Vốn là một xã hội bảo thủ lâu đời, Hàn Quốc đang chứng kiến một làn sóng cởi mở hơn đối với tình dục, cũng như tiếng nói nữ quyền trong quan hệ tình cảm đến từ một bộ phận của giới trẻ.
Những quan niệm cấm kỵ về tình dục đang dần biến mất trước xu hướng chấp nhận quan hệ yêu đương đơn thuần, không quá coi trọng hôn nhân. Bên cạnh đó, các bác sĩ cho biết ngày càng có nhiều cặp vợ chồng mạnh dạn tìm hiểu về các phương pháp tránh thai.
Eura Kwak, chủ cửa hàng Pleasure Lab ở Seoul - Ảnh: The Guardian
Lin Yu-han (34 tuổi) bắt đầu chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội về mỗi lần hẹn hò thành công của mình từ hai năm trước.
Cô kêu gọi mọi người vượt qua rào cản truyền thống, cởi mở yêu đương, và không cần quá quan trọng chuyện chỉ được quan hệ tình dục khi đã đính hôn hoặc kết hôn.
Lin khẳng định nếu bạn trai không khiến cô hài lòng, cô chẳng cần phải cố gắng chịu đựng. Cô muốn phái yếu trở nên độc lập hơn trong quan hệ tình cảm.
Rất nhiều người sống ở Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, vẫn e dè khi nhắc đến quan hệ tình dục. Người Hàn có xu hướng dùng từ vay mượn từ tiếng Anh để thay cho những từ "nhạy cảm". Chủ đề này càng trở nên cấm kỵ hơn nếu người nói ra là phụ nữ.
Pleasure Lab, một cửa hàng đồ chơi người lớn ở khu Dosan, đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống tình dục của phụ nữ và thường tổ chức các buổi giáo dục giới tính. Tuy nhiên, Naver, công cụ tìm kiếm online phổ biến nhất ở Hàn, không hiển thị tên của cửa hàng trên kết quả tìm kiếm.
Eura Kwak, cựu y tá và là chủ cửa hàng, cho biết: "Nếu không có những doanh nghiệp như chúng tôi, nhận thức của mọi người về tình dục sẽ không thay đổi".
Khi một phụ nữ nói đến chuyện tình dục, người ta sẽ cho là cô ấy hư hỏng.
Eura Kwak
Quan hệ tình cảm ở Hàn Quốc trên truyền thông chính thống cũng được khắc họa khá trong sáng, và thường nghiêng về nam giới.
Witch Hunt là một show truyền hình nổi tiếng nhờ "nói thẳng nói thật" về vấn đề tình cảm và tình dục. Nhưng ban đầu, nó được xây dựng để hướng dẫn cho những anh chàng vụng về cách tán tỉnh phụ nữ. Bốn người dẫn chương trình đều là nam.
Kuciia Diamant, một drag queen có tiếng ở Hàn Quốc - Ảnh: The Guardian
Tháng 3-2017, chương trình truyền hình Cranky Men and Women xuất hiện với mục đích rõ ràng là "nói thẳng những đặc trưng giới trong đời sống thường nhật", và được các nhà hoạt động nữ quyền ủng hộ nhiệt liệt.
Giới trẻ Hàn Quốc không chỉ kêu gọi tự do tình dục và bình đẳng giới. Cộng đồng giới tính thứ ba cũng đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, và xuất hiện ngoài sáng nhiều hơn.
Ban ngày, Kuciia Diamant là một nhân viên công sở bình thường tại công ty thương mại điện tử. Cuối tuần, khi màn đêm xuống, Kuciia hóa thân thành nghệ sĩ drag queen (đàn ông hoặc người chuyển giới hóa trang như phụ nữ) nổi tiếng nhất Seoul.
"Cộng đồng của chúng tôi đã ngầm hoạt động quá lâu, nhưng chúng tôi muốn trở thành cầu nối tới một xã hội rộng mở hơn", Kuciia nói.
Bắt đầu từ năm 2015, lễ hội văn hóa dành cho cộng đồng giới tính thứ ba được tổ chức ở thủ đô Hàn Quốc, thu hút sự chú ý của công chúng.
Theo Kuciia, chính bản thân giới trẻ sẽ đem đến thay đổi về cách nhìn nhận tình dục cũng như các vấn đề công bằng giới tính. "Những cách thể hiện như nghệ sĩ drag queen biểu diễn đang dần được chấp nhận nhiều hơn", Kuciia cho biết.
Tuy nhiên, làn sóng hướng tới tình dục tự do của giới trẻ cũng vấp phải ý kiến trái chiều từ những người thủ cựu. Mục sư So Kang Suk, người phản đối mạnh mẽ phong trào của cộng đồng LGBT, đánh giá sự thay đổi này đang "đi sai hướng" và kêu gọi giữ gìn giá trị truyền thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận