08/03/2011 07:15 GMT+7

Các trường lo xét tuyển sẽ rối

MINH GIẢNG - TRẦN HUỲNH
MINH GIẢNG - TRẦN HUỲNH

TT - Ngay khi vừa được công bố, chủ trương buộc các trường phải công bố thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển hằng ngày và thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển đã vấp phải sự không đồng tình của nhiều người.

CqEM6RJR.jpgPhóng to
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2010 - Ảnh: Như Hùng

Thậm chí nhiều cán bộ quản lý dự báo với những quy định “lạ” này, giai đoạn xét tuyển của tuyển sinh 2011 sẽ hết sức nháo nhào, rối rắm và gây thiệt hại không ít cho thí sinh.

Chen lấn

Năm 2010, chỉ riêng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã nhận đến hàng chục ngàn hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 trong khi chỉ tiêu chỉ vài ngàn. Cả chục ngàn thí sinh không trúng tuyển. Cảnh chen lấn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đã hết sức hãi hùng. Thử tưởng tượng số thí sinh này đến rút hồ sơ xét tuyển thì cảnh tượng sẽ như thế nào? Nhân lực đâu để trường đi lục tìm hồ sơ và trả lại cho thí sinh?

Làm rối thí sinh

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM băn khoăn: “Bộ yêu cầu công khai thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển mà không nói rõ công khai cái gì. Tổng số hồ sơ, hồ sơ theo ngành hay có công khai điểm thi của thí sinh không? Nếu để chung chung, mỗi trường làm một kiểu, công khai theo “chủ ý” của mình thì chưa chắc giúp ích gì cho thí sinh. Những năm trước thậm chí bộ còn quy định các trường chỉ được mở hồ sơ đăng ký xét tuyển khi đã hết hạn nhận hồ sơ nhằm đảm bảo sự công bằng”.

Trong khi đó cán bộ quản lý một trường ĐH tại TP.HCM nhấn mạnh: “Việc công khai này liệu có đảm bảo công bằng và tránh được tiêu cực không bởi bộ có kiểm tra được trường đó công khai chính xác không hay chỉ công bố theo hướng có lợi cho mình? Hơn nữa, hồ sơ về trường đến từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí những năm trước khi trường đã công bố điểm chuẩn nguyện vọng 2, mấy ngày sau bưu điện mới giao hồ sơ của thí sinh. Và như vậy việc công khai cũng khó có thể chính xác, nhất là khi thí sinh chủ yếu tập trung nộp hồ sơ vào những ngày cuối”. Cùng quan điểm, một trưởng phòng đào tạo nói: thực tế có thể trường sẽ chỉ công bố đối phó bởi nhân viên nhập liệu chỉ làm việc giờ hành chính, nếu quá nhiều hồ sơ họ sẽ nhập không kịp.

Theo quy định mới trong xét tuyển nguyện vọng 2, 3 năm nay, sẽ có rất nhiều thí sinh chờ đến giờ chót để nộp hồ sơ xét tuyển. Vì vậy việc các trường phải đảm bảo công khai những thông tin này là không thể. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra quy định rất chung: “Sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác, các trường tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút hồ sơ”. Trong khi đó, không có quy định về việc thí sinh rút hồ sơ để chuyển đổi các ngành khác nhau trong cùng một trường thì giải quyết ra sao?

PGS.TS Lý Văn Xuân, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng: “Việc công khai thông tin không nên yêu cầu phải cập nhật từng ngày. Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn cụ thể các trường phải công bố những thông tin gì và chỉ nên công bố vài lần trong thời gian của mỗi đợt xét tuyển”. Trong khi đó ThS Nguyễn Thanh Giang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, nói: “Cần hạn chế việc cho phép thí sinh rút lại hồ sơ xét tuyển. Vì trước khi nộp hồ sơ này thí sinh đã có nhiều thông tin và đã cân nhắc kỹ rồi. Việc này giúp tránh tình trạng thí sinh mang hồ sơ chạy lòng vòng giữa các trường có số điểm xét tuyển gần nhau, hạn chế được sự lộn xộn trong khâu tiếp nhận, rút trả hồ sơ cho thí sinh”.

Không đảm bảo công bằng

Riêng với quy định thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển, thậm chí được rút nhiều lần như khẳng định của Bộ GD-ĐT, nhiều chuyên gia tuyển sinh không đồng tình và cho rằng kỳ thi tuyển sinh năm nay sẽ hết sức nháo nhào và rối rắm, nhất là vào thời gian cuối của mỗi đợt xét tuyển. Về mặt chủ trương, bộ đã tự phá vỡ những nguyên tắc cơ bản đã được thực hiện nhiều năm nay.

Một trong những mục tiêu quan trọng của kỳ thi tuyển sinh là sự công bằng. Nhiều chuyên gia tuyển sinh lo ngại tính công bằng sẽ không còn và đối tượng có lợi chỉ tập trung vào một số trường, những thí sinh ở gần trường. “Những thí sinh ở gần trường có thể nắm thông tin và đến trường để rút hồ sơ, trong khi những thí sinh ở xa liệu có điều kiện để lên tận trường rút hồ sơ hay không. Bộ đã tự phá vỡ những nguyên tắc tuyển sinh của mình” - phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM nói.

Không chỉ tính công bằng bị phá vỡ, sự tốn kém và tâm lý lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hầu hết thí sinh, phụ huynh. Các cụm thi được tổ chức nhằm hạn chế sự đi lại, tiết kiệm chi phí cho thí sinh và xã hội. Với quy định mới này, thí sinh sẽ lại lều chõng về tận các trường, thuê nhà trọ, đi lại ngược xuôi tốn kém còn hơn cả khi đi thi. Và như vậy, mong muốn tổ chức kỳ thi ít tốn kém đã không còn, thậm chí tốn kém gấp bội. Trưởng phòng đào tạo một trường thành viên ĐHQG TP.HCM dự báo: “Chính vì sợ bị mất quyền lợi của mình, khả năng sẽ có hàng ngàn thí sinh ở các tỉnh xa dồn về các thành phố lớn trong đợt xét tuyển này để nộp, rút hồ sơ”.

Đi vào chi tiết thực hiện, nhiều vấn đề rắc rối phát sinh sẽ khiến việc xét tuyển nháo nhào. Phó phòng đào tạo một trường ĐH ở TP.HCM ví dụ: thí sinh gửi hồ sơ qua đường bưu điện, vài ngày sau lên trường xin rút. Lúc này bưu điện vẫn chưa chuyển hồ sơ về trường nên trường lấy gì để trả? Trong khi đó thí sinh cho rằng trường không muốn cho rút và rất có thể sẽ gây ra sự tranh cãi rất lộn xộn. Hơn nữa nếu nhận cả chục ngàn hồ sơ, khi thí sinh đến rút, việc lục tìm cũng khó khả thi bởi số lượng hồ sơ quá lớn, rất mất thời gian.

Trong khi đó bộ cũng không nêu rõ việc trả hồ sơ có trả lại phí xét tuyển hay không. Phó hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng: “Không thể trả lời trả hay không là tùy mỗi trường được. Nói như vậy trường trả, trường không trả sẽ gây ra sự lộn xộn, thiếu thống nhất trong tuyển sinh, vừa khó tránh khỏi trường hợp thí sinh thắc mắc, khiếu nại”. Nhiều cán bộ phụ trách tuyển sinh đặt vấn đề những thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển ra và nộp vào nhiều lần như vậy đều phải sửa chữa toàn bộ những dữ liệu quan trọng (mã trường, mã ngành), khả năng nảy sinh tiêu cực trong việc cạo sửa thông tin trên giấy đăng ký từ cả hai phía thí sinh và trường rất dễ xảy ra.

MINH GIẢNG - TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên