Do mâu thuẫn lối xóm, gia đình bà Trần Thị Em rào lại lối đi chung nên bà bị kiện ra tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Lối đi chung mà các bên đang tranh chấp nằm trên phần đất có nguồn gốc thuộc quyền sử dụng của ông Trần Văn Ai. Đất này ông Ai chết để lại cho bà Em, ông Hiền là con cháu trong dòng tộc.
Lối xóm cùng hầu tòa
Theo giấy tờ, năm 1980 ông Ai đã kê khai, đứng tên trong sổ mục kê thửa đất này thể hiện theo chỉ thị 299/TTg. Về con đường là lối đi chung, ông Ai tự lập ra để sử dụng, gia đình ông Nam và một số hộ khác đến ở cạnh khu đất này và đi nhờ con đường này của ông. Mâu thuẫn xảy ra nên gia đình bà Em, ông Hiền rào lại lối đi, không cho hộ nhà ông Nam đi ngang qua và yêu cầu gia đình ông Nam phải đi lối khác.
Đầu năm 2016, ông Nam khởi kiện yêu cầu tòa án xác định lối đi này là đường đi công cộng, buộc ông Hiền và bà Em chấm dứt việc ngăn cản sự tự do đi lại của các hộ dân trong hẻm. Nguyên đơn cho rằng con đường này là con đường duy nhất để gia đình ông đi lại. Tại tòa, ông Nam khai trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông được cấp thể hiện lối đi chung chính là con đường nêu trên.
Trái lại, phía bị đơn cho rằng phần diện tích đất đang tranh chấp là con đường đi nằm trong thửa đất của ông Ai là lối đi nội bộ, phía nguyên đơn - gia đình ông Nam - và các hộ khác chỉ là đi nhờ trên đất không có con đường công cộng.
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Chánh tuyên bố chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, xác định con đường là đường đi công cộng, buộc bị đơn chấm dứt hành vi ngăn cản việc tự do đi lại của các hộ trong hẻm, tháo dỡ các chướng ngại vật để trả lại lối đi công cộng. Không đồng ý, bị đơn tiếp tục kháng cáo.
Trả lại lối đi chung
Tại tòa, đại diện UBND xã An Phú Tây xác định con đường đang tranh chấp không phải là phần đất công cộng do Nhà nước quản lý mà ông Ai đã đăng ký sử dụng thửa đất theo chỉ thị 299/TTg. Hiện nay, phần lối đi đang tranh chấp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai.
Luật sư của bị đơn cho rằng phần diện tích đang tranh chấp được bà Em tiếp tục sử dụng liên tục ổn định, trên bản đồ địa chính đều được gia đình bà Em đăng ký sử dụng, có tên trong sổ kê mục. Năm 2007, UBND xã An Phú Tây có biên bản ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Văn Nam và một số người khác thỏa thuận với ông Nguyễn Văn Hiền về việc thống nhất dùng con đường mình làm lối đi chung cho các hộ và được ông Hiền đồng ý.
Tuy nhiên, thời điểm này những người đồng thừa kế không ủy quyền cho ông Hiền xác lập thỏa thuận với ông Nam và các hộ khác nên bị đơn cho rằng việc thỏa thuận giữa ông Hiền về lối đi chung này không có giá trị pháp lý.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định rằng nguồn gốc đất là của ông Ai nhưng theo các tài liệu không thỏa mãn việc chứng minh quá trình sử dụng đất lâu dài và không được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Hơn nữa, phần diện tích đất đang tranh chấp chưa được cấp giấy chứng nhận. Các tài liệu, chứng cứ mà bị đơn trình bày không có căn cứ.
Do đó, TAND TP.HCM quyết định sửa án sơ thẩm, xác định đây là lối đi chung của các hộ dân, buộc ông Hiền, bà Em không được cản trở việc đi lại của các hộ dân trong hẻm, tháo dỡ các chướng ngại vật trả lại lối đi chung.
Mua quyền đi lại?
Về vụ việc này, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng thửa đất nêu trên chưa được công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận quá trình sử dụng đất lâu dài, ổn định của phía bị đơn và có căn cứ rõ ràng về nguồn gốc đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bị đơn.
Về nguyên tắc, người sử dụng đất hợp pháp dù chưa được công nhận chủ quyền nhưng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì có quyền được công nhận quyền sử dụng đất. Để xác định con đường có là lối đi chung hay không cũng cần xem xét các tài liệu thể hiện ý chí của các bên, phải làm rõ là mục đích ký cho đi nhờ hay coi như đó là tài sản dùng vào việc đi lại chung của các hộ gia đình.
Một cách khác, lối đi là con đường dùng để đi lại duy nhất mà được hình thành từ phần diện tích đất của một hộ khác, hộ không có đường đi khi sử dụng phải thỏa thuận để mua và phải trả một khoản tiền để mua quyền đi lại trong trường hợp muốn sử dụng lối đi này như một giao dịch dân sự.
Từ tranh chấp lối đi chung đến... án tù
Liên quan đến vụ việc, do phút "cả giận mất khôn", ông Hiền và 2 người khác đã lao đến đánh kiểm sát viên khi HĐXX vừa tuyên xong bản án sơ thẩm.
Sự việc đã khiến ông Hiền bị phạt 2 năm tù về 2 tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự phiên tòa. Hai người thân của ông Hiền là ông Nguyễn Văn Sang - em trai ông Hiền - cũng bị phạt 1 năm tù, bà Lê Thị Ngọc Loan bị tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội chống người thi hành công vụ.
Tại phiên tòa hình sự, rất nhiều lần bị cáo Hiền khai do quá bức xúc, không kiềm chế được bản thân nên gây ra vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận