31/01/2013 07:50 GMT+7

10 năm tranh chấp một lối đi

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Một vụ kiện tranh chấp lối đi nhỏ mà cũng phải trải qua bốn lần xét xử, hai lần kháng nghị giám đốc thẩm. Nguyên đơn, bà cụ 72 tuổi, mỏi mòn chờ đợi có đường đi để vào được nhà mình.

JLMR7ZrV.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Ảnh: H.Đ.

Run rẩy khi trình bày sự việc của mình, trong suốt cuộc chuyện trò, không ít lần bà khóc tủi cho thân già một mình, khóc bởi công lý tưởng chừng đã xong mà không đến được với bà khiến suốt 10 năm bà sống nay đây mai đó. Cầm trong tay bản quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hủy án mới nhất của Tòa án nhân dân tối cao, đôi tay bà như run hơn, gương mặt thất vọng nhiều hơn.

Có nhà mà không thể vào

Luật sư Vũ Quang Đức:

Bà Nguyệt có quyền dùng lối đi trong khi chờ đợi

Khi đưa ra giám đốc thẩm có hai khả năng. Một là giữ nguyên bản án phúc thẩm. Hai là hủy án, xét xử lại. Trong khi chờ giám đốc thẩm, ông Khang - bà Yến không được quyền ngăn cản bà Nguyệt sử dụng lối đi qua tầng trệt để lên lầu 1. Nếu bị ngăn cản, bà Nguyệt có quyền yêu cầu chính quyền phường Bến Thành can thiệp.

MAI HOA ghi

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ngụ tại 91 Lý Tự Trọng (lầu 1), P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM, cho biết căn nhà 91 Lý Tự Trọng là thuộc sở hữu của bà Phạm Thị Bênh (mẹ chồng bà Nguyệt) và bà Phạm Thị Thái (chị chồng bà Nguyệt), nay cả hai người đều đã mất, bà Nguyệt là người thừa kế. Năm 1986, mẹ và chị bà Nguyệt bán một phần của căn nhà bao gồm tầng trệt, lầu 2 và sân thượng cho vợ chồng ông Bùi Văn và bà Trần Thị Kim Dung. Tại biên bản mua bán có sự xác nhận của Phòng quản lý xây dựng Q.1 thì thỏa thuận lối đi giữa hai bên gia đình là đi qua tầng trệt để lên lầu 1.

Sau nhiều lần mua bán, năm 2000 phần diện tích tầng trệt, lầu 2 và sân thượng được chuyển nhượng cho ông Dương Sách Khang và bà Hà Thanh Yến. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà do UBND TP cấp năm 2001 thể hiện lối đi chung tại tầng trệt với kích thước lọt lòng 1m. Tuy nhiên theo bà Nguyệt kể, từ năm 2004 vợ chồng ông Khang không cho bà Nguyệt đi qua tầng trệt để lên nhà mình nữa. Điều này gây rất nhiều khó khăn và trở ngại cho bà Nguyệt. Có nhà mà không được ở, có bàn thờ cha mẹ mà không được nhang khói. Bà Nguyệt nói: “Lúc đầu ông bà ấy vẫn để cho tôi đi lại bình thường, sau thì chỉ cho đi những lúc nào ông bà ấy mở cửa ra ngoài và vào nhà, dần dần ông bà ấy đóng hẳn cửa không cho tôi vào nữa. Khi tôi ở trong nhà, ông bà ấy khóa cửa tầng trệt nên tôi không thể ra ngoài. Tôi đã bị giam lỏng trong chính ngôi nhà của mình”.

Bà Nguyệt làm đơn kiện, yêu cầu được có lối đi.

Ông Dương Sách Khang cho rằng ông “không cấm bà Nguyệt đi lại, bà Nguyệt muốn ra vào lúc nào cũng được”. Tuy nhiên, trong quyết định kháng nghị của TAND tối cao ngày 17-12-2012 đã nêu rõ: “Sau khi nhận chuyển nhượng tầng trệt, lầu 2 và sân thượng ngôi nhà này, việc ông Khang giữ chìa khóa tầng trệt và hạn chế thời gian đi lại của bà Nguyệt là sai”.

Liên tục hoãn thi hành án

Sau khi bản án có hiệu lực, tuyên cho bà Nguyệt được làm lối đi, ít nhất đã năm lần Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ra quyết định thi hành án nhưng đều bị hoãn. Theo ông Nguyễn Văn Quỳnh Giao - chấp hành viên, sở dĩ việc cưỡng chế thi hành án phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần bởi phía bị đơn làm đơn khiếu nại. Lần gần đây nhất theo kế hoạch cưỡng chế là ngày 9-1-2013 nhưng Cục Thi hành án không phối hợp được đầy đủ với các đơn vị tham gia nên vụ việc thêm một lần nữa bị hoãn và dời sang ngày 17-1.

Tuy nhiên, ngày 17-12-2012, TAND tối cao đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vì cho rằng việc bà Nguyệt có yêu cầu làm một lối đi tại tầng trệt thì phải được sự đồng ý của ông Khang và bà Yến theo nguyên tắc tự do thỏa thuận! Riêng việc ông Khang giữ chìa khóa tầng trệt và hạn chế thời gian đi lại của bà Nguyệt là sai, vì vậy theo kháng nghị, cần buộc ông Khang chấm dứt hành vi hạn chế việc đi lại của bà Nguyệt.

Vậy là một lần nữa, vụ án lại trở về điểm xuất phát ban đầu.

Diễn tiến vụ kiện

- Ngày 20-12-2004, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt khởi kiện ra tòa.

- Ngày 3-1-2006, TAND TP.HCM xử sơ thẩm (lần 1): bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt được sử dụng lối đi ở tầng trệt từ 6g đến 23g.

- Ngày 9-6-2006, tòa phúc thẩm (lần 1) giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Ngày 2-6-2009, chánh án TAND tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

- Ngày 2-10-2009, hội đồng thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại.

- Ngày 4-4-2011, TAND TP.HCM xử sơ thẩm (lần 2): lấy một phần diện tích tại tầng trệt làm lối đi chung.

- Ngày 10-8-2011, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm (lần 2) quyết định: bà Nguyệt được quyền xây dựng bức tường làm lối đi, sử dụng chung.

- Ngày 17-12-2012, TAND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tạm đình chỉ thi hành án bản án ngày 10-8-2011 cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên