![Cải cách mạnh hơn để tránh tụt hậu - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/15/dangkykinhdoanhanhnguyenkhanh3-read-only-1739582923376384306121.jpg)
Người dân làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cải cách thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với tinh gọn bộ máy để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả là yêu cầu đặt ra để đất nước không tụt hậu so với các nước và đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Lo nguy cơ tụt hậu hiện hữu
Phát biểu tại Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói thẳng vấn đề: "Nguy cơ tụt hậu luôn hiện hữu. Đây là vấn đề chúng ta đã nhìn nhận ra, song phải phát triển mạnh mẽ để tránh khỏi nguy cơ đó. Cứ lững thững bước đi, chúng ta khó bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới".
Trong khi đó, đặt trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến động nhanh và khó lường, với nhiều khó khăn và thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc phải đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay "khó mấy cũng phải làm" để tạo nền tảng thực hiện hai mục tiêu trăm năm (100 năm thành lập nước và 100 năm thành lập Đảng), đưa đất nước tăng trưởng hai con số, giúp cho dân giàu nước mạnh.
Thủ tướng khẳng định sẽ tạo ra không gian sáng tạo cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân để tất cả cùng chung tay vào cuộc cho mục tiêu chung. Vì thế, các giải pháp trước mắt sẽ tập trung vào thúc đẩy tín dụng, ưu đãi thuế phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công gắn với dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy ba đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến yêu cầu thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả để nhắc đến công cuộc cải cách và tinh gọn bộ máy hiện nay là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thủ tục hành chính và bỏ cơ chế xin - cho. Từ bộ máy đến bố trí sắp xếp nhân sự, nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tăng cường cho cơ sở để chăm lo người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Còn theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần phải thúc đẩy kinh tế tư nhân. Hiện trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, đầu tư tư nhân chiếm 55%, nên cần phải cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm thấy rằng Chính phủ thực sự mở cửa, thực sự mong chờ nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư thực sự có hiệu quả.
Vì vậy, tại kỳ họp này, ông cho biết Quốc hội xem xét ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) phân cấp mạnh cho Chính phủ, địa phương trong ban hành các chính sách, Quốc hội chỉ ban hành luật khung, Chính phủ ban hành nghị định, bộ ban hành thông tư... với tinh thần mạnh dạn trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó thủ tục đầu tư phải thông thoáng và cởi mở.
Cùng đó, ông Mẫn yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải đi vào từng vấn đề để tháo gỡ thì mới nhanh được khi nhiều ý kiến từ các địa phương cho rằng họ gửi văn bản lên, bộ ngành trả lời rất chậm. Trong khi đó, ở các nước đã cải tiến rất nhiều.
"UAE cấp phép đầu tư chỉ 5 - 10 phút thôi. Đi Singapore, khi xuất nhập cảnh, máy nhìn cái mặt mình là cho qua thôi chứ không phải đóng dấu kịch kịch kịch" - ông Mẫn nêu ví dụ về việc mình đã đề cập đến nhiều nhưng nhiều nơi cải cách, chuyển đổi số vẫn chậm.
![Cải cách mạnh hơn để tránh tụt hậu - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/15/qdcongnhanvexos6-read-only-17395829233851294660200.jpg)
Công nhân làm việc tại Công ty Vexos (100% vốn nước ngoài) trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Làm gì để cải cách mạnh hơn?
Là người gắn bó với ngành kế hoạch và đầu tư trong nhiều năm, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM Trần Anh Tuấn, trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, chỉ ra những nút thắt lớn trong môi trường đầu tư kinh doanh là thủ tục đầu tư, thể chế. Nhiều dự án là động lực tăng trưởng đang tồn đọng, tắc nghẽn cũng cần được khơi thông, đặc biệt là thủ tục hành chính.
Theo ông Tuấn, cần phải tăng phân cấp phân quyền triệt để hơn, đặc biệt là những dịch vụ hành chính công trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Các quy định cần sửa đổi theo hướng phân cấp để đơn vị, người đứng đầu quyết định, chịu trách nhiệm xây dựng quy trình nhanh gọn, hiệu lực hiệu quả cho người dân, giải quyết nhanh chóng đối với các thủ tục về đầu tư, đặc biệt là thủ tục thành lập và phát triển doanh nghiệp.
Để tránh tụt hậu, đại biểu Tuấn cũng cho rằng cần khơi thông các nguồn lực đầu tư trong nhân dân, gắn với chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể, đặc biệt là các ngành và lĩnh vực khuyến khích phát triển.
Trong đó cần lưu ý chất lượng đầu vào, hiệu quả đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, đóng góp tăng trưởng và quy mô nền kinh tế bền vững hơn.
Trực tiếp tham gia vào quá trình cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh, đại biểu Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, chỉ ra thách thức đang đặt ra là độ trễ chính sách. Do đó cần tìm mọi cách để giảm thiểu độ trễ, tạo nhiều cơ hội kinh doanh nhanh một cách đồng đều cho người dân và doanh nghiệp.
Với việc sửa đổi các chính sách để các địa phương đã được trao quyền dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sớm đưa chính sách vào cuộc sống, cần phải thúc đẩy nhanh chóng thành hành động cụ thể, bắt tay vào làm ngay.
"Doanh nghiệp rất cần một môi trường đầu tư kinh doanh tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, dễ tuân thủ, chi phí tuân thủ thấp, có tính tiên liệu cao, nhanh chóng thực hiện được các ý tưởng kinh doanh của mình và ít rủi ro.
Làm được điều này không chỉ ngay lập tức gia tăng niềm tin mà còn nền tảng phát triển lâu dài, bền vững. Chậm thủ tục có thể khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh mà khó có thể chớp lại được", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu dẫn chứng vấn đề "chủ trương đầu tư", một doanh nghiệp muốn tăng vốn đầu tư nếu phải mất 2-3 tháng để điều chỉnh chủ trương đầu tư, dẫn đến nguồn tiền giải ngân có thể không còn khả năng đáp ứng hoặc nhu cầu thị trường.
Dẫn chứng khác là đã có chủ trương doanh nghiệp tại Việt Nam được phép làm những gì pháp luật không cấm, nhưng vẫn đang tồn tại một "vùng xám" đó là "pháp luật chưa quy định", điều này có thể gây cản trở và rủi ro cho những sáng tạo và đổi mới.
Một môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả không chỉ là nơi có chi phí tuân thủ thấp, thủ tục nhanh chóng mà còn phải là nơi doanh nghiệp phát huy nội lực, có sự tự do sáng tạo trong những lĩnh vực pháp luật chưa cấm và chưa quy định đến. Những ý tưởng kinh doanh mới sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới và phần còn lại của Nhà nước là chỉ cần thúc đẩy nó. Điều này cần phải được quán triệt, áp dụng nhất quán.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát việc thực thi chính sách. Ông chia sẻ không riêng gì UAE mà nhiều nước ở châu Âu như Phần Lan từ những năm 1990 việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã rất thuận lợi.
Còn đối với chúng ta, hiện nay còn rất nhiều thủ tục, phải xin chỗ nọ chỗ kia và còn bị phạt khi không đúng hạn thực hiện một số thủ tục. Thậm chí do một số chính sách đổi mới, sáng tạo chưa được khuyến khích nên còn có cả hiện tượng một số người Việt khi lập doanh nghiệp lại sang nước ngoài lập và nộp thuế cho nước đó chứ không phải cho Việt Nam.
Hiện nay Luật Đầu tư đã được sửa đổi với nhiều chính sách, tuy nhiên chưa vội bàn về chính sách mà nên chú ý đến kiểm soát ở phía dưới, nhất là ở những cán bộ thực thi, cấp giấy phép, tránh việc chính sách tốt nhưng khi thực thi lại theo hướng khác hoặc không giải quyết.
![Cải cách mạnh hơn để tránh tụt hậu - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/15/dangkykinhdoanhanhnguyenkhanh8-read-only-17395829233801941788273.jpg)
Công nhân làm việc trong một công ty dệt tại Khu công nghiệp Hải Yên (Quảng Ninh) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bỏ đóng dấu là bỏ một thủ tục
Liên quan việc "đóng dấu kịch kịch kịch" mà Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mô tả rất hình ảnh, ông Tô Hoài Nam - phó chủ tịch thường trực, kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ - cho rằng giảm được một khâu đóng dấu sẽ giảm đi một thủ tục. Bỏ đóng dấu thì các chữ ký, phê duyệt vẫn hoàn toàn khách quan, minh bạch khi mọi thứ hiện nay có thể thực hiện trên nền tảng điện tử bằng công nghệ số, nguyên tắc số hóa cũng bảo đảm tính công khai.
Còn ông Võ Xuân Hoài - phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và đầu tư) - cho hay các nước châu Âu từ mấy chục năm trước, khi chưa có chuyển đổi số, họ cũng đã không dùng con dấu. Giờ có hoạt động chuyển đổi số rồi thì việc bỏ con dấu lại càng thuận lợi. Nhiều thủ tục hành chính hiện nay bản chất cũng không cần con dấu, điều quan trọng nhất là tính xác thực.
Để làm điều này có hai việc cần làm: trên môi trường số cần có hệ thống xác thực số thông qua hệ thống dữ liệu quốc gia, chữ ký số và nâng cao ý thức của người dân về giá trị của chữ ký, không làm giả chữ ký người khác và không để ai làm giả chữ ký mình.
Với cơ quan nhà nước thì việc kết nối thông suốt từ trung ương xuống địa phương, giữa các bộ ngành trung ương với nhau rất quan trọng. Điều này hiện nay khá phổ biến ở cấp trung ương, văn bản trao đổi giữa các bộ, ngành, cơ quan cơ bản thực hiện trên môi trường số thông qua cổng thông tin điện tử. Việc gửi văn bản đi, văn bản phúc đáp đến đều thực hiện trực tuyến.
TS Phạm Hùng Tiến, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng bỏ con dấu là một giải pháp cải cách thủ tục hành chính. Cần hiểu rằng bỏ con dấu đi là đẩy mạnh phân cấp phân quyền, mỗi trưởng phòng là người đứng đầu một lĩnh vực phải chịu trách nhiệm toàn diện về lĩnh vực phân công theo dõi.
Cán bộ đã thay mặt cơ quan thực thi nhiệm vụ là phải chịu trách nhiệm, trực tiếp ký các thủ tục mà không nhất thiết phải là thủ trưởng, phó thủ trưởng. Xu thế này nhiều nước đã áp dụng từ lâu.
* Ông NGUYỄN NGỌC HÒA (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):
Cần xử lý dứt điểm các kiến nghị còn tồn đọng
Khảo sát của hiệp hội cho thấy có đến 46% doanh nghiệp đề nghị nhanh chóng giải quyết các kiến nghị hợp lý của các doanh nghiệp, khi thời gian qua các doanh nghiệp cũng như hiệp hội đã gửi nhiều kiến nghị. Do đó cộng đồng doanh nghiệp TP mong muốn các cơ quan chức năng có các biện pháp để gỡ vướng, xử lý dứt điểm các vấn đề vướng mắc đã tồn đọng nhiều năm.
Đồng thời quy trình thủ tục hành chính cần phải rút gọn, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, giảm thời gian chờ đợi. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của đất nước.
Ấn tượng UAE và Singapore ra sao?
![Cải cách mạnh hơn để tránh tụt hậu - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2025/2/15/z631802782731447bba42621724d5abac0a652059d53cd-read-only-1739582923388178030786.jpg)
Hành khách nhập cảnh tự động tại sân bay Changi (Singapore) - Ảnh: Sân bay Changi
Khi nói về việc đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có nêu ra các ví dụ mà ông ấn tượng về thủ tục nhanh gọn tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Singapore.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cuối năm 2024, UAE đã thực hiện một loạt cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như thúc đẩy môi trường kinh doanh và đầu tư. Nổi bật trong đó là thành lập Cơ quan đăng ký Abu Dhabi, được xem là nơi duy nhất thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh tập trung, nhằm đơn giản hóa quy trình cho các doanh nghiệp.
Nhà nghiên cứu ngoại giao kinh tế Ahmed Rashad từ Abu Dhabi cho biết vào năm 2021 Chính phủ UAE đã thực hiện các sửa đổi với Luật Thương mại dành cho công ty, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu toàn bộ 100% vốn tư nhân, thay vì 49% như trước đây, với nhiều loại hình kinh doanh.
Điều này đã góp phần tăng số lượng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh tự do hơn. Đáng chú ý, các quy định mới về quyền sở hữu vốn này không cần phải thay đổi thủ tục cấp phép hoặc các điều kiện cần thiết để tiến hành kinh doanh.
Hơn nữa, không có bất kỳ khoản phí bổ sung, bảo lãnh hay yêu cầu về vốn nào liên quan đến việc đạt được quyền sở hữu tư nhân hoàn toàn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, Chính phủ Singapore đã tinh gọn các thủ tục kinh doanh cồng kềnh bằng cách áp dụng hệ thống đăng ký kinh doanh trực tuyến. Hiện nay các doanh nghiệp tại đảo quốc này có thể đăng ký và hoàn tất thủ tục pháp lý nhanh gọn chỉ trong vài giờ.
Ngoài ra, có thể thấy Singapore đã đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ để đơn giản hóa những thủ tục rườm rà. Hiện tại hầu hết các dịch vụ công, từ đăng ký kinh doanh đến nộp thuế, đều được thực hiện trên nền tảng trực tuyến nhằm giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại và cắt giảm bớt một số cơ quan hoạt động kém hiệu quả.
Cũng như UAE, Singapore đã triển khai các cổng thông tin dịch vụ để người dân và doanh nghiệp có thể hoàn thành nhiều thủ tục tại một điểm duy nhất. Một trong số đó là GoBusiness - sáng kiến hợp tác của Chính phủ Singapore dành cho các doanh nghiệp tại nước này, để họ dễ dàng tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ điện tử của chính phủ.
Xuất nhập cảnh tự động mới chỉ chủ yếu dùng cho người Việt
Theo ghi nhận, nhiều hành khách Việt Nam đã quen sử dụng hệ thống Autogate (xuất, nhập cảnh tự động) thay vì đứng xếp hàng chờ làm thủ tục thủ công. Đại diện Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho hay số lượng hành khách dùng hệ thống tự động ngày càng tăng lên, đặc biệt là khách Việt Nam nhập cảnh.
Hiện nay, đối tượng khách hàng sử dụng hệ thống Autogate gồm khách người Việt Nam xuất và nhập cảnh. Còn khách nước ngoài có thẻ tạm trú tại Việt Nam có thể sử dụng hệ thống này để xuất cảnh, còn nhập cảnh vẫn phải xếp hàng chờ làm thủ tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận