30/09/2011 03:26 GMT+7

Các "kỹ sư nhí" và giấc mơ robot

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TT - “Cô ơi, cái này ráp sao cô?”. “Thầy ơi, con gắn hoài mà sao nó không vô vậy thầy?”. Thi thoảng mới có tiếng trẻ con vang lên trong không gian yên tĩnh của những lớp học thiết kế robot.

DxUghLWv.jpgPhóng to

Các học trò thỏa sức sáng tạo với thế giới robot của riêng mình - Ảnh: Q.NGUYÊN

1 Sau một hồi hì hục lắp ráp, cuối cùng robot người chiến đấu cũng thành hình trên tay Hải Vân. 13 tuổi, cô bé là một trong số những gương mặt nữ hiếm hoi của các lớp thiết kế robot tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM vào hai ngày cuối tuần. Vân kể trong lần tìm đến đây đăng ký lớp vẽ nhưng thấy thông tin về lớp robot hấp dẫn quá nên xin mẹ cho... rẽ ngang. Được thầy hướng dẫn, Vân cài đặt chương trình cho robot trên máy tính và hồi hộp chờ đợi. Công tắc bật lên, chú robot chiến đấu của Vân bước những bước đầu tiên trong nụ cười thật tươi của nữ chủ nhân vừa tạo ra nó.

Ngồi gần đó, hai chị em Nam Phương (9 tuổi) và Nam Thắng (7 tuổi) cũng say sưa lắp ráp những chú robot xe đua tốc độ. Khi đã hoàn thành, hai chị em mang sản phẩm ra nghênh chiến với nhau. Chị em Phương và Thắng đang theo lớp Huna dành cho lứa tuổi từ 9 trở xuống, hướng dẫn thiết kế những robot đơn giản để tập cho các bạn nhỏ bắt đầu làm quen với thế giới robot.

Nhỏ nhất trong lớp học này là những bé mới 5 tuổi. Lắp ghép robot dành cho lứa tuổi này không khác mấy việc lắp ghép trong trò chơi Lego, khác chăng là có thêm môtơ để robot có thể cử động được. Quốc Minh (5 tuổi) đã biết ráp robot con rùa, con cua và đang tiếp tục ráp những chú robot khác.

2 Để làm quen với robot, các bạn nhỏ (4-8 tuổi) sẽ bắt đầu với các lớp Huna 1, 2, 3. Hết lớp Huna, các bạn 9-15 tuổi sẽ vào lớp robot cũng có ba cấp độ: sơ cấp (ES1), trung cấp (ES2) và nâng cao (ES3). Mỗi cấp độ học đều có sách hướng dẫn và bộ linh kiện tương ứng.

Không khí lớp học như một gia đình, chỉ có sự ân cần chỉ bảo của người thầy giáo đã nghỉ hưu Phan Thanh Long cùng một vài cô giáo trẻ dành cho các học trò nhí. Có khi cả cha hoặc mẹ cùng vào lớp với con.

3 “Ban đầu thử nghiệm, sĩ số lớp không nhiều nhưng ngày càng nhiều phụ huynh biết đến nên số lớp cứ tăng đều, nhất là vào dịp hè”, giám đốc Nhà Thiếu nhi TP.HCM Phạm Ngọc Tuyền cho biết. Theo phương thức liên kết, Nhà Thiếu nhi TP.HCM sẽ hỗ trợ địa điểm, phụ trách chiêu sinh học viên, Công ty Thiên Bảo sẽ chuẩn bị giáo án, linh kiện và giáo viên hướng dẫn.

Những lớp học đầu tiên đã được mở tại Tiền Giang, sắp tới sẽ mở tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Ở TP.HCM, những lớp học tương tự cũng được mở tại nhà thiếu nhi một vài quận, kể cả quận vùng ven của TP. Một cuộc thi thiết kế, lắp ráp robot cũng được Nhà Thiếu nhi TP tổ chức hằng năm để tạo sân chơi cho các nhà sáng tạo nhí cùng tranh tài.

Thầy Phan Thanh Long thông tin: “Ngoài việc liên kết với các nhà thiếu nhi, chúng tôi đang xúc tiến để có thể đưa những lớp học này vào trường mẫu giáo, tiểu học như những tiết học ngoại khóa, để các em vừa học vừa chơi, khơi gợi tính sáng tạo của học trò từ lứa tuổi mầm non”.

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên