Nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ Kurt Campbell - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo ngày 18-4, người phát ngôn Adrienne Watson của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), thuộc Nhà Trắng, cho biết chuyến công du do điều phối viên của NSC về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell và trợ lý ngoại trưởng Daniel Kritenbrink dẫn đầu.
Trong đoàn còn có các đại diện khác của NSC, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ.
Đoàn ngoại giao sẽ đến tiểu bang Hawaii của Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương như Fiji, Papua New Guinea và Solomon, nhằm "làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với khu vực và thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và có khả năng chống chịu".
Điểm dừng chân tại Solomon của đoàn ngoại giao Mỹ sẽ là điểm đáng lưu ý trong bối cảnh Mỹ và đồng minh Úc lo ngại về thỏa thuận an ninh giữa đảo quốc này với Trung Quốc.
Theo thông báo của NSC, tại Solomon cũng như các đảo quốc khác, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ "gặp các quan chức chính phủ cấp cao để đảm bảo quan hệ đối tác mang lại sự thịnh vượng, an ninh và hòa bình trên khắp các quần đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Ngoài ra, họ sẽ gặp gỡ các đại diện của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương để thảo luận về các vấn đề có tầm quan trọng đối với toàn bộ Thái Bình Dương.
Vào đầu tháng 2-2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đến khu vực này để khẳng định các cam kết của Washington.
Cuối tháng 3-2022, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Solomon đã "ký kết khung thỏa thuận" về hợp tác an ninh song phương.
Dự thảo văn bản thỏa thuận bị rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy thỏa thuận cho phép Bắc Kinh triển khai lực lượng để "bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở quần đảo Solomon".
Đầu tháng 4-2022, Văn phòng Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon cho biết thỏa thuận mới sẽ "không mời Trung Quốc đến thiết lập căn cứ quân sự tại quần đảo này".
Ngày 13-4, Bộ trưởng Úc về vấn đề quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja nói Canberra sẽ hỗ trợ an ninh cho Solomon và kêu gọi đảo quốc này hủy thỏa thuận với Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận