Hội thảo nhận định nông sản là ngành chịu nhiều rủi ro trong chiến tranh thương mại - Ảnh: MOIT
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo "CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt Nam" được Trung ương Hội nông dân Việt Nam và Bộ Công thương tổ chức ngày 2-7.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh,hiện Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như: xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, gạo thứ 3 thế giới; xuất khẩu thủy sản đứng thứ tư thế giới; xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 5 thế giới…
"Các hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn nữa cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp" - ông Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận nông sản thường là "nạn nhân" đầu tiên trong các cuộc đối đầu hay chiến tranh thương mại. Chính vì vậy, việc thực hiện hiệu quả các FTA sẽ có giá trị hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động.
Trong số đó, Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay.
Ngoài ra là Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), cũng là FTA "thế hệ mới" được Việt Nam.
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, cũng cho rằng các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA mang lại cơ hội vàng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng để tận dụng được cần phải thay đổi tư duy.
Cũng bởi, những hạn chế của ngành nông nghiệp như chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.
Ông Sùng dẫn chứng là tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng và số lượng các chuỗi giá trị nông sản còn thấp; cách thức tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị còn sơ sài, liên thông giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới còn gặp nhiều rào cản…
Do đó, ông Sùng cho biết Hội nông dân Việt Nam sẽ phải tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới và doanh nghiệp nông nghiệp và liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối).
Đồng thời ưu tiên phát triển một hệ thống ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại và ngành công nghiệp nông sản thực phẩm cùng với dịch vụ phân phối, kho vận được kết nối mạnh mẽ.
Để giảm thiểu những thách thức, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động chuẩn bị các chương trình thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của địa phương, doanh nghiệp về các quy định, cam kết của các Hiệp định, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận