25/12/2018 07:00 GMT+7

Cái chết hồi sinh sự sống diệu kỳ

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Sự ra đi của người đàn ông 43 tuổi đã mở ra sự sống cho 5 người khác, đồng thời tạo bước tiến cho y học Việt Nam khi lần đầu tiên ghép thận từ người hiến đã bị chết não.

Cái chết hồi sinh sự sống diệu kỳ  - Ảnh 1.

Bệnh nhân nam Đ.V.H. (sinh năm 2003, ở Lâm Đồng) bị suy thận mãn giai đoạn cuối được ghép thận đã tỉnh táo hoàn toàn, sinh hiệu ổn định - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, ngay sau khi anh Dương Hồng Quý, ở Ninh Bình, bị chết não, theo nguyện vọng của anh, trái tim, hai lá phổi, hai quả thận và toàn bộ gan của anh đã được hiến tặng và sau đó được ghép cho 5 người ở Hà Nội, Thái Bình, Hà Tĩnh và Lâm Đồng.

Ước mơ gần 30 năm

Sáng 24-12, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đã chính thức công bố về ca ghép thận giữa người nhận là bệnh nhân 15 tuổi ở Đà Lạt và người cho là anh Dương Hồng Quý đã bị chết não.

Tại buổi công bố, GS.BS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn về ghép tạng Bệnh viện Nhi Đồng 2, coi đây là một trong những ca ghép lịch sử khi lần đầu tiên tại Việt Nam, một cháu bé đã được ghép thận từ người hiến thận đã bị chết não.

Đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã ghép thận cho 18 ca và có đến 17 ca được ghép từ người cho còn sống.

Bày tỏ sự vui mừng của mình trước ca ghép thận lịch sử này, GS Trần Đông A kể lại một câu chuyện từ năm 1990. Khi đó, tại một bệnh viện ở Paris (Pháp) đã diễn ra ca ghép thận cho một em bé 5 tuổi được một em bé 5 tuổi khác đã bị chết não hiến thận.

Lúc đó, GS Trần Đông A đã mơ ước đến một ngày nào đó Việt Nam cũng có thể thực hiện được những ca ghép thận cho trẻ em từ người hiến đã bị chết não. Gần 30 năm sau ước mơ đã trở thành sự thật.

Trước đó ngày 9-12, Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận được thông tin về trường hợp một bệnh nhân chết não mong muốn hiến tạng (thận) từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Ngay sau đó, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã lên kế hoạch, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.

Bệnh viện đã liên lạc ngay với gia đình bệnh nhân Đ.V.H., 15 tuổi, ngụ ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Bệnh nhân này bị suy thận mãn giai đoạn cuối.

Chị N.T.T., 40 tuổi, mẹ của bệnh nhân, kể chị nhận được điện thoại của một bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 thông báo hiện có người chết não cho thận, gia đình có sắp xếp đưa bé lên bệnh viện ngay được không?

Cái chết hồi sinh sự sống diệu kỳ  - Ảnh 2.

Quyết định hiến tạng của anh Dương Hồng Quý (Ninh Bình) đã đem lại sự sống cho 5 người khác. Trong ảnh: bệnh nhân Đ.V.H (Lâm Đồng) được ghép thận đã tỉnh táo - Ảnh: D.PHAN

Chị T. rất mừng và được cơ quan nơi chị làm thuộc ngành quân đội cho xe đưa con chị cùng gia đình đến bệnh viện ngay trong đêm.

Con trai chị đã được làm một số xét nghiệm hòa hợp miễn dịch với người hiến tạng ngay sau khi mẫu máu của người cho chết não được chuyển đến TP.HCM vào lúc 22h ngày 11-12.

Lúc 2h ngày 12-12, cháu H. được cho nhập viện và chuẩn bị sẵn sàng cho phẫu thuật ghép thận. Tất cả nhân lực và các trang thiết bị cần thiết chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật được huy động khẩn trương và đầy đủ.

Chiều cùng ngày, thận hiến từ người cho chết não được vận chuyển từ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đến TP.HCM bằng đường hàng không và ngay sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 lúc 17h cùng ngày.

21h cùng ngày, ca phẫu thuật ghép thận đã diễn ra, êkip phẫu thuật Bệnh viện Nhi Đồng 2 với sự hỗ trợ của GS.TS Trần Ngọc Sinh, PGS.TS.BS Thái Văn Sâm và TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau 6 giờ, ca ghép thận kết thúc.

Cái chết hồi sinh sự sống diệu kỳ  - Ảnh 3.

Anh Dương Hồng Quý ra đi nhưng đem lại sự sống cho 5 người khác ở mọi miền đất nước - Tư liệu: LAN ANH, Đồ họa: TẤN ĐẠT

Có thêm một gia đình

Sau gần hai tuần được phẫu thuật, bệnh nhân Đ.V.H. đã tỉnh táo hoàn toàn, sinh hiệu ổn định, được rút nội khí quản. Siêu âm mạch máu sau mổ ghi nhận các miệng nối các mạch máu thông tốt và thận được tưới máu tốt.

Các xét nghiệm chức năng thận và sinh hóa máu của bệnh nhân trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân được bắt đầu cho ăn lại bằng đường miệng. Hiện tại bệnh nhân vẫn được theo dõi và điều trị hậu ghép rất tích cực.

Các bác sĩ cho biết 6 tháng sau, bệnh nhân có thể đi học lại.

GS.TS Trần Ngọc Sinh - chủ tịch Hội Thận học TP.HCM, phẫu thuật viên chính trong ca phẫu thuật - nhận xét người cho bị chết não hiến tạng để cứu sống người khác là một tặng vật của xã hội, một hành động nhân đạo và vô giá.

Quả thận được chuyển đi hơn 1.500km đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Các bác sĩ đã tiến hành ghép thận ngay trong đêm hôm đó. GS Ngọc Sinh mong tinh thần và cách làm này sẽ được nhân rộng.

Tại buổi công bố thông tin về ca ghép thận thành công này, chị T. mẹ của cháu H. xúc động nói đây là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình.

Dù chưa được biết danh tính của người cho, thân nhân người tặng thận cho con trai nhưng gia đình chị sẽ ghi nhớ suốt đời tấm lòng nhân hậu, nghĩa cử cao đẹp này.

Đây sẽ là người anh, đại gia đình thứ hai của con chị bởi dòng máu và lòng nhân từ đó đang nuôi sống con chị hằng ngày.

Chị T. kể khoảng một năm trước, con trai chị kêu mệt mỏi, chị đưa con đi kiểm tra sức khỏe thì bất ngờ phát hiện con chị bị suy thận mãn giai đoạn cuối. Sau đó, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị.

Lúc đầu, con chị phải chạy thận nhân tạo, về nhà cháu vẫn đi học. Sau này, khi cháu mệt quá, gia đình mới xin cho cháu tạm nghỉ học.

Từ khi biết tin cháu mắc bệnh là những ngày chị sống trong thấp thỏm, lo lắng vì không biết bệnh tình của cháu sẽ ra sao. Từ một người có cân nặng 60kg giờ chị chỉ còn 49kg.

Hơn một tháng kể từ khi cháu phát hiện bệnh, người em trai chị ở quê dù đã có vợ con nhưng vẫn tự nguyện hiến cho cháu một quả thận. Tuy nhiên, khi đi làm xét nghiệm người này lại bị tăng men gan nên chưa thể cho thận.

Câu nói đầu tiên khi con trai chị tỉnh dậy sau ghép thận là: "Con đã khỏe lại chưa mẹ?". Chị nhìn con âu yếm rồi trả lời con ổn rồi, sức khỏe con sẽ hồi phục dần và con sẽ sớm được về nhà đi học cùng các bạn.

Cơ duyên

Có một cơ duyên dẫn đến quyết định hiến tạng của anh Dương Hồng Quý. Đó là gia đình anh Quý chơi thân với gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh, người đã hiến đa tạng khi qua đời hồi đầu năm nay.

Theo GS Mai Hồng Bàng - giám đốc Bệnh viện 108, trái tim anh Ninh hiện đập trong lồng ngực một nam thanh niên 30 tuổi, hai lá phổi cứu một người 52 tuổi, hai quả thận cứu hai người khác nhau ở hai đầu đất nước, hai giác mạc đem lại ánh sáng cho hai người.

Lần đầu tiên "êkip 100% Việt Nam" ghép phổi

Cũng trong ngày 24-12, Bệnh viện Việt Đức tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các ca ghép tạng diễn ra trong cùng một ngày - ngày 12-12.

Theo đó, cùng với ca ghép thận "xuyên Việt" ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, tại Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), trong đó đặc biệt là ca ghép phổi cho một thiếu niên 17 tuổi mắc chứng mô bào phổi, một thể bệnh tự miễn khá hiếm gặp và khó có thể điều trị dứt điểm, ngoại trừ biện pháp ghép phổi.

Đây là ca ghép phổi thứ 3 ở Việt Nam, nhưng là lần đầu tiên êkip tham gia ghép phổi hoàn toàn là các bác sĩ Việt Nam. Chủ trì ca ghép là bác sĩ Nguyễn Hữu Ước, trưởng khoa tim mạch lồng ngực Bệnh viện Việt Đức.

Theo ông Trần Bình Giang - giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đây là ca ghép rất khó, một phần do người nhận tạng đã suy kiệt trước ghép, một phần đây là ca ghép phổi đầu tiên các bác sĩ Việt Nam đảm trách 100%, nhưng các chỉ số sức khỏe của người nhận đang tiến triển.

L.ANH

Điều kỳ diệu

ghép thận

Anh Quý (trái) và người thân trong những ngày ở bệnh viện - Ảnh gia đình cung cấp

Anh Dương Hồng Quý, một người trụ cột gia đình 43 tuổi, có vợ và hai con trai ở Ninh Bình.

Anh Quý vốn khỏe mạnh, nhưng tháng 11 vừa qua đột ngột được phát hiện mắc chứng dị dạng mạch não, và khó khăn hơn nữa là cứ nút chỗ này lại phình chỗ khác.

Khi bệnh chuyển nặng, chính anh Quý đã đề nghị gia đình làm thủ tục hiến tạng của mình trước khi đưa anh về với đất mẹ.

"Ban đầu vợ anh ấy không đồng ý, nhưng khi anh ấy sắp mất chị lại lo sợ không thực hiện kịp di nguyện của chồng. Chị và người chị chồng đã liên lạc với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.

Anh ấy được chuyển về Bệnh viện Việt Đức trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Tôi sẽ nhớ mãi cái nắm tay của chị với anh trước lúc chia ly. Chị yêu chồng và mong điều kỳ diệu, nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra với gia đình anh chị, mà anh chị đã tặng điều kỳ diệu đó cho 5 gia đình khác" - một cán bộ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ.

"Điều kỳ diệu" mà anh Quý tặng lại là trái tim, hai lá phổi, hai quả thận và toàn bộ gan.

Đã có 5 người được sống nhờ điều kỳ diệu ấy. Họ sẽ sống tiếp cuộc đời của anh, cuộc đời của một người chồng vốn thích chăm sóc vợ con, dù con trai lớn tướng vẫn giành cắt móng chân cho cháu.

Giờ các cháu không còn được bố chăm sóc nữa rồi, nhưng mọi người sẽ nhớ anh mãi, nhớ nụ cười của anh, cười ngay cả trên giường bệnh.

LAN ANH

Nên ưu tiên ghép tạng cho trẻ em

ghép thận

GS.TS.BS Trần Đông A chia sẻ trường hợp ghép thận xuyên Việt lần đầu tiên ở trẻ em từ người hiến chết não - Ảnh: D.PHAN

Theo GS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn về ghép tạng Bệnh viện Nhi Đồng 2, người được coi có cả cuộc đời bác sĩ gắn bó với các ca ghép tạng Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ trước đến nay các nước đều ưu tiên ghép tạng cho trẻ em vì thời gian sống của các em rất dài.

Trong thực tế có những trẻ được ghép tạng từ lúc nhỏ, sau này có cuộc sống tốt, kéo dài, sức khỏe tốt.

* Quả thận của người lớn to khi ghép cho trẻ em thì có gặp trở ngại gì không, đặc biệt là quả thận của người lớn đã bị chết não?

- Trẻ em cho người lớn tạng thì không sao nhưng người lớn cho tạng trẻ em thì phải tuân thủ một số điều kiện như cân nặng của người nhận với người cho, thường trẻ phải nặng trên 25kg, ngoài ra phải tuân thủ định luật về huyết động học...

Tại các nước phát triển, nơi có nhiều người lớn chết não hiến thận thường quy định người cho thận cho trẻ em dưới 35 tuổi. Nguồn thận ghép tốt nhất cho một trẻ em là một quả thận có người cho là trẻ em.

Lý tưởng hơn cả là một trẻ em cùng tuổi vì thận vừa thích ứng về kích cỡ, về sinh lý sự phát triển nên khi ghép rất thích ứng, kết quả ghép tốt, trẻ được ghép có thể sống suốt đời.

* Ghép thận từ nguồn cho thận đã bị chết não hay từ người cho là người sống, ca ghép nào khó hơn?

- Là như nhau. Nhưng ghép thận từ nguồn người hiến đã chết não phải tính thời gian thiếu máu lạnh. Từ khi lấy thận của người hiến đến khi ghép thận có thể bảo quản trong đá trong vòng 24 giờ.

Tuy nhiên, điều này có khả năng làm cho chức năng thận giảm, hoạt động lâu trở lại sau khi được ghép. Trong khi nếu thực hiện ghép thận từ người cho còn sống, các bác sĩ có thể lấy thận từ phòng mổ này sang phòng mổ kia nên thận khi được ghép sẽ hồi phục nhanh.

* Hướng ghép tạng sắp tới của Bệnh viện Nhi Đồng 2 như thế nào, thưa bác sĩ?

- Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ tiếp tục ghép tạng (ghép thận, ghép gan) song song với hai nguồn từ người cho sống hoặc người cho bị chết não. Hi vọng số lượng ca ghép sẽ tăng lên.

Tôi vẫn cho rằng tốt nhất trẻ em được ghép thận từ nguồn thận của trẻ em. Trong khi hiện nay luật Việt Nam chưa cho phép người dưới 18 tuổi khi chết não được quyền hiến tạng.

Tôi đã gửi ý kiến này cho Bộ Y tế, đồng thời gửi cho Quốc hội để chỉnh sửa điều này. Và chỉ khi điều này được thực hiện thì chúng ta mới có thể tiến hành ghép tim cho trẻ em.

THÙY DƯƠNG thực hiện

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên