25/06/2006 23:12 GMT+7

Các ngành học của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM

QUỐC DŨNG tổng hợp
QUỐC DŨNG tổng hợp

TTO - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM là cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ mỹ thuật, họa sĩ, nhà sư phạm mỹ thuật, nhà lý luận mỹ thuật, nhà quản lý và nghiên cứu khoa học mỹ thuật nắm vững kiến thức về mỹ thuật, có khả năng sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy...

Mã trường: MTSĐịa chỉ: 5 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCMĐT: (08) 8416010Website: http://www.hcmufa.edu.vn/

0BLdegtn.jpgPhóng to
Sinh viên ngành Mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đang học về Thiết kế đồ họa
TTO - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM là cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ mỹ thuật, họa sĩ, nhà sư phạm mỹ thuật, nhà lý luận mỹ thuật, nhà quản lý và nghiên cứu khoa học mỹ thuật nắm vững kiến thức về mỹ thuật, có khả năng sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy...

Trường trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về lĩnh vực mỹ thuật ở bậc ĐH và sau ĐH; nghiên cứu khoa học và sáng tác nghệ thuật phù hợp với các ngành đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần bảo tồn và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam.

Trường tuyển sinh từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến Cà Mau, thí sinh phải qua sơ tuyển mới được thi vào trường. Hồ sơ đăng ký dự thi và bài sơ tuyển nộp trực tiếp cho Phòng Đào tạo của trường trước tháng 5 hàng năm (ối với những người ở xa có thể nộp qua Sở GD-ĐT địa phương, trường không nhận hồ sơ qua đường bưu điện).

Ngoài những hồ sơ theo quy định chung của Bộ GD-ĐT thí sinh xin thi phải lập thêm hồ sơ dự kỳ sơ tuyển. Hồ sơ dự kỳ sơ tuyển gồm có:

a. Thi vào hệ ĐH khoa Hội họa, Đồ họa, Mỹ thuật ứng dụng, Sư phạm Mỹ thuật: Thí sinh nộp 2 bức tranh: 1 bức hình họa đen trắng (vẽ chân dung hoặc vẽ toàn thân người thật) vẽ bằng bút chì đen, một phác thảo bố cục màu (vẽ cảnh sinh hoạt, lao động hoặc phong cảnh đất nước Việt Nam) vẽ bằng màu bột hoặc màu nước, khuôn khổ nhỏ nhất là 30x40cm.

b. Thi vào hệ ĐH khoa Điêu khắc: Thí sinh nộp một bức tượng (toàn thân hoặc chân dung), chiều cao tối thiểu của tượng là 30cm, hoặc một bức chạm nổi (cảnh sinh hoạt, lao động...) khuôn khổ nhỏ nhất là 30x40cm.

Dưới đây là các ngành đào tạo của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.

1. Ngành Hội họa

Sau 2 năm học căn bản (năm thứ nhất và thứ hai ĐH) SV được phân vào học chuyên khoa. Ngành Hội họa có nhiệm vụ đào tạo SV nắm vững kiến thức chuyên môn, có khả năng nghiên cứu và thể nghiệm chất liệu theo quy trình thực hiện các bài tập sáng tác như: tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, bố cục và thể hiện một tác phẩm thi tốt nghiệp bằng chính chất liệu mà SV đã học.

Ngành Hội họa đào tạo theo chương trình các chuyên ngành như:

- Chuyên ngành Sơn mài: Hiện nay, chất liệu sơn mài được nhiều họa sĩ chọn làm chất liệu sáng tác tranh và nó trở thành chất liệu độc đáo trong nghệ thuật tạo hình.

Chất liệu sơn mài được nhiều SV theo học trong chương trình 3 năm chuyên khoa (năm thứ 3,4,5) và thể hiện bài thi tốt nghiệp. Trong thời gian học tập, SV được trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật chất liệu và quy trình thể hiện một bức tranh sơn mài.

Trong quá trình học tập sinh viên được nghiên cứu chuyên sâu về: Kỹ thuật chất liệu (pha chế sơn quang, sơn vẽ và sơn phủ); kỹ thuật thể hiện màu sắc (sơn cánh gián, vỏ trứng, xà cừ, bạc, vàng).

- Chuyên ngành Sơn dầu.

- Chuyên ngànha Lụa.

2. Ngành Đồ họa

Chương trình đào tạo chuyên ngành (trong 3 năm).

Năm thứ nhất - chuyên ngành (ĐH 3):

* Học kỳ I (học các môn chuyên ngành và bộ môn hình họa chuyên ngành): Giới thiệu về chuyên ngành Đồ họa tạo hình. Thực hành và sáng tác tranh cổ động theo chủ đề. Thực hành bố cục tĩnh vật và kỹ thuật in kẽm. Thực hành bố cục phong cảnh và kỹ thuật in đá. (Kết thúc học tĩnh tại, đi thực tế trong học kỳ một)

* Học kỳ II (suốt học kỳ II SV học tĩnh tại chuyên ngành kèm theo bộ môn nghiên cứu hình họa chuyên ngành): Các môn tĩnh tại chuyên ngành: bố cục phong cảnh và kỹ thuật tranh khắc gỗ; nghiên cứu chân dung tự họa và kỹ thuật in đá.

Năm thứ hai - chuyên ngành (ĐH 4)

* Học kỳ I (đi thực tế vào đầu năm học, tiếp theo học tĩnh tại chuyên ngành và bộ môn nghiên cứu hình họa chuyên ngành): Các môn tĩnh tại chuyên ngành: bố cục chủ đề và kỹ thuật tranh in lưới; bố cục chủ đề và kỹ thuật tranh khắc gỗ.

* Học kỳ II: Các môn tĩnh tại chuyên ngành (kết thúc môn hình họa chuyên ngành): bố cục chủ đề và kỹ thuật tranh in đá; bố cục chủ đế và kỹ thuật tranh in kẽm.

Năm thứ ba - chuyên ngành (ĐH 5)

* Học kỳ I: Đi thực tế vào đầu năm học lấy tư liệu cho bài thi tốt nghiệp. Làm đề cương luận văn tốt nghiệp. Nghiên cứu bố cục và chất liệu thể hiện của chuyên khoa. Thực hiện viết bài luận văn tốt nghiệp.

* Học kỳ II: Thực hiện bài thi chuyên môn của chuyên ngành và bảo vệ tốt nghiệp.

3. Ngành Điêu khắc

Ngành Điêu khắc Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM hiện nay được tiếp quản từ ngành Điêu khắc Trường Quốc gia CĐ Mỹ thuật Sài Gòn từ năm 1975. Ngành Điêu khắc là một trong những ngành chính của ngành Nghệ thuật tạo hình.

Ngành Điêu khắc đào tạo cử nhân Mỹ thuật điêu khắc, cử nhân điêu khắc có khả năng sáng tác, thể hiện tác phẩm từ chân dung, tượng trang trí công viên, tượng đài phục vụ nhân dân và xã hội, những công trình cấp quốc gia.

4. Ngành Sư phạm Mỹ thuật

Ngành Sư phạm Mỹ thuật Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM được thành lập theo quyết định số 4271/GD-ĐT tại Hà Nội ngày 19-12-1997 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại một số cơ sở thuộc khối Bộ Văn hóa - Thông tin.

SV tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật trình độ ĐH có thể giảng dạy Mỹ thuật tại các trường THCS, CĐ, ĐH và học lên cao học.

5. Ngành Mỹ thuật ứng dụng

8EbTlYqg.jpgPhóng to
Quảng cáo Báo. Chất liệu: đồ họa vi tính. Sáng tác năm 2004 của giảng viên Bạch Huyền Linh
Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đặt tên là ngành Mỹ thuật ứng dụng nhằm để mọi người phân biệt giữa Nghệ thuật tạo hình và Mỹ thuật ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời trong tương lai trường sẽ thành lập thêm một số chuyên ngành nữa của lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng, cụ thể là các chuyên ngành của Nghệ thuật thiết kế như Thiết kế quảng cáo, Thiết kế minh họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế đa truyền thông...

Ngành nhằm đào tạo nên những họa sĩ có trình độ chuyên môn về thiết kế hai chiều, có khả năng tư duy thị giác, phát triển ý tưởng, sử dụng ngôn ngữ thị giác, các yếu tố thị giác, trên cơ sở am hiểu các nguyên lý thị giác để thực hành sáng tạo các sản phẩm về đồ họa ứng dụng truyền thông hai chiều như: Thiết kế, sáng tạo, ứng dụng chữ trong từng tình huống cụ thể, logo, biểu tượng, giấy tiêu đề, danh thiếp, bao thư, lịch treo tường, lịch để bàn, poster, catalog, sách quảng cáo nhỏ, tờ bướm, tờ rơi, thiết kế bao bì, biết thiết kế trang web, biết các kỹ thuật chụp, xử lý, sử dụng ảnh phục vụ cho việc thiết kế, thể hiện ý tưởng, kỹ thuật xuất các dữ liệu đồ họa...

SV có khả năng từ việc nghiên cứu, động não, hình thành ý tưởng, thể hiện ý tưởng, sáng tạo thành các ngôn ngữ đồ họa truyền thông và chuyển các mẫu thiết kế hoàn chỉnh theo dõi, giám sát việc thi công thể hiện sản phẩm được thiết kế một cách tốt nhất, đạt mọi yêu cầu về công năng và thẩm mỹ. Các SV này có thể trở thành các nhà thiết kế chuyên nghiệp và từ nền tảng đó cùng với trình độ thực hành giỏi có triển vọng trở thành giám đốc mỹ thuật cho các công ty thiết kế đồ họa.

Ngoài những kiến thức cốt lõi về kỹ năng vẽ, diễn tả, phản ánh, ghi chép đối tượng trong không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều, khả năng hình tượng hóa ý tưởng ở dạng cơ bản trong ngôn ngữ, quy luật trang trí, các kiến thức về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, lịch sử mỹ thuật thế giới, triết học, mỹ học, ngoại ngữ, thể dục, quốc phòng...

Chương trình đào tạo toàn khóa của chuyên ngành Thiết kế đồ họa được dàn trải trong 5 năm học.

6. Ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật

Đào tạo SV có trình độ cử nhân về Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật. SV tốt nghiệp ngành này ra trường có khả năng nghiên cứu Lý luận Mỹ thuật và Lịch sử Mỹ thuật, có khả năng làm công tác phê bình mỹ thuật, tổ chức các hoạt động mỹ thuật và giảng dạy các môn: Lịch sử Mỹ Thuật Việt Nam, Lịch sử Mỹ thuật thế giới, Mỹ thuật học, Mỹ học (xho đối tượng SV Mỹ thuật), Lý luận Mỹ thuật, Sư phạm Mỹ thuật.

SV có thể giảng dạy trong các trường Văn hóa - Nghệ thuật nói chung và các trường CĐ, ĐH Mỹ thuật, khoa Sư phạm Nhạc - Họa thuộc các trường CĐ Sư phạm, ĐH Sư Phạm nói riêng. Ngoài ra còn có thể tham gia giảng dạy bộ môn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, Lịch sử Mỹ thuật thế giới cho SV khoa Hướng dẫn viên du lịch, Bảo tồn - bảo tàng...

Đồng thời trong xu thế chung ở nước ta hiện nay, để đáp ứng về nhu cầu thưởng ngoạn mỹ thuật của công chúng, SV ngành này có thể góp phần định hướng, hướng dẫn công chúng thưởng thức Mỹ thuật qua các bài viết, giới thiệu về tác giả - tác phẩm mỹ thuật; về các phong trào, khuynh hướng sáng tác và hoạt động mỹ thuật trong nước và quốc tế.

SV muốn được tuyển chọn phải qua kỳ thi tuyển sinh ĐH gồm các môn như: Hình họa (trình độ Trung học Mỹ thuật); Trang trí (trình độ Trung học Mỹ thuật); Văn (chương trình THPT). Sau năm học thứ IV, SV phải chọn hướng nghiên cứu chuyên sâu vào các lĩnh vực: Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam; Lịch sử Mỹ thuật thế giới; Lý luận - phê bình mỹ thuật. Trong 5 năm học, hàng năm SV sẽ có thời gian từ 1 đến 2 tháng để đi thực tế tại các di tích lịch sử văn hóa, các bảo tàng, các triển lãm, các gallery mỹ thuật.

7. Khoa Kiến thức cơ bản

a. Mục tiêu đào tạo ở cấp Trung học Mỹ thuật: Đào tạo các cán bộ Mỹ thuật có trình độ Trung cấp Mỹ thuật, đáp ứng việc làm ở cơ sở và tạo nguồn tuyển sinh ở cấp ĐH. Học trong 2 năm.

Từ năm 1999, nhà trường không tổ chức thi tuyển vào cấp Trung cấp Mỹ thuật mà lấy các thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐH nhưng không đạt điểm chuẩn. Với số lượng hạn chế trong một lớp học khoảng 20 đến 30 học sinh. Các học sinh này là những thí sinh dự thi tuyển sinh có số điểm thi kế tiếp mức dưới điểm chuẩn.

- Môn Hình họa: Học sinh tốt nghiệp 2 năm Trung cấp sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về nghiên cứu vẽ hình họa bằng chất liệu chì, than, bột màu, được rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo trong các khâu quan sát, sử dụng que đo, dựng hình đúng tỷ lệ, đúng cấu trúc xương và khối qua các bài tập vẽ tượng, vẽ chân dung bán thân, toàn thân…

- Môn Trang trí: Qua 2 năm học môn trang trí, học sinh được rèn luyện khả năng cảm thụ về màu sắc, về mảng hình, về đường nét, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ. Học sinh nắm được quy trình xây dựng một họa tiết trang trí, nắm vững các quy luật và nguyên lý cơ bản về bố cục trang trí trên các mặt phẳng một chiều, hai chiều, mặt phẳng không giới hạn, qua đó ứng dụng vào các bài tập bố cục trang trí, và bố cục tranh có đề tài, bằng chất liệu bột màu.

b. Mục tiêu đào tạo ở hai năm đầu ĐH: Các học sinh đã tốt nghiệp THPT và vượt qua kỳ thi tuyển sinh do Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM tổ chức với các môn thi: Hình họa (3 buổi sáng, 12 tiết); môn Văn (1 buổi sáng, 4 tiết); môn Trang trí (1 ngày, 8 tiết); môn Bố cục (1 ngày, 8 tiết).

Thời gian học 2 năm. Khoa trang bị cho SV những kiến thức cơ bản, chuẩn bị bước vào lĩnh vực sáng tạo ở 3 năm của giai đoạn 2 cấp ĐH.

- Môn Hình họa (ĐH1): Trang bị cho SV những kiến thức cơ bản về giải phẫu tạo hình, bố cục, không gian, ánh sáng, màu theo tương quan chung qua các bài tập nghiên cứu hình họa đúng phương pháp cơ bản, đúng quy cách thể hiện, nắm cấu trúc khối tổng thể của toàn thân, rèn luyện kỹ năng quan sát, cách sử dụng các dụng cụ vẽ, tập làm quen với chất liệu sơn dầu qua các phương pháp đắp màu, tráng màu dày, mỏng.

- Môn Hình họa (ĐH2): Nâng cao khả năng diễn tả bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình qua các nhóm bài tập vẽ nghiên cứu hình họa toàn thân chất liệu chì, than, sơn dầu, bột màu…qua đó SV được đánh giá cao về ý thức bố cục, tỉ lệ giải phẫu, hệ thống trục, cấu trúc khối, đi sâu vào phối cảnh, hệ thống sáng tối lớn, màu nóng lạnh, tương quan chung về tả chất, tả không gian và hiệu quả của bút pháp, chất liệu.

- Môn Trang trí (ĐH1): SV được ôn lại các lý thuyết, quy luật bố cục trong trang trí thông qua các quy trình từ nghiên cứu cảnh vật, con người cấu tạo thành họa tiết trang trí và bố cục trong những hình cơ bản, từ đó nắm vững quy luật thăng bằng, lệch tâm và quy trình xây dựng một bố cục đơn giản ở năm thứ nhất.

- Môn Trang trí (ĐH2): Ở năm thứ 2 qua các bài giảng về phương pháp xây dựng bố cục tranh tương đối phức tạp, nắm vững các quy luật bố cục đường nét, bố cục hình mảng, bố cục ánh sáng, màu sắc, nhịp điệu, chuyển động, các tương phản, trọng tâm SV tập xây dựng bố cục tranh có chủ đề tương đối phức tạp, tập làm quen với các chất liệu như màu dầu, màu nước, acrylic, chất liệu tổng hợp qua các bài tập bố cục tranh phong cảnh, phong cảnh sinh hoạt vẽ theo thực tế.

QUỐC DŨNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên