21/04/2020 17:29 GMT+7

Cách hoạt động của đường dây cho vay qua app lãi suất 1.095%/năm

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Liên quan vụ 'phá đường dây vay app với 60.000 con nợ chịu lãi suất 1.095%/năm', ngày 21-4, Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho biết đường dây tổ chức chặt chẽ, lợi dụng người vay cần tiền để lấy lãi suất rất cao.

Phá đường dây cho vay nặng lãi qua app do người Trung Quốc cầm đầu - Video: TVO

Theo PC02, Niu Li Li và Jiang Miao (quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu đường dây. Hiện đã khởi tố, bắt tạm giam 5 nghi phạm gồm Tu Long (28 tuổi), Yuan Deng Hui (27 tuổi), Lâm Cẩm Quyền (30 tuổi), Lài Thế Hùng (29 tuổi) và Chề Ngọc Trinh (25 tuổi) để điều tra tội "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự".

Tổ chức chặt chẽ

Niu Li Li và Jiang Miao thuê 3 người Việt Nam đang sinh sống ở TP.HCM đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật cho những công ty Vinfin, Beta, Đại Phát (trụ sở ở quận Bình Tân) để hoạt động dịch vụ tư vấn, tài chính. Người đại diện nhận lương 10 triệu đồng/tháng, khai không biết hoạt động cho vay nặng lãi núp bóng công ty.

Các công ty chia nhiều bộ phận quản lý, phiên dịch, xét duyệt hồ sơ, thu hồi nợ. Từ tháng 4-2019, Niu Li Li và Jiang Miao tạo các ứng dụng trên điện thoại di động (hệ điều hành Android) vay tiền mang tên "Vaytocdo", Moreloan", "VD Online". Các app (ứng dụng) này được quảng cáo trên Internet, mạng xã hội, Zalo để người cần tiền được vay nhanh, đơn giản.

Bộ phận quản lý (Tu Long và Yuan Deng Hui) được thuê mức lương 35 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ quản lý nhân viên thẩm định hồ sơ, hồ sơ đăng ký vay, quản lý hồ sơ sắp đến hạn tất toán và nhắc nhở nhân viên đòi nợ.

Bộ phận phiên dịch (Chề Ngọc Trinh, Lài Thế Hùng, Lâm Cẩm Quyền) được thuê với mức lương 10-15 triệu đồng/tháng. Những người này làm kế toán, phiên dịch, quản lý danh sách người vay và trực tiếp phỏng vấn qua mạng tuyển nhân viên cho công ty.

Cách hoạt động của đường dây cho vay qua app lãi suất 1.095%/năm - Ảnh 2.

Những người hoạt động trong đường dây - Ảnh: CACC

Bộ phận xét duyệt hồ sơ (8 người) với mức lương cứng 6 triệu đồng/tháng. Những người này được giao một tài khoản và mật khẩu, khi người vay tạo được tài khoản thì hệ thống báo kiểm duyệt. Nhân viên sẽ liên lạc người vay xác minh thông tin, nếu thỏa điều kiện thì hệ thống tự chuyển khoản cho người vay.

Bộ phận thu hồi nợ (30 người), mức lương cứng 6 triệu đồng/tháng. Họ được giao một tài khoản và mật khẩu, khi người vay gần đến hạn thanh toán thì nhóm này sẽ liên lạc đòi nợ, đe dọa. Ngoài mức lương cứng, những người trong đường dây, đặc biệt bộ phận thu hồi nợ, còn hưởng những khoản phụ khác.

Lấy danh bạ điện thoại người vay để khủng bố

Khách hàng muốn vay phải tải 1 trong 3 app về điện thoại, ứng dụng yêu cầu tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh riêng, CMND, tài khoản ngân hàng) và chọn mục "đồng ý" tại hợp đồng điện tử soạn sẵn. Trong hợp đồng có điều khoản người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ điện thoại.

Theo đó, khách hàng vay qua app "Vaytocdo" thì vay lần đầu được tối đa 1,7 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận được hơn 1,4 triệu đồng, còn lại là phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, người vay phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 2 triệu đồng. Nếu khách hàng trả chậm sẽ bị phạt hơn 100.000 đồng/ngày.

Còn app "Moreloan" và "VD online" thì người vay lần đầu được duyệt 1,5 triệu đồng nhưng thực tế chỉ được nhận 900.000 đồng, còn lại là phí dịch vụ. Sau một tuần, người vay phải trả gốc vay 1,5 triệu đồng. Nếu khách trả chậm sẽ bị phạt từ 2-5% lãi suất/ngày.

Cách hoạt động của đường dây cho vay qua app lãi suất 1.095%/năm - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của các công ty núp bóng vay app - Ảnh: CACC

Khi khách hàng không trả nợ đúng hạn, bộ phận thu hồi nợ sẽ khủng bố các kiểu (đe dọa, chửi bới…) con nợ và tất cả những người thân, bạn bè có lưu số trên danh bạ điện thoại người vay. Nhiều người không chịu nổi áp lực phải xoay tiền gấp trả nợ cho yên thân.

Khi người vay muốn trả nợ, tất toán khoản vay, Niu Li Li và Jiang Miao đã mở nhiều tài khoản khác nhau (hoặc cho nhân viên mở tài khoản tại các ngân hàng ACB, Vietcombank, Techcombank, VP Bank…) để nhận tiền của người vay chuyển đến.

Những người vay cho biết ứng dụng đơn giản, có tiền nhanh nên lúc cần tiền họ làm thủ tục vay. Người vay chưa từng tiếp xúc ai bên phía cho vay do chỉ làm việc qua điện thoại, tin nhắn trên mạng xã hội. Lúc thẩm định vay, nhân viên ăn nói lịch sự để dụ dỗ người vay chấp nhận.

Không ít người vay chia sẻ "bấm bấm vài cái thì được vay tiền", lại vay không nhiều, chủ nợ không biết ở đâu. Từ đó có tâm lý nếu chậm trả nợ hay "quên luôn" cũng không sao. Nhưng phía công ty đã lấy danh bạ và khủng bố các kiểu đến người thân, gia đình, bạn bè con nợ cho đến khi thu hết nợ.

Theo PC02, gần đây tội phạm hoạt động cho vay nặng lãi qua app còn dụ dỗ, giới thiệu con nợ vay tiếp qua các app khác để trả nợ cũ. Có người đã nghe theo, ban đầu vay từ 1-5 triệu đồng nhưng sau đó "lãi mẹ" đẻ "lãi con" lên đến vài trăm triệu đồng.

Nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động cho vay nặng lãi

Qua kiểm tra nhân thân lai lịch bị can, Tu Long, Yuan Deng Hui từ nhỏ sống cùng gia đình tại Trung Quốc, nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) và sân bay Tân Sơn Nhất. Lần gần nhất, cả hai nhập cảnh cuối năm 2019 và được Jiang Miao thuê làm quản lý phụ trách bộ phận liên hệ khách hàng, thẩm duyệt hồ sơ và nhắc nhở đòi nợ.

Phá đường dây vay app với 60.000 ‘con nợ’ chịu lãi suất Phá đường dây vay app với 60.000 ‘con nợ’ chịu lãi suất 'cắt cổ' 1.095%/năm

TTO - Công an TP.HCM triệt phá đường dây cho vay nhanh qua app (ứng dụng) với hơn 60.000 người vay chịu lãi suất 'cắt cổ' 1.095%/năm.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên