Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến bạn đọc, các nhà chính sách xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Minh Huân (nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội):
Tinh giản biên chế thực chất chưa?
Từ năm 1960 đến thời điểm hiện tại chúng ta đã trải qua bốn lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003. Đối với chủ trương cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lao động trong doanh nghiệp được Trung ương đề ra tại nghị quyết 27, từ năm 2018.
Thời gian dự kiến thực hiện vào tháng 7-2021. Sau 5 năm chờ đợi, thời điểm hiện tại, chúng ta đã tiết kiệm được 500.000 tỉ đồng là nguồn lực để cải cách tiền lương. Thực chất cải cách tiền lương là động lực của cải cách bộ máy hành chính, do vậy, không nên trì hoãn việc này.
Về định hướng cải cách tiền lương sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới khu vực công gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm 30%); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Việc cải cách sẽ tiến tới xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Bảng lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, trong đó bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể.
Việc quy định lương bằng lương cơ sở nhân hệ số nhiều năm liền đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Lương trả theo hệ số và cào bằng cả hệ thống công chức cùng hưởng lương như nhau, dù trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc mỗi người khác nhau.
Do vậy, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay sẽ giúp bảng lương mới khắc phục được các hạn chế. Đồng thời khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và góp phần giữ chân được người tài trong hệ thống.
Một yếu tố quan trọng khác để cải cách tiền lương, đó là cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, đơn vị, tinh giản biên chế thực chất hay chưa. Bởi chỉ cần tinh giản được 10% biên chế, sẽ có khoản đáng kể để tăng lương. Với các khu vực sự nghiệp như giáo dục, y tế, Nhà nước chỉ bao cấp một phần còn lại để các đơn vị tự chủ.
Chuyên gia Lê Đình Quảng (phó trưởng Ban Chính sách - pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):
Chính sách tiền lương phù hợp thực tiễn
Mục tiêu tổng quát của cải cách chính sách tiền lương lần này là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tạo động lực nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời, góp phần tinh gọn nhân sự, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình họ.
Giữ chân và thu hút nhân tài vào khu vực công cũng không ngoài mục tiêu tổng quát trên. Bên cạnh cải cách chính sách tiền lương thì các yếu tố như môi trường sống, môi trường làm việc, các cơ hội phát triển, nhu cầu cống hiến và sự công nhận... là những yếu tố quan trọng không kém để thu hút, giữ chân nhân tài mà chúng ta phải thực sự quan tâm.
Ông Ngọ Duy Hiểu (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam):
Giữ người tâm huyết
Cải cách lương một mặt vừa đảm bảo nâng cao đời sống cho cán bộ công chức, mặt khác vẫn cố gắng giữ chân họ ở lại hệ thống, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức, người có năng lực và kinh nghiệm và tâm huyết. Việc dự kiến cải cách tiền lương từ 1-7-2024 sẽ giúp tăng lương cho công chức, viên chức. Đó là tin mừng cho công chức, viên chức trong bối cảnh giá cả, đời sống ngày càng tăng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận