo động lực cho thầy trò dạy thật, học thật trong cả quá trình, hạn chế tình trạng cắt bỏ môn phụ, môn không thi để đối phó với thi cử như trước.

* Để tránh căng thẳng cho học sinh khi dồn vào kỳ thi THPT cuối cấp trong khi rất nhiều học sinh có lực học tốt không cần thiết phải trải qua một kỳ thi mà yêu cầu đặt ra nhẹ hơn nhiều so với năng lực thực tế của mình, theo GS, có nên miễn thi cho những học sinh có học lực giỏi, đạt thành tích xuất sắc về học tập, nghiên cứu khoa học?

- Ngoài quy định miễn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thi nghiên cứu khoa học đoạt giải và các đối tượng trong diện được xét đặc cách như quy chế thi năm trước, theo tôi, không nên miễn thi cho đối tượng khác. Bộ GD-ĐT có thể bổ sung quy định cộng điểm cho học sinh giỏi vào kết quả chung hoặc kết quả từng môn.

lnfohwAQ.jpgPhóng to

* PGS.TS Trần Hữu Tá (chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM):

Chỉ cần 4 môn thiViệc học sinh phải trải qua thi cử sau một thời gian dài học tập là chuyện đương nhiên. Trước đây, tôi từng nêu ý kiến của mình trên Tuổi Trẻ rằng cần sớm nghiên cứu để sáp nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ thành một. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, nếu chưa thể sáp nhập thì cần cải tiến ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT. Làm sao để kỳ thi này có kết quả trung thực, có hiệu quả động viên thầy và trò trong dạy - học mà lại đỡ tốn kém sức người, sức của.

Trước hết, phải xác định đây là kỳ thi nhằm công nhận quá trình học của học sinh trong 12 năm và dành cho đối tượng học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên. 12 năm học phổ thông, các em đều phải trải qua kỳ kiểm tra cuối năm rồi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nhằm đánh giá lại xem học sinh có nắm được kiến thức cơ bản không. Do vậy, nội dung đề thi không cần phải phân hóa cao.

Đã xác định được như vậy thì nên tổ chức kỳ thi sao cho gọn và nên giao cho các tỉnh, thành tự chủ. Nếu năm 2014 chưa thể giao được thì Bộ GD-ĐT vẫn sẽ tổ chức chung nhưng giao cho các địa phương chịu trách nhiệm tối đa. Nếu cần, bộ có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị giao cho các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm về kỷ luật phòng thi, về sự khách quan trong quá trình chấm thi... Nếu tỉnh, thành nào để xảy ra tình trạng lộn xộn, có tai tiếng thì lãnh đạo địa phương đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bộ GD-ĐT chỉ làm công tác kiểm tra và hậu kiểm chặt chẽ là được.

Về môn thi, theo tôi, không cần phải đến sáu môn mà chỉ cần bốn môn là đủ. Trong đó có ba môn bắt buộc là: toán, văn, tiếng Anh, môn còn lại sẽ do lãnh đạo Bộ GD-ĐT quyết định theo từng năm.

Về đề thi, nên coi đây là khâu đột phá, mở đầu quá trình đổi mới giáo dục ở nước ta. Đề thi không nên có những câu kiểm tra kiến thức học thuộc lòng của thí sinh. Thay vào đó là những câu hỏi nhằm kiểm tra trình độ nhận thức, kiểm tra tư duy sáng tạo của thí sinh. Riêng đối với đề thi môn văn nên bỏ câu 1 (câu lý thuyết - PV) trong cơ cấu đề thi. Chỉ cần hai câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học, mỗi câu 5 điểm là đủ. Như thế tức là chúng ta nâng tầm quan trọng của nghị luận xã hội, nó là động lực giúp giáo viên, học sinh phải theo dõi sát sao tình hình chính trị - xã hội trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp ích cho việc giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh.

H.HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên