30/09/2019 06:31 GMT+7

'Các trường ĐH phải tự chủ và tự chủ là bản chất của ĐH'

HÀ BÌNH thực hiện
HÀ BÌNH thực hiện

TTO - Đây là khẳng định của GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM). Vị giáo sư 82 tuổi cũng cho biết đây là một trong số những trăn trở nhất của ông khi dành hàng chục năm nghiên cứu về giáo dục ĐH.

Các trường ĐH phải tự chủ và tự chủ là bản chất của ĐH - Ảnh 1.

Thư viện Trường ĐH Y dược TP.HCM dù đã được nâng cấp nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ học tập, nghiên cứu của sinh viên, học viên của trường do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Thời gian qua có nhiều tranh luận về hướng phát triển của trường này - Ảnh: L.B.

Giáo dục ĐH trên thế giới 20-30 năm qua nước nào cũng cải cách, theo mỗi cách khác nhau, nhưng mẫu số chung là hai mảng tự chủ và tài chính. Đây là vấn đề khó, không thể thấy được ngay nhưng có đi mới có đến.

GS PHẠM PHỤ

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông nói các trường ĐH phải tự chủ và tự chủ là bản chất của ĐH. Có tự chủ trường mới phát triển được. 

Hiện nay trường muốn mở ngành phải xin Bộ GD-ĐT. Khi tự chủ, trường tự biết nên và không nên mở ngành gì. Bộ GD-ĐT chỉ nên kiểm soát.

Ngoài ra, nguyên tắc ĐH phải được tự chủ về học thuật. Những nghiên cứu bài bản, có cơ sở khoa học đàng hoàng được quyền nói ngược lại chủ trương cơ chế chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, trường cũng nên được tự chủ về chương trình đào tạo, nhân sự...

Hội đồng trường càng đa dạng càng tốt

* Theo quan sát của giáo sư, các trường ĐH ở nước ta hiện nay tự chủ đến đâu?

- Tự chủ ĐH xoay quanh bảy nội dung: nghiên cứu/công bố; nhân sự; chương trình/giảng dạy; hiệu trưởng; sinh viên (tuyển sinh đầu vào); quản trị trường; hành chính và tài chính. 

Trong những nội dung này chưa có cái nào tự chủ trọn vẹn. Nhưng cái được tự chủ nhiều hơn những cái khác là nội dung giảng dạy.

* Việc ĐH chưa tự chủ trọn vẹn ấy đã để lại hệ quả gì, thưa giáo sư?

- Nó kìm hãm sự phát triển. Chất lượng ĐH tăng rất chậm và nguồn nhân lực thiếu chất lượng.

* Hội đồng trường cũng là điểm được nhắc nhiều khi giao quyền tự chủ cho các trường. Theo giáo sư, hội đồng trường trong ĐH ở nước ta hiện vận hành ra sao?

- Khái niệm hội đồng trường có ở nước ta từ năm 2003. Tới bây giờ, 16 năm rồi vẫn không có mấy hội đồng trường đúng nghĩa, làm đúng chức năng. 

Nếu muốn ĐH phát triển thì nên củng cố hội đồng trường cho đúng nghĩa. Hội đồng trường không phải chủ yếu những người góp vốn mà gồm người góp vốn, đại diện sinh viên, học giả, đại diện Bộ GD-ĐT... càng đa dạng độ tuổi, học vấn càng tốt. Hội đồng này làm việc khác với hành chính và chỉ ra quyết định trong cuộc họp, ra quyết định tập thể.

Ở Hà Lan trước đây khi lập hội đồng trường giai đoạn đầu để phát triển, giáo sư của họ biểu tình. Đây là vấn đề thuộc về văn hóa. Mà văn hóa muốn hình thành phải từ 30-40 năm chứ không thể ngày một ngày hai được.

Các trường ĐH phải tự chủ và tự chủ là bản chất của ĐH - Ảnh 3.

GS Phạm Phụ tại phòng làm việc trong Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: HÀ BÌNH

Bài toán tài chính: tăng học phí và cho vay

* Còn vấn đề tài chính thì sao, thưa giáo sư?

- Không thể đòi hỏi chất lượng cao nhưng đầu tư lại quá thấp. Biết là ngân sách nhà nước dành cho giáo dục khó tăng lên được, nhưng với chi phí như hiện nay, giáo dục ĐH không thể vươn cao. 

ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa rồi vươn cao (vào một số bảng xếp hạng thế giới - PV) vì chi phí/một sinh viên tăng lên nên cải thiện chất lượng.

* Như vậy, theo giáo sư, trong bối cảnh hiện nay phải giải bài toán tài chính này như thế nào?

- Tăng đầu tư phải tăng học phí. Lúc này, nhiều sinh viên khó khăn không đủ khả năng học ĐH, gây bất bình đẳng xã hội. 

Do đó cần có quỹ cho sinh viên vay vốn. Nhưng vay như hiện nay là quá ít. Phải cho sinh viên khó khăn vay đủ trả học phí và sinh hoạt phí. Ra trường sinh viên chưa xin được việc chưa phải trả nợ. 

Khi các bạn đi làm, có thu nhập ổn định sẽ trích ra 20% hằng tháng để trả nợ vay. Hệ thống thuế thu nhập minh bạch sẽ biết được thu nhập của các bạn và quản lý việc này.

Ở Hong Kong có lúc cải cách tăng học phí ĐH lên 2,65 lần nhưng có quỹ cho sinh viên vay vốn. Tăng học phí nhưng có quỹ cho sinh viên vay đúng nghĩa không làm mất công bằng xã hội. Quỹ này khoảng 50 nước trên thế giới vận hành hàng chục năm nay chứ không mới mẻ gì.

Phải phát triển trường tư

* Giáo sư từng nói rằng Việt Nam muốn phát triển phải đầu tư cho hệ thống ĐH tư?

- Đúng vậy. Cách đây 20 năm tôi đã góp ý ở Việt Nam trường tư phải chiếm khoảng 50-60% tổng số sinh viên. 

Ở Nhật sinh viên 80% là trường tư, Hàn Quốc cũng rất nhiều. Sau đó phong trào trường tư từ Nhật Bản lan qua Đài Loan, Indonesia... Những nơi này hiện trên dưới 40% sinh viên là trường tư.

Ở Việt Nam từ năm 2005 đã có kế hoạch đến năm 2020 khoảng 40% là sinh viên tư thục nhưng đến nay mới đạt 14-15% thôi. 20 năm nay gần như không thay đổi.

* Nhưng thưa giáo sư, thực tế từ các trường ĐH tư hiện nay khiến nhiều người lo ngại sinh viên không thu được điều tương xứng với học phí và phụ phí họ bỏ ra...

- Ở Việt Nam không có trường tư nào không vì lợi nhuận. Vấn đề là các trường đừng tuyên bố "trường tôi phi lợi nhuận". 

Nói như vậy là đánh lừa người học. Khi tư nhân mở trường, Nhà nước kiểm soát để tăng học phí vừa phải và khống chế mức chia lợi nhuận. Không phải cứ trường tư là xấu.

Một trường ĐH không vì lợi nhuận vận hành trên yếu tố: không chia lợi nhuận cho bất cứ ai, không có chủ sở hữu và được vận hành bởi những người ủy thác (người đóng góp ủy thác cho người khác quản lý). Do đó, nhiều người hiểu sai về phi lợi nhuận.

* Hiện nay có việc nhiều tập đoàn mua lại các trường ĐH tư. Theo giáo sư, xu hướng này nói lên điều gì?

- Điều này tốt thôi. Trên thế giới rất nhiều trường tư thuộc các công ty, tập đoàn. Chẳng hạn Malaysia có nhiều trường tư của các tập đoàn phát triển rất tốt đến nỗi trước đây sinh viên Malaysia ra nước ngoài học nhưng nay sinh viên các nước đến Malaysia học.

* Thưa giáo sư, gần đây nhiều người nói về câu chuyện "ĐH" và "trường ĐH", quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Khi nói trường ĐH thì chữ "trường" biểu thị một đơn vị, còn "ĐH" nói đến một cấp học. Phân biệt hai chữ này làm rắc rối vấn đề vì không phải "ĐH" tự chủ nhiều hơn "trường ĐH".

Ở Mỹ nói rất rõ. Chữ "University" là trường ĐH. Trong trường ĐH có giáo dục khai phóng (liberty art) và các "school" gọi là trường. Tự chủ hay không tự chủ, cao cấp hay không cao cấp không phải do chữ "University".

Tuyển sinh nên giao cho các trường ĐH

* Tuần trước, Bộ GD-ĐT thông tin dự kiến sau năm 2020 sẽ thi THPT quốc gia trên máy tính và thi nhiều đợt trong năm. Giáo sư thấy phương án này thế nào?

- Theo tôi, tốt nghiệp THPT nên giao cho các địa phương. Nơi nào thích xét hay thi tốt nghiệp THPT đều được.

Bộ GD-ĐT không cần can thiệp gì hết vì sau khi thi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 95-97% rồi. Còn tuyển sinh ĐH nên giao cho các trường. Bộ GD-ĐT chỉ hướng dẫn tổng quát thôi chứ không nên nhúng tay vào.

Để đại học tự chủ toàn diện: Không còn khái niệm Để đại học tự chủ toàn diện: Không còn khái niệm 'cơ quan chủ quản'

TTO - Khái niệm 'cơ quan chủ quản' từng được dùng để xác định đại diện của Nhà nước trong hội đồng trường đại học công lập. Hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học không còn quy định nào về 'cơ quan chủ quản'.

HÀ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên