08/09/2023 17:36 GMT+7

Cách ăn tránh mắc và hạn chế bệnh trĩ phát triển

Cổ nhân có câu "bệnh tòng khẩu nhập" (bệnh theo miệng mà vào), điều đó rất đúng đối với bệnh trĩ. Bởi vậy, để phòng căn bệnh này cần hết sức chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều biến chứng nặng nề

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết trĩ là bệnh thường gặp, tỉ lệ mắc bệnh không những đứng hàng đầu trong nhóm các bệnh lý hậu môn trực tràng, mà còn chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong các bệnh lý toàn thân. 

Bởi vậy từ xưa dân gian đã có câu "Thập nhân cửu trĩ", có nghĩa là trong 10 người thì có đến 9 người bị trĩ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh trĩ, ngoài nhân tố về cấu trúc giải phẫu và chức năng sinh lý của hậu môn trực tràng, tác nhân bên ngoài như nghề nghiệp phải ngồi nhiều đứng lâu, ít hoạt động, mắc chứng táo bón, kiết lỵ, tiêu chảy, uống nhiều rượu, ăn quá nhiều đồ cay nóng, phụ nữ mang thai...

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, phân tích bệnh trĩ là hiện tượng bị phình, giãn quá mức đám rối tĩnh mạch ở vùng cuối trực tràng và hậu môn. Bệnh trĩ là loại bệnh của mạch máu tĩnh mạch.

Khi tĩnh mạch hậu môn hoạt động kém, máu đi đến đây sẽ không lưu thông được, ứ đọng làm cho tĩnh mạch giãn, phình ra. Bệnh nặng búi trĩ to có thể làm cho máu đông lại thành cục gây tắc nghẽn.

Bệnh trĩ được chia thành các loại trĩ ngoại, trĩ nội và trĩ hỗn hợp. Trĩ hỗn hợp thường xảy ra do các nguyên nhân như thành tĩnh mạch mỏng, không tiết chế ăn uống, nội nhiệt chạy xuống phía dưới bức ép đại tràng, ngồi lâu, gánh nặng, đi đường xa khiến máu không thông suốt.

Bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng trĩ, nghẽn mạch (cục máu đông trong túi búi trĩ) sa và nghẽn các búi trĩ, rò hậu môn. Bệnh càng kéo dài càng gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Khi bị trĩ, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng: chảy máu gây thiếu máu trầm trọng; sa trĩ, tức là trĩ lòi ra ngoài thành búi hoặc thành vòng gây sưng, chảy máu, bầm tím, nghẹt hậu môn rất khó chịu; trĩ bị tắc nghẽn do cục máu đông tụ lại làm búi trĩ sưng to rất đau, căng bóng; trĩ bị viêm nhiễm làm nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu ở hậu môn.

Trọng thực phẩm có tính nhu nhuận nhưng ôn ấm

Thạc sĩ Toàn cho biết cổ nhân có câu "Bệnh tòng khẩu nhập" (bệnh theo miệng mà vào), điều đó rất đúng đối với bệnh trĩ. Bởi vậy, để phòng căn bệnh này cần hết sức chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống.

Trước hết, phải điều độ và đúng giờ giấc, không ăn quá no và cũng không để quá đói. Điều này giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động được bình thường, đúng quy luật và có hiệu quả, đặc biệt đối với người già.

Thứ hai, thức ăn cần đảm bảo đủ về lượng, tốt về chất nhưng phải dễ tiêu và có chất xơ, chú ý uống đủ nước và ăn nhiều rau quả tươi, trọng dụng các thực phẩm có tính nhu nhuận nhưng ôn ấm như vừng, đậu đen, đậu tương, mộc nhĩ...

Mỗi tuần nên ăn một vài bữa cơm gạo lứt muối vừng. Điều này giúp phòng chống hữu hiệu chứng táo bón, một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ.

Cuối cùng, phải hết sức giữ gìn vệ sinh ăn uống, đặc biệt là vào mùa hè để phòng tránh các bệnh lý dễ tạo điều kiện phát sinh bệnh trĩ như: kiết lỵ, viêm ruột do nấm hoặc do vi khuẩn, rối loạn tiêu hóa...

Không nên ăn quá nhiều các thức ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu, rượu mạnh... dễ gây táo bón hoặc các thức ăn tính quá lạnh như cua, ốc, thịt trâu, dưa hấu... dễ gây đi lỏng. Đặc biệt nên kiêng bia, rượu, hạn chế tối đa thuốc lá, trà, cà phê...

Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh để phòng và chữa trị bệnh trĩ, nên ăn các món cung cấp nhiều chất xơ như: rau, củ, quả, đậu phụ, ngũ cốc. Các loại rau mồng tơi, rau đay, rau dền, rau lang có tính mát, nhuận tràng giúp tiêu hóa dễ dàng.

Củ khoai lang cũng rất tốt đối với người bệnh trĩ, nên ăn thêm khoai lang luộc vào các bữa phụ. Nên ăn các loại bưởi, cam, quýt vừa giúp thanh nhiệt, vừa cung cấp nhiều chất xơ.

Uống nước mát đầy đủ hằng ngày.

Với người mắc bệnh trĩ cần sử dụng các món ăn để hỗ trợ điều trị và dự phòng, vừa hiệu quả, vừa an toàn như sau:

- Mộc nhĩ đen nấu táo đỏ: 15g mộc nhĩ đen, 20 quả táo đỏ. Cho mộc nhĩ đen và táo đỏ vào nồi, nấu chín với lượng nước vừa phải. Mỗi ngày dùng 1 lần, dùng liền nhiều ngày sẽ có công hiệu dưỡng huyết, hòa huyết, cầm máu.

- Gốc rau dền nấu đại tràng lợn: 100g gốc rau dền rửa sạch, xắt khúc, 150g đại tràng lợn cắt khúc. Tất cả cho vào nồi nấu trong một giờ với lượng nước vừa phải. Sau đó, gắp gốc rau dền ra, cho thêm lượng muối vừa ăn vào nồi nước rồi ăn xác, uống nước. Đây là món giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, tiêu viêm.

- Hoa hòe nhồi đại tràng (ruột già) lợn: Lấy 20g hoa hòe nhồi vào đại tràng lợn đã rửa sạch, dùng dây buộc chặt hai đầu đại tràng và luộc chín với lượng nước vừa phải, cho thêm gia vị vừa ăn. Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu.

- Chè nhân sâm hạt sen: Dùng 10g nhân sâm trắng, 15g hạt sen, 30g đường phèn. Cho nhân sâm trắng và hạt sen (đã bỏ tim sen) vào chén, ngâm với lượng nước vừa phải cho nở, thêm đường phèn, hấp cách thủy khoảng một giờ, dùng đều đặn trong bữa ăn sáng và tối.

Nên và không nên để phòng bệnh trĩ

Hết sức tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm vì có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở khoang xương chậu làm cho ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ.

Tăng cường hoạt động thể lực, đặc biệt là vận động cơ bắp. Các môn bơi lội, chạy chậm, đi bộ đều có tác dụng phòng ngừa ở các mức độ khác nhau.

Nên hình thành thói quen mỗi sáng sớm thức dậy đúng giờ đại tiện. Không nên nhịn đại tiện vì sẽ gây ra táo bón.

Chú ý vệ sinh tầng sinh môn, nhất là sau khi đại tiện. Mỗi ngày nên ngâm nước ấm vùng hậu môn chừng 15 - 20 phút.

Bí quyết ngăn ngừa bệnh trĩ tái phátBí quyết ngăn ngừa bệnh trĩ tái phát

Với những người đang mắc căn bệnh trĩ 'khó nói', bài viết này sẽ tiết lộ những điều hữu ích và mách bạn cách ngăn ngừa bệnh trĩ tái phát dễ dàng thực hiện ngay tại nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên