Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Văn hoá thể thao và du lịch sáng 18-5 - Ảnh: MINH ĐỨC
Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã phân trần về những ý kiến chỉ trích đơn vị này cấp phép Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao năm 2017.
Tôi khẳng định không có chuyện cấp phép Quốc ca như nhiều người nghe đồn. Chỉ là Quốc ca và nhiều bài khác được đưa vào trang cấp phép phổ biến, chứ Cục không cấp phép Quốc ca.
Ông Nguyễn Quang Vinh hồi đáp lại câu chuyện, năm ngoái dư luận hết sức phẫn nộ vì cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép Tiến quân ca
Ông Vinh nói năm 2017, khi ông chưa về làm Cục trưởng thì xảy ra nhiều sự cố nóng hổi liên quan đến đơn vị này. Nhưng ông vẫn muốn giải thích thêm để tổ công tác và công chúng hiểu rõ câu chuyện.
Ông phân tích việc cấp phép phổ biến các ca khúc là chỉ giới hạn với các bài hát sáng tác trước năm 1975 ở phía Nam.
"Mặc dù bây giờ nhiều người trong đó có những người dân phía Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thường nói đến hoà hợp. Hoà hợp là về tinh thần, nhưng sản phẩm tinh thần mà phục vụ chế độ chính trị trước thì rất khó hoà hợp.
Cho đến nay chúng ta khó có thể biết xem có bao nhiêu bài hát sáng tác trước 1975 bởi có ca khúc sáng tác rất lâu nhưng chưa phổ biến, có ca khúc sáng tác mới đây, nhưng nội dung lại nói về thời điểm đó.
Vậy nên tinh thần sửa nghị định về nghệ thuật biểu diễn sắp tới là xem xét mở rộng phạm vi cấp phép. Những bài nào không trực tiếp liên quan đến chính trị, không xâm phạm lợi ích dân tộc, chỉ nói về tình cảm, yêu đương... thì xem xét cấp phép", ông Vinh cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, rất thẳng thắn nhận xét rằng cách quản lý của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch hiện nay đang cản trở quá trình phát triển của ngành văn hoá.
"Tôi cảm nhận ngành này đang quản theo lối là cơ quan quản lý nhà nước hiểu đến đâu, có năng lực đến đâu thì cho dân làm đến đấy.
Vì còn kiểm duyệt nên mọi sản phẩm mang tính chất văn hoá, người sáng tạo ra sản phẩm bao giờ cũng phải ý thức tự kiểm duyệt họ để theo nhu cầu của nhà quản lý hơn là làm theo nhu cầu thị trường nên mất đi tính tự quản.
Như thế thì làm sao không xảy ra chuyện xấu? Đồng thời quản lý như vậy lại hạn chế rất nhiều sản phẩm sáng tạo trong khi ngành này lại đòi hỏi sáng tạo rất lớn.
Bộ đang quản theo lối đó thì không bao giờ có sản phẩm văn hoá mang tầm cỡ và đáp ứng nhu cầu thị trường, có thể xuất khẩu được. Vì người dân, người đầu tư bao giờ cũng hướng đến thị trường chứ không ai hướng đến nhà quản lý".
Bây giờ là thời đại xã hội số, hành vi và các thức tiêu dùng thay đổi. Chỉ cần một chiếc điện thoại là mọi người có thể xem được tất cả những thứ mà họ cần. Vậy thì anh đòi quản lý cái gì nữa? Anh không cho phép nhưng người ta vẫn xem được mọi thứ mà. Cách quản lý như thế chỉ có hại cho chúng ta thôi.
TS Nguyễn Đình Cung phản biện về việc cấp phép bài hát trước năm 1975
Ông phân tích quy định nhập phim phải có rạp là quy định phi kinh tế. Bởi quy định này không chia sẻ rủi ro, tạo ra giới hạn gia nhập thị trường rất lớn. Nên chỉ nhà đầu tư nước ngoài mới nhập thị trường được chứ nhà đầu tư Việt Nam không gia nhập thị trường được.
"Cách thức quản lý như vậy đang tạo ra rào cản khiến không huy động hết nguồn lực của dân. Di tích chúng ta tương đối nhiều nhưng chưa khai thác được. Việc gia tăng về số lượng khách du lịch lại nhờ cải cách ở các Bộ khác. Như việc bỏ cấp visa là Bộ Công an, Bộ Ngoại giao chứ không phải thay đổi của trong chính ngành của mình.
Tuy rằng báo cáo của Bộ Văn hoá nói làm được nhiều việc nhưng phải nhìn nhu cầu phát triển để thấy có khoảng cách rất lớn. Bộ phải điều chỉnh tư duy và cách thức quản lý của mình. Chứ nếu cứ tư duy như hiện nay thì không có Luật còn hơn có Luật, không có Nghị định còn hơn có Nghị định", ông Cung đề xuất.
Một trong những điểm ông Cung nhấn mạnh là phải thay đổi cách quản lý, có thể cấm một số cái gì đó thôi, còn những gì không cấm thì người dân được phép tự do làm. Nhưng hiện nay Bộ lại đang làm ngược lại là người dân chỉ được làm những gì mà Bộ cho phép. Mà những gì Bộ cho phép đó sao có thể bao quát được hết.
Bộ Văn hoá ban hành nhiều thông tư ban hành can thiệp vào nhiều công việc cụ thể của người dân. Chỉ nên bàn hành cẩm nang hướng dẫn thay vì Thông tư quy định như vậy sẽ gây buồn cười, không phù hợp với thực tiễn. Đừng để một tờ giấy A4 gây cản trở cho rất nhiều thứ.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận