01/02/2023 07:22 GMT+7

Cải cách hưu trí khuấy động bức xúc bất bình đẳng ở Pháp

Đối với những người tham gia đình công phản đối cải cách lương ở Pháp, vấn đề không chỉ là việc tăng tuổi hưu mà còn là mô hình kinh tế được cho là ưu ái người giàu và sự gần gũi giữa tổng thống và giới nhà giàu.

Cải cách hưu trí khuấy động bức xúc bất bình đẳng ở Pháp - Ảnh 1.

Người biểu tình xuống đường ở Paris ngày 31-1 - Ảnh: REUTERS

Ngày 31-1, đình công diễn ra rầm rộ khắp nước Pháp gây ảnh hưởng lên giao thông công cộng và các dịch vụ công. Bộ Nội vụ Pháp cho biết hơn 1,27 triệu người tham gia các cuộc đình công trên toàn quốc trong khi công đoàn ước tính hơn 2,8 triệu người biểu tình, theo Hãng tin AFP. 

Kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ, trong đó có tăng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm lên 64 tuổi và tăng số năm làm việc tối thiểu để hưởng lương hưu đầy đủ, là một trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm mang lại cho Pháp thêm hơn 19 tỉ USD.

Ông Macron khẳng định các khoản tiết kiệm chi phí dự kiến từ cải cách là cần thiết để bù đắp cho thâm hụt trong những năm tới. Paris cũng nói rằng tăng lương hưu tối thiểu sẽ tăng lên 1.300 USD một tháng và những người gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ.

Người nghèo Pháp chịu thiệt

Tuy nhiên, các chính trị gia cánh tả và các công đoàn xoay cuộc tranh luận theo hướng rộng hơn, tập trung vào cách phân phối của cải dưới thời ông Macron và liệu những người nghèo nhất có chịu gánh nặng từ các đề xuất của ông hay không.

Cải cách hưu trí khuấy động bức xúc bất bình đẳng ở Pháp - Ảnh 2.

Người biểu tình đụng độ cảnh sát ở Nantes ngày 31-1 - Ảnh: AFP

"Ông Macron không bao giờ lấy tiền từ nơi dồi dào: thuế lợi tức phụ thu, cổ tức, các công ty. Họ đang tiết kiệm ở những nơi họ không nên, trên lưng của những người làm việc chăm chỉ với mức lương thấp", Hãng tin AFP dẫn lời cô Floriane Verheil, một nhân viên bảo tàng 44 tuổi, khi tham gia biểu tình ở thủ đô Paris.

Các công đoàn, chính trị gia cánh tả và trí thức bao gồm nhà kinh tế Thomas Piketty cho rằng những người lao động không có tay nghề và được trả lương thấp, những người thường bắt đầu đi làm sớm hơn sinh viên, là những người bị thiệt hại nhiều nhất.

Nhưng các công đoàn cho rằng có nhiều cách khác để tăng doanh thu, như đánh thuế người siêu giàu hoặc yêu cầu người sử dụng lao động hoặc người hưu trí khá giả đóng góp nhiều hơn.

Nước Pháp không có tỉ phú

Ông Macron đã bị chỉ trích là "tổng thống của người giàu" kể từ khi ông, ngay trong những tháng đầu nhậm chức vào năm 2017, xóa bỏ một loại thuế tài sản đặc biệt và sửa luật cho phép dễ thuê và sa thải nhân viên.

Cải cách hưu trí khuấy động bức xúc bất bình đẳng ở Pháp - Ảnh 3.

Người biểu tình tuần hành ở Nice - Ảnh: AFP

Trong đợt đình công lần này, câu chuyện của gia đình tỉ phú Bernard Arnault, người sở hữu đế chế hàng xa xỉ LVMH, được đem ra công kích khi tài sản của họ tăng đột biến lên hơn 184 tỉ USD. Lãnh đạo Đảng Xanh, bà Marine Tondelier, mới đây nói rằng bà mơ về một "nước Pháp không có tỉ phú". 

Ngoài ra, ông Macron, tổng thống trẻ nhất của Pháp khi nhậm chức, coi việc cắt giảm thuế và khuyến khích kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hành động của mình. Ông cũng đạt được các thành tựu như đưa số người thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm, theo dữ liệu chính thức mới nhất. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chi tiêu cho lương hưu của Pháp cũng rất cao, tương đương 14,5% GDP.

Công nhân đình công, nhiều trạm xăng ở Pháp treo bảng hết hàngCông nhân đình công, nhiều trạm xăng ở Pháp treo bảng hết hàng

TTO - Ngày 8-10, Bộ Năng lượng Pháp cho biết hơn 1/5 trạm xăng dầu ở nước này đang gặp khó khăn về nguồn cung khi các cuộc đình công tại nhà máy của các hãng xăng dầu lớn như TotalEnergies, ExxonMobil đã kéo dài đến ngày thứ 12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên