03/05/2015 11:08 GMT+7

Các viện hàn lâm Pháp bị tố xài tiền vung tay

N.QUÂN
N.QUÂN

TT - Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc xài tiền ngân sách vô tội vạ đã trở thành mục tiêu công kích của công luận Pháp.

Tòa kiểm toán của Pháp vừa công bố một báo cáo “chết người” về chuyện chi tài chính của năm viện hàn lâm của Pháp: Viện hàn lâm Pháp, Viện hàn lâm Văn khắc và mỹ văn, Viện hàn lâm Khoa học, Viện hàn lâm Mỹ thuật và Viện hàn lâm Luân lý và chính trị.

Theo báo cáo này, người ta thấy nhiều chuyện khó lọt lỗ tai như chuyện xe công vụ của ông Hugues Gall, giám đốc Quỹ Claude Monet trực thuộc Viện hàn lâm Mỹ thuật.

Ông Gall làm giám đốc Quỹ Claude Monet từ năm 2008 và từ năm 2013 được trang bị một chiếc BMW 125i mới cáu với giá 40.461 euro (gần 1 tỉ đồng).

Thêm vào đó, chi phí cho xe cộ của ông (gồm tiền xăng nhớt, thuê chỗ đậu xe) khiến người đóng thuế ở Pháp tiêu tốn quá nhiều: tăng từ 1.300 euro/tháng vào năm 2009 lên 4.000 euro/tháng vào năm 2013.

Mất tiền do quản lý không tốt

Một nhân vật khác cũng khiến người dân ngao ngán về các khoản phí cho xe cộ là ông chánh văn phòng của bà Hélène Carrère d'Encausse - thư ký vĩnh viễn của Viện hàn lâm Pháp.

Chính Viện hàn lâm Pháp cũng kết tội ông này “lạm dụng chức vụ để trục lợi cá nhân” qua việc lấy xe công của viện cho thuê vào năm 2004. Tuy nhiên viện hàn lâm không muốn mất mặt nên không kiện tụng gì.

Một cơ quan khác bị nhắc nhở là Học viện Pháp quốc - cơ quan quản lý bao trùm năm viện hàn lâm nêu trên. Học viện Pháp quốc có các tài sản trị giá 1,5 tỉ euro, trong đó có khu bất động sản cho thuê trị giá 400 triệu euro. Nhưng phần tài sản này bị cho là quản lý không tốt.

“Do không có chiến lược quản lý hữu hiệu nên ở đây gây ra mất mát nhiều triệu euro” - báo cáo của Tòa kiểm toán của Pháp ghi nhận.

Chi phụ cấp vô tội vạ, viện sĩ sống như ông hoàng

Nhưng cũng có vẻ những thiệt hại, thất thoát đó không ngăn các vị viện sĩ sống khỏe. Tiền phụ cấp hằng năm của ông Gabriel de Broglie, lãnh đạo Học viện Pháp quốc là 110.009 euro.

Ông này đi xe cùng loại với xe của Tổng thống François Hollande! Bà Hélène Carrère d'Encausse cũng không kém cạnh với phần phụ cấp 104.768 euro mỗi năm. Các thư ký vĩnh viễn của các viện hàn lâm còn lại cũng được nhận phụ cấp trung bình 60.000 euro hằng năm.

Ngoài chuyện được trợ cấp, các viện sĩ này được cấp chỗ ở hoành tráng tại Paris. Báo cáo của Tòa kiểm toán của Pháp chỉ ra những vụ chi tiêu khó hiểu: bà vợ góa của ông Maurice Druon, từng là thư ký vĩnh viễn Viện hàn lâm Pháp, được trợ cấp 3.000 euro mỗi tháng tiền nhà, do Học viện Pháp quốc chi trả.

Một cán bộ của Học viện Pháp quốc là ông Laurent Personne được cấp đến năm nhà công vụ. Ông này từng là chánh văn phòng trong hơn 20 năm cho hai đời thư ký vĩnh viễn của Viện hàn lâm Pháp.

Báo cáo cho biết ông Laurent Personne bị sa thải vào năm 2008, nhưng từng có thời gian dài được cấp hai căn hộ liền kề mà nhờ đó ông nối kết mở rộng thành căn to ở khu Muette và hai căn hộ (sau đó nối kết thành căn to) ở khu Latin và một căn hộ thuộc trong lâu đài Berzée ở Bỉ!

Một vụ việc khác gây chú ý trong hồ sơ của tòa án kiểm toán: vụ bán một tòa nhà ở trung tâm Paris vào năm 2009. Việc mua bán hoàn tất với giá 60 triệu euro nhưng vụ này có nhiều bất thường. Phía Học viện Pháp quốc giải thích nhà thiết kế thời trang danh tiếng Pierre Cardin đã mua tòa nhà này và ông ta cũng là viện sĩ của Viện hàn lâm Mỹ thuật.

Thế nhưng trên thực tế người mua là một tay kinh doanh bất động sản đã kiếm lời hàng triệu euro trong thương vụ này. Vụ việc vẫn đang bị điều tra.

Bà chủ tịch Saal tại trụ sở INA khi còn tại vị - Ảnh: AFP

Đi taxi hết 41.000 euro!

Bà Agnès Saal, chủ tịch Viện Nghe nhìn quốc gia (INA) của Pháp, hồi đầu tuần đã phải nộp đơn từ chức lên Bộ trưởng Văn hóa Fleur Pellerin và được chấp thuận tức thời. Lý do: bà đã xài tiền taxi đến gần 41.000 euro (gần 1 tỉ đồng) trong 10 tháng tại nhiệm, theo Francetv.

Vụ việc được nhật báo Le Figaro tung ra (từ thư nặc danh của một người được cho là trong nội bộ INA) ngày 27-4 và nhanh chóng trở thành xìcăngđan.

Bà Saal lý giải mình phải đi taxi dù theo quy định được phép sử dụng xe cơ quan có tài xế riêng vì “phải làm việc ngoài giờ nhiều nên không thể trưng dụng tài xế cơ quan” và bà cũng không có bằng lái xe nên phải đi taxi.

Câu trả lời nghe hợp lý nhưng không qua được tai mắt người dân và giới truyền thông. Báo chí truy đến cơ quan INA thì có người nói các tài xế ở đây “chưa từng phàn nàn chuyện phải làm thêm giờ”.

Thêm vào đó, truyền thông phát hiện gói cước taxi thuê bao dạng VIP của bà chủ tịch với Công ty taxi G7 được nói là đến 7.000 euro, nhưng phía Công ty G7 cho rằng gói dạng đó chỉ 1.950 euro, thậm chí có thể rẻ hơn sau thương lượng!

Cuối cùng bà chủ tịch Saal phải thừa nhận có “vụng về” đưa mật mã đi taxi cho con trai và cậu này đã dùng đến 6.700 euro cho chuyện đi lại! Và chi phí taxi vào dịp cuối tuần được cho là vì mục đích cá nhân của bản thân bà cũng lên đến 7.500 euro.

Vụ việc như thế đã quá rõ. Chiều 28-4, bà Saal phải gặp Bộ trưởng Văn hóa Pellerin và nộp đơn xin từ chức. Bà bộ trưởng còn yêu cầu bà Saal phải hoàn trả ngay số tiền chi ngoài công việc.

Nhưng hệ quả của nó chưa hẳn đã hết sau đơn từ chức. Theo Francetv, ông Jean-Christophe Picard, chủ tịch Hội Chống tham nhũng Anticor, cho biết nếu người của INA không nộp đơn kiện bà Saal tội “lạm dụng tài sản xã hội” thì tổ chức của ông sẽ làm việc đó và thậm chí đòi thanh tra luôn việc tiêu xài số tiền 90 triệu euro hằng năm cấp cho INA.

 

N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên