22/03/2016 09:40 GMT+7

Cái... máy khen

NGUYỄN VĂN ĐỨC
NGUYỄN VĂN ĐỨC

TT - Chuẩn bị cho họp phụ huynh để báo cáo kết quả học tập của học sinh, một đồng nghiệp của tôi nhắc nhở: “Lớp có điểm nào mạnh, em nào kha khá thầy cứ khen mịt mờ vào. Lướt qua những em yếu kém. Đừng dại dột phê bình mà rước họa vào thân”.

Cô ấy nói câu này là có lý do.

Mấy lần trước, khi phụ huynh hỏi thăm kết quả học tập của con em họ, cô thật thà nói “em ấy còn yếu môn A, môn B... phụ huynh phải lưu ý thêm”.

Phụ huynh người thì không vui, người thì sừng sộ, “tui tốn bao nhiêu tiền để con học thêm, vậy mà không giỏi là sao? Thầy cô dạy dỗ kiểu gì vậy?”. Có người còn đùng đùng đòi gặp ban giám hiệu xin đổi giáo viên, xin chuyển lớp cho con. “Con tôi không được khen là tại giáo viên yếu kém, bị giáo viên đì”. Đúng là “trăm dâu đổ đầu tằm”.

Giáo viên phải khổ sở giải trình, cuối năm có khi còn bị cắt thi đua. Nhiều lần gặp cảnh này nên giáo viên nhắc nhau, muốn sóng yên gió lặng thì phải né. Em nào yếu chỉ nên nói chung chung, “em ấy học được nhưng hơi thụ động”...

Phụ huynh giờ đã quen nghe con được khen từ lúc mới vào mầm chồi lá, tới tiểu học, trung học cơ sở nên không chấp nhận nổi việc con yếu hơn bạn bè, không được thầy cô khen. “Có cung thì ắt có cầu”, giáo viên chúng tôi đành mắt nhắm mắt mở để tránh “bão”, khen ngợi vài câu cho phụ huynh mát dạ.

Gặp phụ huynh nào thật sự quan tâm đến con, hiểu rõ năng lực của con, chúng tôi mới dám nói đúng sự thật.

Con gái tôi đang học lớp 1. Con mới bập bẹ học chữ, đương nhiên không thể viết đúng chính tả. Vậy mà bài chính tả nào cũng không sai một chữ, được cô khen giỏi, khiến tôi lấy làm lạ.

Bữa tôi đến trường rước con sớm hơn thường lệ, gặp lúc cô giáo đang đọc chính tả cho học sinh viết. Những chữ khó, cô hỏi cả lớp “chữ này viết thế nào?”. Cả lớp đồng thanh trả lời. Nếu đúng, cô bảo viết vào vở; nếu sai, cô sửa lại. Kiểu cùng học hội đồng thế này, em nào yếu kém mới lạ.

Họp phụ huynh vừa rồi, cô biểu dương lớp có 42 học sinh, duy nhất một em đạt 8 điểm môn tiếng Việt, còn lại đều điểm 9, 10.

Tôi có anh bạn có con học lớp 8. Anh cho con học thêm không thiếu môn nào. Anh thường xuyên gặp gỡ giáo viên, hỏi thăm tình hình học tập của con. Anh yên tâm khi giáo viên nào cũng khen cháu thông minh, học rất vững. Tôi nhắc anh không được chủ quan, phải kiểm tra trình độ thực tế của cháu.

Anh ra thử đề toán khó, thằng bé bó tay. Anh chột dạ, ra đề khác dễ hơn, thằng bé vẫn ngồi cắn bút. Lúc này anh mới hoảng hốt lên kế hoạch bù đắp lỗ hổng kiến thức cho con. Xem ra muốn biết năng lực thực chất của con, mỗi phụ huynh phải đủ năng lực để trở thành... nhà thẩm định; không thể dựa vào lời khen của giáo viên mà tin tưởng con mình giỏi nhất thiên hạ.

Mỗi kỳ tổng kết, giáo viên nào có học sinh yếu kém sẽ bị phê bình, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, nên giáo viên nào cũng cố “đẩy” học trò lên mức khá giỏi, hoặc chí ít cũng đạt trung bình.

Phụ huynh cũng mát dạ khi con mình được khen. Các nhà quản lý, thầy - trò và phụ huynh luôn trong tư thế nhìn nhau để đánh giá, nên kết quả thực tế khác xa với bảng điểm. Chạm đến những kỳ thi lớn, những chuyện dở khóc dở mếu thì không nói làm gì, chuyện phí thời gian vô ích, làm hỏng cả tương lai các em mới thật sự đáng lo.

Tôi cũng đang là... cái máy khen. Dù rất xấu hổ khi xuôi theo chiều gió, nhưng tôi chỉ đành... khen ít ít để lương tâm đỡ cắn rứt.

NGUYỄN VĂN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên