
Giáo hoàng Francis phát biểu trong sự hiện diện của một số hồng y hồi tháng 9-2023 - Ảnh: REUTERS
Theo báo Washington Post, các hồng y của Giáo hội Công giáo sẽ tổ chức Mật nghị hồng y để chọn người kế nhiệm Giáo hoàng Francis trong 15 - 20 ngày tới.
Mật nghị có sự tham gia của 135 hồng y đủ điều kiện tham gia bầu cử (dưới 80 tuổi), trong đó có đến 108 người do chính Giáo hoàng Francis bổ nhiệm.
Trong giai đoạn tại nhiệm của Giáo hoàng Francis, Hồng y đoàn trở nên đa dạng chưa từng có cả về mặt địa lý, sắc tộc và quan điểm.
Giáo hoàng quá cố đã chọn nhiều vị hồng y đến từ những khu vực xa trung tâm quyền lực Giáo hội như Ekwulobia (Nigeria) hay Santiago del Estero (Argentina).
Do đó đây sẽ là Mật nghị hồng y đầu tiên từ năm 1978 mà hồng y châu Âu không chiếm đa số. Đây cũng là một trong những lần bầu chọn Giáo hoàng với kết quả khó đoán định nhất.
Tuy nhiên báo Washington Post vẫn điểm lại một số ứng viên tiềm năng đang được đồn đoán cho ngôi vị Giáo hoàng.
Hồng y Charles Maung Bo (Yangon, Myanmar)

Hồng y Charles Maung Bo - Ảnh: AFP
Hồng y Charles Maung Bo, 76 tuổi, hiện là tổng giám mục Yangon tại Myanmar, một quốc gia tín đồ Phật giáo chiếm đa số. Hồng y Bo nổi tiếng với những phát biểu mạnh mẽ phê phán chính quyền quân sự nước này, vốn từng vấp phải cáo buộc tấn công các làng Công giáo và nhà thờ.
Hồng y Bo chịu chức linh mục năm 1976, trở thành tổng giám mục Yangon vào năm 2003. Trước đó ông đã phục vụ mục vụ tại nhiều giáo xứ ở miền trung và đông bắc Myanmar.
Ông từng giữ chức chủ tịch hội đồng giám mục Công giáo Myanmar (2000 - 2006) và được Giáo hoàng Francis tấn phong hồng y vào năm 2015.
Hồng y Bo cũng đảm nhiệm vai trò chủ tịch Liên hội đồng Giám mục châu Á (FABC), góp phần kết nối và nâng cao tiếng nói của Giáo hội tại châu lục này.
Hồng y Fridolin Ambongo Besungu (Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo)

Hồng y Fridolin Ambongo Besungu - Ảnh: AFP
Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, 65 tuổi, hiện là tổng giám mục Kinshasa - thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo. Ông cũng là chủ tịch Liên hội đồng Giám mục châu Phi.
Ông được xem là một trong những gương mặt tiêu biểu đại diện cho cộng đồng Công giáo đang phát triển nhanh chóng tại châu Phi, và đang đứng trước khả năng trở thành vị Giáo hoàng da màu đầu tiên trong lịch sử.
Hồng y Ambongo thuộc nhóm hồng y có lập trường phản đối việc ban phép lành cho các cặp đôi đồng giới, bất chấp sự cởi mở của Giáo hoàng Francis về vấn đề này.
Chính quan điểm dứt khoát này thu hút cho Hồng y Ambongo sự ủng hộ từ khối hồng y bảo thủ, nhưng cũng có thể khiến ông gặp khó trong việc chinh phục các vị hồng y ôn hòa.
Hồng y Ambongo chịu chức linh mục khi mới 28 tuổi, từng giảng dạy thần học luân lý tại Đại học Công giáo Congo ở Kinshasa.
Theo tiểu sử chính thức của Vatican, ông đã đóng vai trò tích cực trong các nỗ lực chống dịch Ebola. Ông được Giáo hoàng Francis tấn phong hồng y năm 2019, và là thành viên Hội đồng hồng y cố vấn của ngài.
Hồng y Jean-Marc Aveline (Marseille, Pháp)

Hồng y Jean-Marc Aveline - Ảnh: AFP
Hồng y Jean-Marc Aveline, 66 tuổi, là tổng giám mục đô thành Marseille, thành phố cảng Địa Trung Hải chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các làn sóng nhập cư và tị nạn.
Theo giáo sư Kurt Martens, chuyên gia về giáo luật tại Đại học Công giáo Mỹ, Hồng y Aveline có thể là một vị "giáo hoàng có nhiều điểm chung với" Giáo hoàng Francis.
Hồng y này từng gặp gỡ thường xuyên Giáo hoàng Francis, và chính là người thuyết phục người đứng đầu Giáo hội đến Marseille để thảo luận về các vấn đề di cư và khủng hoảng nhân đạo tại Địa Trung Hải.
Hồng y Aveline sinh ra tại Algeria khi nơi đây còn là thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên ông và gia đình đã chuyển đến Pháp sau khi Algeria giành độc lập.
Ông được truyền chức linh mục vào năm 1984, và được Giáo hoàng Francis tấn phong hồng y vào năm 2022.
Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle (Manila, Philippines)

Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle - Ảnh: CORBIS
Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle, 67 tuổi, hiện là phó tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, cơ quan được xem là quan trọng bậc nhất của Giáo triều Rome.
Hồng y Tagle đến từ Philippines, quốc gia có đa số dân theo Công giáo. Ông được xem là một trong những nhân vật thân tín nhất của Giáo hoàng Francis. Thậm chí ông từng được gọi là "ngôi sao đang lên" trong triều đại của giáo hoàng quá cố, theo nhà sử học Alberto Melloni - giám đốc Quỹ Khoa học Tôn giáo John XXIII tại Bologna (Ý).
Trong quá khứ, Hồng y Tagle từng chỉ trích những lời lẽ "hà khắc" và "nặng nề" mà một số giáo sĩ dùng để nói về người đồng tính, người ly dị, và các bà mẹ đơn thân.
Ông sinh ra tại thủ đô Manila, trong một gia đình có mẹ là người gốc Hoa và cha là người Tagalog. Sau khi được thụ phong linh mục tại Manila, ông hoàn tất chương trình tiến sĩ thần học tại Đại học Công giáo Mỹ vào năm 1991.
Giáo hoàng Benedict XVI tấn phong ông Tagle làm hồng y vào năm 2012.
Hồng y Pierbattista Pizzaballa (Jerusalem)

Hồng y Pierbattista Pizzaballa - Ảnh: WASHINGTON POST
Hồng y Pierbattista Pizzaballa, 60 tuổi, hiện giữ chức thượng phụ Latin Jerusalem, tức vị tổng giám mục đứng đầu Giáo hội Công giáo tại các vùng lãnh thổ Israel, Palestine, Jordan và Cộng hòa Cyprus.
Trong vai trò này, ông được đánh giá là một nhà ngoại giao hòa bình tận tụy với sứ mệnh hòa giải. Sau cuộc tấn công của Phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel hồi tháng 10-2023, Hồng y Pizzaballa từng tuyên bố sẵn sàng hiến thân để đổi lấy sự an toàn cho những trẻ em Israel bị bắt cóc.
Trong dịp Giáng sinh năm 2024, ông đã đến thăm giáo xứ Công giáo duy nhất tại Dải Gaza. Đáp lại đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc kiểm soát và tái định cư người dân Gaza, Hồng y Pizzaballa đã ra tuyên bố lên án mọi âm mưu "nhổ bật dân Gaza khỏi mảnh đất của họ".
Hồng y Pizzaballa sinh ra ở miền bắc Ý, chịu chức linh mục năm 1990. Năm 2020 Giáo hoàng Francis bổ nhiệm ông làm thượng phụ Latin Jerusalem và tấn phong hồng y vào năm 2023.
Hồng y Pietro Parolin (Vatican)

Hồng y Pietro Parolin - Ảnh: AFP
Hồng y Pietro Parolin, 70 tuổi, hiện là Thủ tướng Tòa Thánh Vatican, và là một trong những vị hồng y có thâm niên hàng đầu trong Giáo triều. Ông từng phục vụ nhiều năm trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh với các nhiệm sở tại Nigeria, Mexico và Venezuela. Các chuyên gia Vatican mô tả ông là người thận trọng, điều độ và có uy tín rộng rãi trong Hồng y đoàn.
Theo tiểu sử chính thức của Vatican, ông là chuyên gia về khu vực Trung Đông và châu Á, đã góp phần củng cố các mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican với nhiều nước như Việt Nam, Israel và Mexico.
Ông sinh tại một tỉnh nhỏ ở bắc Ý, chịu chức linh mục khi mới 25 tuổi. Ông bắt đầu phục vụ trong mảng ngoại giao của Tòa Thánh từ năm 31 tuổi, và có rất ít thời gian phục vụ tại các giáo xứ.
Ông được Giáo hoàng Francis vinh thăng hồng y năm 2014, và là thành viên Hội đồng hồng y cố vấn cho Giáo hoàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận