01/02/2012 08:13 GMT+7

Các nước vùng Vịnh đưa kế hoạch đối phó Iran

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp phối hợp với các lực lượng hải quân phương Tây trong trường hợp Iran đóng cửa eo biển Hormuz. Mỹ điều thêm tàu chiến đến Trung Đông.

nFpbm9n1.jpgPhóng to

Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis (phải) và USS Abraham Lincoln của Mỹ đang có mặt tại Trung Đông - Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời ông Mubarak Ali Al-Sabah, chỉ huy các chiến dịch hàng hải thuộc lực lượng tuần duyên Kuwait, nhấn mạnh: “Xuất khẩu dầu và nhập khẩu hàng hóa qua eo biển Hormuz là một mối quan ngại hàng đầu của GCC. GCC đã đưa ra một kế hoạch hành động tập thể chứ không chỉ riêng Kuwait hoặc Bahrain. Chúng tôi hi vọng mọi thứ được an toàn”.

5/6 thành viên của GCC gồm Bahrain, Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), ngoại trừ Oman, đều phụ thuộc vào eo biển Hormuz để xuất khẩu dầu và khí đốt. Đây cũng là tuyến nhập khẩu lương thực quan trọng đối với dân số trong khu vực này. Eo biển Hormuz, rộng khoảng 54km và là tuyến đường biển duy nhất nối liền vịnh Persic với Ấn Độ Dương với khoảng 40% lượng dầu, tương đương 1/5 lượng dầu tiêu thụ trên toàn thế giới đi qua mà hiện đang bị Iran đe dọa phong tỏa.

“Lo ngại về hậu quả của việc eo biển Hormuz bị phong tỏa ngày càng tăng” - ông Al-Sabah nói. Hoàng thân Turki al-Faisal của Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC, trước đó cho biết chính quyền nước này đang cân nhắc đe dọa của Iran một cách nghiêm túc.

Kế hoạch của các nước Ả Rập

Kế hoạch của các nước vùng Vịnh bao gồm: phối hợp giữa các lực lượng hải quân và tuần duyên GCC với các lực lượng phương Tây đang tuần tra tại khu vực như hải quân Mỹ, Pháp và Úc. Theo chuyên gia về hải quân và hàng hải Christian Le Miere thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, trong kế hoạch này “hẳn cũng sẽ có kế hoạch phối hợp nhanh để gỡ mìn đặt tại khu vực hoặc hợp tác ngăn các tàu nhỏ của Iran phong tỏa tuyến vận chuyển”. Giới phân tích đều dự đoán Tehran sẽ sử dụng ngư lôi để phong tỏa eo biển Hormuz.

GCC hiện có Lực lượng bảo vệ bán đảo với hơn 40.000 quân đóng tại tỉnh Hafar Al-Batin của Saudi Arabia. Dù không tham gia một chiến dịch quân sự toàn diện nào từ năm 1984, song lực lượng này vẫn chi mạnh tay cho việc mua sắm vũ khí. Saudi Arabia chi hơn 60 tỉ USD mua máy bay chiến đấu F-15, trực thăng Apache và Black Hawk, tên lửa Patriot và bom xuyên phá của Mỹ. Lầu Năm Góc cũng vừa bán số tên lửa đạn đạo trị giá 3,5 tỉ USD cho UAE, trong khi Kuwait chuẩn bị mua 200 tên lửa Patriot.

Theo giới phân tích, một lo ngại khác của các nước vùng Vịnh là tìm kiếm tuyến vận chuyển dầu thay thế trong trường hợp eo biển Hormuz bị tê liệt. Hồi tháng 1-2012 UAE, nước sản xuất 2,5 triệu thùng dầu/ngày, đã công bố một đường ống dẫn dầu công suất 1,5 triệu thùng/ngày dẫn từ các giếng dầu ở Abu Dhabi ra Ấn Độ Dương sẽ hoạt động vào tháng 6-2012. Tuy nhiên, việc Iran phong tỏa eo biển Hormuz sẽ lập tức làm gián đoạn dòng dầu xuất khẩu của Saudi Arabia, Kuwait, Iraq và khí đốt của Qatar. “Với 16-17 triệu thùng dầu chảy mỗi ngày tại khu vực thì cần phải có số lượng ống dẫn khổng lồ” - chuyên gia Simon Wardell nhận định.

Mỹ điều thêm tàu chiến, siết chặt trừng phạt

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Trung Đông vốn đang nóng lên mỗi ngày. Theo Đài truyền hình RT, ngày 31-1 tàu ngầm hạt nhân USS Annapolis và tàu khu trục USS Momsen, đều được trang bị tên lửa Tomahawk, đã vượt kênh đào Suez tiến vào biển Đỏ.

Mặc dù chưa rõ đích đến của những tàu này song rõ ràng là chúng đang ở rất gần vịnh Persic. Mỹ hiện có hai đội tàu hàng không mẫu hạm dẫn đầu bởi USS Abraham Lincoln và USS Carl Vinson tại khu vực Trung Đông, cùng một số tàu chiến của Pháp và Anh. Hàng không mẫu hạm USS Enterprise dự kiến có mặt tại đây vào tháng 3-2012.

Các chính trị gia Mỹ cũng mới công bố kế hoạch mới nhằm siết chặt trừng phạt kinh tế và chính trị với Tehran và dự kiến đưa ra bỏ phiếu vào ngày 2-2. Biện pháp trừng phạt nhắm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran sẽ mở rộng trừng phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn với Tehran cũng như kêu gọi cấm các quan chức Iran đến Mỹ và phong tỏa các tài sản tại Mỹ bị nghi hỗ trợ Iran.

Vào ngày 2-2, các quan chức ngoại giao, tài chính của Mỹ và Nhật Bản sẽ thảo luận về nội dung của lệnh trừng phạt mới dành cho Iran.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên