29/01/2021 12:13 GMT+7

Cãi nhau khi xây nhà thờ họ, cháu bít lối đi 'nhốt' bà 104 tuổi

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Con cháu bất hòa, lời qua tiếng lại, người cháu rào lối đi vào nhà, bà lão 104 tuổi giờ phải đi đòi lại lối đi đã có từ 80 năm trước. Trong lòng cụ bà thăm thẳm nỗi buồn của tình máu mủ mà thua cả người dưng.

Cãi nhau khi xây nhà thờ họ, cháu bít lối đi nhốt bà 104 tuổi - Ảnh 1.

Lối đi có trước ngày bà Tự về làm dâu, nay ở tuổi 104 bà lại ngóng chờ có lối vào nhà - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Võ Thị Tự (104 tuổi, thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết hai gia đình trong dòng họ đi chung lối trên mảnh đất tổ tiên từ hơn 80 năm trước nhưng khi mâu thuẫn xảy ra, người cháu đã rào bít lối đi chung.

Ruột rà thua cả người dưng

Ông Nguyễn Loan, con trai bà Tự, kể mảnh đất của cha mẹ mình được thừa kế từ ông cố. Trên đất có ngôi nhà làm từ những năm 1940 của thế kỷ trước. Từ khi có ngôi nhà, lối đi duy nhất cũng được hình thành nối với đường liên thôn. Chuyện cũng chẳng có gì nếu như trong dòng họ không xảy ra những bất hòa khi xây nhà thờ họ. 

"Anh em trong họ khi làm nhà thờ mỗi người một ý nên lời qua tiếng lại. Tôi nghĩ xong thì thôi, ai ngờ tháng 12-2018 ông Nguyễn Đăng Trang (anh trong họ) chôn trụ bêtông và kéo kẽm gai bít lối đi. Khi ông Trang nói lối đi nằm trong sổ đỏ của ông, tôi mới tá hỏa kiểm tra, lúc này mới hay sự việc", ông Loan kể.

Lối đi duy nhất vào nhà bị rào chắn, ông Loan làm đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền đề nghị can thiệp để ông Trang trả lại lối đi. Kể từ đó, giữa ông Loan và ông Trang tình máu mủ đã ngày một xa vời, cãi vã liên tục nổ ra. Đỉnh điểm là tháng 7-2019, ông Loan lấy búa đập gãy những trụ bêtông ông Trang dựng lên để lấy lại lối đi khiến hai bên xảy ra xô xát.

Còn bà Tự, từ ngày xích mích giữa con và cháu xảy ra, để giữ hòa hiếu chờ cơ quan chức năng giải quyết, bà nói ông Loan trổ hông nhà và đi nhờ lối vào nhà hàng xóm. Cũng may được hàng xóm thương tình đồng ý, chứ không bà cũng chẳng biết mỗi lần đau ốm phải đi viện bằng cách nào.

Điều bà Tự buồn nhất là vào tháng 8-2019 cháu nội lấy chồng, lối vào nhà không còn, hai họ phải rước dâu bằng lối đi được trổ bên hông nhà. "Nghĩ mà buồn, sống hơn trăm tuổi, giờ phải đi đòi lối đi có từ trước khi tôi về làm dâu. Hôm cháu theo chồng, tôi nhìn theo mà buồn. Ai đời lại lạy tổ tiên rồi ra hông nhà qua vườn hàng xóm đi làm dâu", bà Tự nói.

Sau những lình xình của con cháu, bà Tự buồn, sức khỏe đi xuống nhanh chóng, sự tuệ mẫn không còn như xưa. Ở tuổi gần đất xa trời, bà chẳng biết mình theo tổ tiên khi nào và khi mất linh cữu của bà có được con cháu đưa đi trước nhà, hay người đến viếng phải đi nhờ bên nhà hàng xóm.

"Tôi là mẹ thằng Loan, là thím dâu thằng Trang. Làm gì cũng phải biết nghĩ máu mủ quý hơn tất cả, ai lại đến lối đi cũng bít luôn. Thiệt máu mủ còn thua người dưng", bà Tự trầm giọng.

Lối đi thực tế không có trên bản đồ

Theo người dân địa phương, trước đây mảnh đất ông Trang và mảnh đất của cha mẹ ông được ngăn cách bởi lối đi vào nhà bà Tự. Sau khi dòng tộc giao ông Trang quản lý nhà thờ họ, ông Trang cũng được cha cho mảnh đất bên cạnh. Năm 2002, huyện Tư Nghĩa cấp lại sổ đỏ cho ông Trang bao gồm cả đường đi vào nhà bà Tự.

Qua tìm hiểu, dù nhà và đất của bà Tự có trước khi ông Trang được cấp sổ đỏ nhưng tờ bản đồ số 299, bản đồ qua các thời kỳ... đều không thể hiện có đường đi vào nhà bà Tự. Đến giai đoạn 2008 - 2013, khi thực hiện dự án VLAP đo đạc, cấp sổ đỏ cho người dân, cán bộ địa chính cũng không thể hiện đường đi trên bản đồ, không chỉnh lý sổ đỏ. Do đó, ông Trang căn cứ vào sổ đỏ để cho rằng đường đi là đất của mình.

"Con đường đi vào nhà bà Tự vốn có từ trước năm 1975 nhưng là đường nhỏ. Nay Nhà nước cấp sổ đỏ cho tôi thì tôi có quyền quản lý, rào lại. Tôi muốn cho đi thì mới được đi", ông Trang nói.

Lối đi bị bít, máu mủ ruột rà thành ra kiện tụng, UBND xã Nghĩa Hiệp nhiều lần hòa giải nhưng bất thành. Thậm chí để hòa giải, UBND xã Nghĩa Hiệp mời xóm làng, dòng họ tham dự. Cả họ tộc lẫn 50 hộ dân sống gần đó đều xác nhận trong biên bản lối đi vào nhà bà Tự có từ mấy chục năm trước. "Mặc dù lối đi không thể hiện trên bản đồ, nhưng qua làm việc với các bên và xác minh thực tế có thể khẳng định lối đi vào nhà bà Tự có từ trước năm 1975", lãnh đạo xã Nghĩa Hiệp nói.

Có nhiều lần ông Loan muốn đại diện mẹ khởi kiện ra tòa đòi lại lối đi, nhưng rồi ông lại lần lữa bởi cực chẳng đã mới làm vậy. Bản thân ông không muốn chuyện họ tộc lại đưa ra pháp đình. Ông Loan đang chờ các cấp chính quyền Quảng Ngãi giải quyết, hai bên hòa hiếu để còn ngồi chung mâm giỗ mà nhìn nhau. Và hơn hết, tuổi bà Tự cũng đã bách niên, ông Loan mong có lại lối đi để khi mẹ nằm xuống mọi người còn viếng bà trên lối đi đã gắn bó đời mẹ...

Hòa giải không xong, chính quyền hướng dẫn kiện ra tòa

UBND huyện Tư Nghĩa vừa có văn bản thông tin kết quả xử lý tranh chấp lối đi của ông Nguyễn Loan. Theo đó, văn bản này cho rằng qua nhiều lần kiểm tra, xác minh và hòa giải không thành nên đề nghị UBND xã Nghĩa Hiệp mời ông Loan làm việc và hướng dẫn ông khởi kiện ra tòa.

Một cán bộ Sở TN-MT Quảng Ngãi cho rằng thực tế có đường đi, nhưng khi cấp sổ đỏ cho người dân chồng lấn lên đường đi vào nhà người khác thì cấp nào làm sai cấp đó phải khắc phục. Cụ thể ở đây nếu thực tế có đường đi, UBND huyện Tư Nghĩa cần xem xét thu hồi sổ đỏ, chỉnh sửa và chừa đường đi cho người dân.

Lối đi chung đưa hàng xóm đến… tòa Lối đi chung đưa hàng xóm đến… tòa

TTO - Mới đây, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp lối đi chung giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Nam và bị đơn là ông Nguyễn Văn Hiền, bà Trần Thị Em (cùng ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM).

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên